DMagazine

"Cán bộ yếu kém cả đạo đức và năng lực là nỗi hổ thẹn với nhân dân"

(Dân trí) - "Quyền lực bao giờ cũng đi liền với nguy cơ tha hóa quyền lực, vì vậy phải liên tục đổi mới, có cơ chế kiểm soát quyền lực thật chặt chẽ", ông Nguyễn Bá Thuyền nhấn mạnh.

"Quyền lực bao giờ cũng đi liền với nguy cơ tha hóa quyền lực, vì vậy phải liên tục đổi mới, có cơ chế kiểm soát quyền lực thật chặt chẽ", ông Nguyễn Bá Thuyền nhấn mạnh.

Tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, diễn ra ngày 5/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết, qua 2 tháng thực hiện Thông báo 20 của Bộ Chính trị đã có 3 người thôi tham gia Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác hoặc bố trí công tác khác; 2 Thứ trưởng thôi giữ chức vụ, nghỉ hưu trước tuổi; 2 Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh thôi giữ các chức vụ công tác hoặc bố trí công tác khác.

Trao đổi với Dân trí về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Thuyền - nguyên Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIII tỉnh Lâm Đồng, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng: "Khi cán bộ cảm thấy mình không còn đủ năng lực lãnh đạo tổ chức nữa thì nên mạnh dạn xin chuyển công tác hoặc xin nghỉ hẳn".

Ông Thuyền nhấn mạnh: "Để thúc đẩy hình thành văn hóa từ chức thì phải tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, giám sát quá trình triển khai nhiệm vụ của các cơ quan tổ chức, nghiêm túc thực hiện kiểm soát quyền lực nhằm chống suy thoái, tha hóa, bè cánh".

Cán bộ yếu kém cả đạo đức và năng lực là nỗi hổ thẹn với nhân dân - 1

Phóng viên: Ông có suy nghĩ gì về công tác xử lý cán bộ, phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng thời gian qua?

- Ông Nguyễn Bá Thuyền: Trước hết, chúng ta phải khẳng định rằng, công tác phòng chống tham nhũng, xử lý cán bộ sai phạm đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng thời là Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực rất quyết liệt trong việc chỉ đạo rà soát, đánh giá năng lực cán bộ, cũng như đưa những vụ án có tính chất nghiêm trọng vào diện theo dõi, điều tra, xét xử. Riêng ở khóa XII, đã có hơn 100 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có những người đã vào vòng lao lý, đang chịu án tù.

Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 67 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 7 ủy viên Trung ương Đảng, 6 nguyên ủy viên Trung ương Đảng. Đặc biệt là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đối với 3 ủy viên Trung ương Đảng; các địa phương đã miễn nhiệm 1 chủ tịch HĐND tỉnh, 2 chủ tịch UBND tỉnh theo các quy định về miễn nhiệm, từ chức, bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật.

Những kết quả trên đây cho thấy sự quyết tâm của Đảng ta trong công tác phòng, chống tham nhũng, không có vùng cấm và tôi mong rằng sẽ tiếp tục được triển khai quyết liệt trong thời gian tới, nhằm loại bỏ hết những kẻ sâu mọt câu kết đục khoét tài sản của nhà nước, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng.

Ông nghĩ sao khi có nhiều cán bộ được đào tạo bài bản, trải qua nhiều thử thách, nhưng tới khi giữ các chức vụ quan trọng thì họ lại sa ngã?

- Tôi thấy đó là do kiểm soát quyền lực chưa tốt dẫn tới cán bộ lạm quyền và trượt dài rồi vướng vào vòng lao lý.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều cán bộ cố ý lợi dụng chức vụ làm những điều sai trái nhưng do có phe cánh nên được bao che, dung túng, cho tới khi họ giữ những chức vụ quan trọng đứng đầu tỉnh hoặc bộ, ngành rồi mới bị phát hiện thì đã xảy ra hậu quả rất nặng nề. Tôi lấy ví dụ những người như ông Trần Văn Nam, cựu Bí thư tỉnh Bình Dương đã dính tới sai phạm lớn trong quản lý đất đai gây thiệt hại cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng, đáng nói là sai phạm diễn ra nhiều năm trước khi ông ta làm Bí thư tỉnh ủy, nhưng các cơ quan thanh tra, kiểm tra sao lại không phát hiện ra? Các tổ chức Đảng kiểm tra, giám sát sao lại lọt sai phạm của ông này, để rồi ông ta nghiễm nhiên trở thành Ủy viên Trung ương Đảng. Những ai có trách nhiệm khi để lọt lưới những trường hợp này?

