“Cần cân nhắc mức tăng học phí đại học”
(Dân trí) - “Mức học phí ĐH 255.000/tháng là cao vì so với hiện hành sẽ tăng thêm trên 40%, trong khi Ủy ban chúng tôi đề nghị, từng năm nói chung chỉ nên 30- 40%, riêng năm 2009 suy thoái kinh tế nên nếu như có tăng phải thấp nữa”
Trong tờ trình mới ban soạn thảo đã tiếp thu một phần ý kiến ở UB Thường vụ Quốc hội và UB chúng tôi là về cơ bản sẽ thực hiện tăng học phí từ 2010, nhưng những nội dung khác của đề án cộng với tăng học phí khối đào tạo vẫn được thực hiện từ năm 2009 với lí do là học phí khối đào tạo so với năm 2000 quá lạc hậu và đã mất giá quá nhiều. Tuy nhiên, so với đề nghị lần trước, lần này tính toán lại có nhiều hơn, tức là 255.000đ/tháng, chứ không phải 235.000đ/tháng.
UB chúng tôi chưa họp xem xét tờ trình mới, nhưng theo chúng tôi nắm được vẫn có 2 luồng ý kiến: đa số đồng ý với kiến nghị cử tri do mặt trận tổ quốc tổng hợp báo cáo trong phiên khai mạc Quốc hội là thời điểm này đang suy thoái kinh tế, không nên tăng đóng góp từ phía nhân dân. Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng, có thể tăng với một mức hợp lí, không nhất thiết tăng theo đề nghị của đề án mà Chính phủ vừa đề xuất trong tờ trình mới.
Theo đó, nên xem xét đến chuyện mức học phí hiện hành quá lạc hậu và để chậm sẽ ảnh hưởng đến các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, khiến họ không có đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ một cách có chất lượng.
Theo quan điểm của ông, mức tăng học phí đại học lên 255.000đ/tháng, liệu có là cao không?
Tôi nghĩ mức đó là cao vì nếu so với mức hiện hành, cao nhất 180 ngàn/ tháng thì mức đề xuất mới tăng thêm trên 40%, trong khi Ủy ban chúng tôi đề nghị, trong từng năm nói chung cũng chỉ nên 30- 40% và riêng năm 2009 suy thoái kinh tế, nếu như có tăng phải thấp nữa.
Vì thế, nếu như Quốc hội chấp nhận tăng, nên cân nhắc lại mức tăng cụ thể để sao cho không lớn đến mức ảnh hưởng tới chính sách chung của chúng ta trong chống suy thoái kinh tế.
Trong đề án của Chính phủ có đề ra lộ trình tăng học phí đại học từ năm 2009 đến 2014 với các mức tăng rất cụ thể. Ông có đánh giá gì về các bước tăng trong tờ trình?
Tờ trình cũ không đưa ra một cái khung mà biên độ quá lớn và giao cho hiệu trưởng các cơ sở giáo dục quyết định. Đương nhiêu như thế ai cũng chọn mức cao nhất để tăng và dễ tạo ra “sốc” vì mức cao nhất của khung học phí được đề xuất ở đề án cũ so với hiện hành gấp cao nhất đến 4,5 lần.
Tờ trình mới đã tiếp thu ý kiến của chúng tôi cũng như của UB Thường vụ Quốc hội, tức là tăng dần từng năm, mỗi năm một ít. Tôi cho đó cũng là sự tiếp thu rất cầu thị, nhưng có lẽ cũng phải cân nhắc mức tăng cụ thể của từng năm một, làm sao mức tăng từng năm như chúng tôi nói là có thể chấp nhận được.
Học phí cao đẳng nghề và trung cấp nghề cũng sẽ tăng từ 120 ngàn lên 170 ngàn/ tháng trong điều kiện chúng ta đang nói nhiều đến khuyến khích học nghề, đến phân luồng?
Chúng tôi cũng có ý kiến là cao đẳng nghề cũng xem như các trường cao đẳng và đại học nên cũng phải chia sẻ một phần với nhà nước trong chi phí đào tạo. Nhưng riêng về trung cấp nghề, sơ cấp nghề đề nghị phải có một chính sách khác vì đây là đối tượng học sinh vừa tốt nghiệp THCS và bắt đầu phân luồng.
Anh thì đi học THPT, anh thì đi học sơ cấp, trung học nghề… và nhà nước phải hỗ trợ các em như nhau. Chỉ có điều chi phí học nghề tốn hơn thì các em phải đóng cao hơn một chút, nhưng phần nhà nước hỗ trợ, các em được công bằng với các em học THPT.
Ông Đào Trọng Thi: "Làm sao mức tăng từng năm có thể chấp nhận được" (Ảnh: MC)
Với học sinh THCS, tại buổi thảo luận vừa qua ở Thường vụ Quốc hội đã có một số ý kiến đề nghị miễn học phí cho bậc học này ở khu vực nông thôn?
Chúng ta đã có chính sách về phổ cập THCS, nhưng đây không phải phổ cập bắt buộc như phổ cập tiểu học mà là vận động để phấn đấu từng năm và vẫn qui định đóng học phí. Đến 2010 chúng ta hoàn thành phổ cập bậc này trên toàn quốc và khi đó để cho phổ cập được ổn định, được duy trì, chúng ta phải xem xét miễn học phí hay không.
Thực ra, mong muốn là miễn học phí, nhưng theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu miễn học phí bậc này, nhà nước phải gánh thêm khoảng trên 5.000 tỉ đồng và điều này sẽ làm mất cân đối tỉ trọng ngân sách. Khi đó ngân sách không còn là 20% cho giáo dục nữa mà phải nhiều hơn.
Điều kiện chưa thể miễn phí toàn bộ THCS được, nhưng mình phải tiến dần đến miễn và có hai cách. Hoặc là giảm dần học phí của THCS hoặc có thể có ưu tiên những bộ phận khó khăn nhất, đó là học sinh ở nông thôn. Nhưng con em ở nông thôn chiếm 70% nên không hề đơn giản.
Trong đề án lần này chưa giải quyết được vấn đề trên, nhưng cố gắng làm sao mức học phí phù hợp với khả năng đóng góp của nhân dân và chắc là không có em nào vì đóng học phí đó mà không đi học được. Thế còn em nào không đi học được thì đã có miễn, giảm rồi hỗ trợ của nhà nước dưới dạng người nghèo, người cận nghèo...
Xin cảm ơn ông!
Cấn Cường