1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Bình:

Cận cảnh cánh rừng đang “hấp hối” vì lâm tặc

(Dân trí) - Sau 2 vụ án “điểm” về phá rừng và chống người thi hành công vụ tại Thượng Hóa (Quảng Bình), tiếng máy cưa vẫn chưa ngừng vang giữa đại ngàn, và những chuyến xe chở gỗ lậu vẫn nối đuôi nhau về xuôi trong sự bất lực của các đơn vị bảo vệ rừng.

“Máu” rừng vẫn chảy
 

Nằm ở sườn Bắc đèo Đá Đẽo, tiểu khu 218 rừng Thượng Hóa được giao cho Lâm trường Minh Hóa quản lý, khai thác và bảo vệ. Khu vực đèo Đá Đẽo có lẽ cũng là nơi ghi nhận sự có mặt dày đặc nhất của các lực lượng bảo vệ rừng (BVR). Ngay ở xã Thượng Hóa có trạm BVR Thượng Hóa, trạm Kiểm lâm (KL) Thượng Hóa, Tổ công tác đồn Biên phòng 585. Ở triền Nam đèo, trên đoạn dài 20 km của đường Hồ Chí Minh có đến 4 trạm KL, BVR là Chà Nòi, Khe Sến, Khe Gát và Troóc.
 
Năm 2008, Công an tỉnh Quảng Bình đã đánh úp một mẻ lưới lớn, thu giữ gần 100 m3 gỗ lậu ở rừng Thượng Hóa. Vụ án được khởi tố, đường dây phá rừng được bóc tách và nhiều cán bộ KL, BVR chịu án kỷ luật.
 
Năm 2009, cũng tại mảnh rừng này, một vụ án chống người thi hành công vụ đã bị xử lý khi một nhóm lâm tặc địa phương mang theo súng ống, dao quắm vãi đạn truy sát kiểm lâm trạm Chà Nòi, đập nát lán tiền tiêu của tổ công tác đứng chân trên đỉnh đèo Đá Đẽo.

 

Tưởng như những động thái mạnh mẽ của ngành công an sẽ giúp rừng Thượng Hóa tìm lại sự bình yên, thâm nghiêm vốn có của cánh rừng già này. Nhưng sau vụ án chống người thi hành công vụ, lán tiền tiêu của trạm Chà Nòi cũng tự dẹp bỏ, và lâm tặc đang trở lại rừng Thượng Hóa bằng sự trắng trợn, ngang nhiên như chưa có chuyện gì xảy ra.

 

Vừa đặt chân đến sườn Bắc đèo, chúng tôi đã nghe tiếng máy cưa rền vang như một đại công trường. Trong khoảng vài km đường đèo, ngay sát nách trạm BVR Thượng Hóa là hàng chục đường mòn xương cá đâm xuyên rừng ra đường Hồ Chí Minh. Đó là những cung đường gỗ lậu, được chứng minh bằng những vết chân trâu, người hằn nặng trĩu và những bãi tập kết gỗ dã chiến ngay ven đường.


Cận cảnh cánh rừng đang “hấp hối” vì lâm tặc - 1
Con đường vào rừng, lâm tặc đi mãi thành mòn
 
Trong vai người tìm ong, chúng tôi được một người bản địa dẫn vào tiểu khu 218. Ngay ở cửa rừng đã thấy gần 3m3 gỗ táu được tập kết ngay ngắn trên đường xương cá.

Cận cảnh cánh rừng đang “hấp hối” vì lâm tặc - 2
Lô gỗ táu được cưa xẻ vuông vắn tập kết sẵn ở cửa rừng chờ xe đến bốc đi.
 
Đường rừng dễ đến không ngờ, càng đi sâu vào thung lũng chính đường càng dễ đi do những đà gỗ san sát mà lâm tặc tạo ra trên đường vận chuyển. Cứ dăm chục mét lại bắt gặp một gốc cổ thụ bị đốn hạ. Có cây lâm tặc đã xẻ thịt mang đi hết, vứt lại bìa gỗ và gốc đe trơ trọi, cũng có cây vừa bị đốn hạ đang ri rỉ nhựa và thân đổ kềnh chưa kịp cưa xẻ.


Cận cảnh cánh rừng đang “hấp hối” vì lâm tặc - 3
Một cây cổ thụ vừa bị "xẻ thịt", để lại gốc đe trơ trọi
 
Cũng có những cây mới được đánh dấu trên thân hoặc cưa 1/3 gốc. Theo nhân mối (người cung  cấp tin), ở đây có 4 nhóm lâm tặc khai thác chung kiểu da báo, nên việc đánh dấu hoặc cưa gốc là để “xí phần”. Đã có nhiều vụ gây gổ, đánh nhau to chỉ vì “ăn” nhầm lãnh địa của nhau.
 

“Sau vụ bị công an "đánh" năm 2008, bây giờ các đầu nậu không khai thác tràn lan nữa, mà khai thác theo kiểu “đặt hàng”. Cả cánh rừng bây giờ như tấm áo vá, đi đâu cũng thấy gốc cây, cũng thấy gỗ xẻ thành hộp để rải rác chờ “đơn hàng” là gom lại tuồn đi”, nhân mối giải thích.