Cán bộ yếu kém cả đạo đức và năng lực là nỗi hổ thẹn với nhân dân - 3

Rồi có những cán bộ đứng đầu ngành y tế, đứng đầu địa phương nhận hối lộ nhiều tỷ đồng trong vụ sai phạm Việt Á; nhiều cán bộ cấu kết đút túi hàng chục tỷ đồng từ các chuyến bay đưa đồng bào về nước phòng, chống dịch Covid-19… tất cả những trường hợp ấy đều sai phạm trên diện rộng, có sự móc ngoặc và phạm tội có chủ đích.

Từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng năm 2016 đã đề cập tới một vấn đề hết sức quan trọng là "kiểm soát quyền lực" và đã xử lý được nhiều cán bộ sai phạm, tuy nhiên qua những việc sai phạm như Việt Á hay những chuyến bay giải cứu cho thấy cơ chế kiểm soát quyền lực đâu đó vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc nên nhiều cá nhân đã cố ý lợi dụng chức vụ để vun vén lợi ích cá nhân. 

Câu chuyện kiểm soát quyền lực thiếu sự chặt chẽ dẫn tới nhiều dự án đầu tư bằng vốn nhà nước xảy ra thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, không có cách nào cứu vãn nổi, mà suy cho cùng thì đó đều là tiền mồ hôi nước mắt của dân cả, đấy là điều vô cùng xót xa và các nhà lãnh đạo phải tìm được giải pháp ngăn chặn hiệu quả hơn. 

Cán bộ yếu kém cả đạo đức và năng lực là nỗi hổ thẹn với nhân dân - 5

Thời gian vừa rồi đã có một số cán bộ lãnh đạo cấp cao xin thôi chức vụ để chuyển công tác hoặc nghỉ hưu trước tuổi. Theo ông thì từ những hiện tượng này liệu đã hình thành được văn hóa từ chức chưa?

Cán bộ yếu kém cả đạo đức và năng lực là nỗi hổ thẹn với nhân dân - 7

- Theo tôi, một vài hiện tượng xin nghỉ hưu sớm hoặc xin chuyển công tác chưa đủ để hình thành văn hóa từ chức, bởi vì không loại trừ vẫn còn có những cán bộ khác năng lực yếu kém nhưng cố bám trụ để vơ vét, tư túi. Tôi nói điều này là hoàn toàn có cơ sở bởi vì hãy nhìn lại chỉ trong hai ba năm trở lại đây thôi, lần lượt rất nhiều cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật, có người bị khởi tố bắt giam và đang chịu án tù.

Tuy nhiên, thời gian gần đây khi công tác phòng, chống tham nhũng dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Từ đó dần loại bỏ những người năng lực yếu kém, đã luồn lách để chui sâu, leo cao ở các tổ chức trung ương hay địa phương. 

Nói tóm gọn thì có hai điều quan trọng: Đạo đức và Năng lực. Cán bộ mà yếu kém cả đạo đức và năng lực là nỗi hổ thẹn với nhân dân. Thực chất thì trong số những người xin nghỉ hưu sớm hay xin chuyển công tác có rất ít thực sự chủ động muốn nghỉ ngơi, nhường vị trí cho những người có năng lực phù hợp hơn; mà bản chất họ cũng buộc phải nghỉ.

Về lâu dài, theo tôi để hình thành văn hóa từ chức thì trước tiên những cán bộ, người đứng đầu, đặc biệt ở cấp trung ương, phải thật sự làm gương, phải biết xấu hổ vì để vợ con, người thân lộng hành. Nếu họ cảm thấy xấu hổ và tự nguyện từ chức thì cấp dưới cũng sẽ phải thực hiện theo.

Cán bộ yếu kém cả đạo đức và năng lực là nỗi hổ thẹn với nhân dân - 9

Phải nói rằng công tác phòng, chống tham nhũng chưa bao giờ Đảng ta làm được mạnh mẽ như bây giờ, chưa bao giờ lôi ra pháp luật để xét xử nhiều "tham quan" như giai đoạn vừa rồi. Sai phạm nhiều như vậy nhưng lãnh đạo đứng đầu ngành đứng đầu địa phương có từ chức đâu. Những cơ quan đơn vị đề bạt cán bộ ấy cũng có ai chịu trách nhiệm đâu, có ai xin từ chức đâu. 

Để hình thành được văn hóa từ chức, tôi nghĩ cần thêm nhiều thời gian. Đồng thời cũng phụ thuộc nhiều vào sự chỉ đạo của Tổng Bí thư trong các vấn đề xử lý cán bộ sai phạm, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, khép chặt các quy định nêu gương, dứt khoát xử lý nghiêm khắc với tất cả những trường hợp vi phạm. 

Đồng thời, tôi cho rằng đối với việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ cấp cao thì cũng nên tính tới trách nhiệm đi kèm ngay trước khi nhậm chức, đây là điều mà tôi từng phát biểu ở Quốc hội. Phải yêu cầu cán bộ ấy trình bày kế hoạch trong nhiệm kỳ, đến giữa nhiệm kỳ đánh giá lại nếu như yếu kém không đạt được các mục tiêu đề ra thì phải phân tích đánh giá lại năng lực cán bộ ấy có phù hợp ở vị trí đó không.

Phải chăng văn hóa từ chức chưa thể hình thành còn do sự tác động từ "nhóm lợi ích" và vấn nạn chạy chức chạy quyền, thưa ông?

Cán bộ yếu kém cả đạo đức và năng lực là nỗi hổ thẹn với nhân dân - 11

Vấn nạn chạy chức chạy quyền, phe cánh, lợi ích nhóm cũng đã nhiều lần được Đảng ta đề cập, đây là vấn đề nan giải gây ra hậu họa khôn lường, trước đây đã nhiều người đề cập là "hậu duệ, tiền tệ, quan hệ, đồ đệ và cuối cùng mới là trí tuệ". Khi một cán bộ trình độ trình độ loại xoàng nhưng lại chạy được vào chức này chức kia thì hậu quả là người đó sẽ tìm cách làm bừa để thu được về khoản tiền đã bỏ ra chạy chức và thậm chí sẽ tuyển dụng cấp dưới cũng theo kiểu coi trọng đồng tiền hơn trí tuệ. Chúng ta cứ quan sát mà xem trên thực tế rất nhiều cán bộ giàu lên bất thường, thậm chí có cả tài sản ở nước ngoài và chỉ bị bại lộ khi có cơ quan chức năng vào cuộc điều tra.

Khi tham gia Quốc hội, tôi đã từng phát biểu rất thẳng thắn là sau khi cán bộ kê khai tài sản, phải có cơ quan nào đó làm rõ tài sản ấy là chính đáng hay bất minh, còn kê khai cứ để đấy, không ai kiểm tra, không công bố cho nhân dân biết thì mãi mãi chỉ là hình thức. Trước khi bổ nhiệm, đề bạt, toàn bộ tài sản của cán bộ cũng phải được kiểm tra. Đến một thời điểm nào đó mà phát hiện đó là tài sản phi pháp thì phải xử lý cá nhân, tổ chức đã thực hiện kiểm tra trước đó.

Còn một điều nữa rất nguy hiểm là bây giờ nhiều cán bộ không chịu làm việc nếu không có được lợi lộc riêng, thậm chí là vẽ ra đủ trò để moi tiền của người dân và doanh nghiệp. Tôi mong rằng trong thời gian tới đây, các cơ quan có thẩm quyền sẽ siết chặt hơn nữa các quy định kiểm soát quyền lực, tiếp tục xử lý nghiêm minh những cán bộ sai phạm, đặc biệt là phải xử lý triệt để tình trạng "ngồi nhầm ghế", ngăn chặn những kẻ cơ hội leo cao, chui sâu vào các vị trí lãnh đạo cấp cao.

Ngày 18/11/2022, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, đã công bố: Thời gian qua các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.474 vụ/4.646 bị can, truy tố 2.157 vụ/4.564 bị can, xét xử sơ thẩm 2.198 vụ/4.620 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó về tham nhũng đã khởi tố mới 414 vụ án/939 bị can).

Đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 10 vụ án/37 bị can; đã kết thúc điều tra 16 vụ án/248 bị can, kết luận điều tra bổ sung 8 vụ án/148 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 13 vụ án/122 bị can; xét xử sơ thẩm 10 vụ án/101 bị cáo; xét xử phúc thẩm 9 vụ án/66 bị cáo.

Các cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, khởi tố mới, điều tra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp xảy ra trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, xảy ra cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước.

Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tiếp tục được đẩy mạnh. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức 11 đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Quy định những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương.

Thực hiện: Kiến Văn

Thiết kế: Tuấn Huy