Cận cảnh cánh rừng đang “hấp hối” vì lâm tặc - 4
Một cây gỗ đang bị "ăn" dở

Quả thật, đoàn người với máy cưa, dao rựa sắc bén khiến chúng tôi không thể tiến vào quá sâu, song tiếng máy cưa văng vẳng bốn bề và những gốc cây trơ trọi rải rác khắp nơi đã vẽ nên bức tranh về một cánh rừng đang hấp hối dưới tay lâm tặc.

 

Gỗ lậu "êm ái" về xuôi

 

Trên đường quay ra cửa rừng, chúng tôi gặp một cửu vạn địa phương đang dắt trâu vào rừng. Sau vài cái nhìn nghi kỵ, khi biết chúng tôi là người “ăn ong” anh đã dành cho ít phút tâm sự. “Đó, 3m3 táu kia đêm nay sẽ đi. Sau vụ năm kia, giờ bọn tôi vất vả lắm, phải đợi đến tối mới bốc hàng”, anh này cho biết thêm, anh chỉ là người làm công cho mấy đầu nậu ở Troóc.

 

Y như lời anh nói, hơn 18 giờ, một chiếc xe tải trờ tới cửa rừng, một toán cửu vạn đã chờ sẵn và nhanh chóng vào việc. Từng khúc gỗ lần lượt được kéo ra lề đường, bốc lên xe nhanh chóng như trong phim hành động. 3m3 gỗ nằm gọn trên xe sau chừng 15 phút.

 

Chiếc xe ì ạch “bò” qua đỉnh đèo Đá Đẽo, ánh sáng nhá nhem của đèn pha không đủ để thấy biển xe, hơn nữa chiếc biển cũ kỹ được giấu khéo sau đèn hậu xe, và có vẻ chiếc biển cũng chẳng “thật thà” gì. Chiếc xe lướt qua trạm Chà Nòi, dù trạm vẫn chong đèn sáng trưng bên đường.

 

Cứ thế, chiếc xe êm ái lọt qua 4 trạm KL, BVR. Qua Troóc, chiếc xe rồ ga biến mất trong bóng tối hướng về phía Hoàn Lão, táp vào mặt chúng tôi trùm khói đen khét lẹt.

 

Theo nhiều thông tin từ cơ sở, hai đầu nậu thao túng gỗ tại khu vực này là L.H và Đ (đều là người ở Troóc). Để phục vụ việc chuyên chở gỗ lậu, thường xuyên có 3 xe: hai xe tải nhỏ màu xanh sẫm, một chiếc xe 12 chỗ gắn kính đen, gỡ hết ghế ngồi và bóc luôn biển số thật ở sườn xe.

 

Tùy theo “đơn hàng” từ Hoàn Lão, Đồng Hới mà các xe sẽ đi 2 - 3 chuyến mỗi tuần, với khối lượng 3,5 m3 trở xuống trên mỗi xe. “Bây giờ chúng nó chọn xe nhỏ, chở khối lượng ít để nếu bị chỉ điểm thì tang vật ít, tài sản bị mất cũng nhỏ”, nhân mối nói chuyện bằng kinh nghiệm 15 năm làm… lâm tặc. Cũng theo nhân mối này, trước đó các xe đi Hà Tĩnh rất nhiều, nhưng thời gian này số này giảm hẳn vì tiền “luật” quá cao và các lái buôn Hà Tĩnh đã chuyển vùng “ăn hàng”.

 

Đáp lại băn khoăn của chúng tôi vì sao những chiếc xe chở gỗ lậu đã “nhẵn mặt” đến mức ai cũng có thể nhận ra mà các trạm KL, BVR đều không ngăn chặn được, anh chàng lâm tặc đã bỏ nghề hỏi ngược lại: “Chú không hiểu vì sao hôm trước gặp chúng ta ở cửa rừng, 4 người mặc áo KL lại leo lên xe chạy "rẽ đất" đấy à?”.


Thêm một số hình ảnh về cánh rừng đang bị lâm tặc tận diệt:


Cận cảnh cánh rừng đang “hấp hối” vì lâm tặc - 5
PV trong vai người đi ong bên một gốc cây vừa bị đốn và xẻ trụi. 

Cận cảnh cánh rừng đang “hấp hối” vì lâm tặc - 6
Những dấu vết cũ mới khác nhau cho thấy rừng đã bị phá trong một thời gian dài 

Cận cảnh cánh rừng đang “hấp hối” vì lâm tặc - 7
Các hộp gỗ nằm rải rác khắp nơi, chờ "lệnh" tập kết.
 
Cận cảnh cánh rừng đang “hấp hối” vì lâm tặc - 8
Một thân cây bị lâm tặc "chê" vì nứt gốc.
 
Cận cảnh cánh rừng đang “hấp hối” vì lâm tặc - 9
Lâm tặc chuyển sang chiến thuật khai thác "có chọn lọc"
 
Hồng Kỹ

(Còn nữa)