Hà Nội:
Cán bộ văn hóa không quan tâm đến ngôi mộ cổ?
(Dân trí) - Theo GS Nguyễn Lân Cường, người chuyên nghiên cứu về mộ và xác ướp, <a href="http://www11.dantri.com.vn/Sukien/2006/9/139411.vip"> ngôi mộ cổ vừa được phát hiện </a>tại Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) là “một hiện vật khảo cổ có giá trị rất lớn, là một tư liệu quý ít có cơ hội được tìm thấy”.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong và sau khi ngôi mộ được phát hiện, những người làm văn hóa tại địa phương đã không có những “ứng xử” phù hợp.
Chụp ảnh, quay phim rồi… để đấy
Câu chuyện về ngôi mộ cổ vừa được phát hiện làm râm ran cả xã Ninh Hiệp và các vùng lân cận. Nhưng khi chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Như Trung, chủ nhân của mảnh đất vừa phát hiện ra ngôi mộ cổ, thì anh và những người thợ làm ở đây lại có ý né tránh chủ đề này. Thậm chí, anh còn “đánh lạc hướng” chúng tôi: “Anh Trung đang có việc phải làm ở chỗ khác”.
Phải một hồi lâu nói chuyện kiểu nhát gừng, anh mới nhận mình là Trung, chủ nhân của mảnh đất có ngôi nhà đang đào móng. Thuyết phục nhiều lần, anh Trung cũng chỉ cung cấp một vài thông tin “sơ sơ” về ngôi mộ cổ.
Xác ướp là một người phụ nữ khoảng trên 30 tuổi, còn nguyên dạng toàn thân. Xác ướp được bọc trong một lớp vải bên ngoài mà khi khi khai quật vẫn còn nguyên màu trắng. Mai táng cùng người phụ nữ thiên cổ chỉ có một chiếc quạt, một túi trầu, một túi giấy bùa và một đôi giày… Trong lần đào móng làm nhà lần này, ngoài ngôi mộ cổ anh còn phải di chuyển 4 chiếc tiểu trong lòng nhà.
Anh Trung cho biết, sau khi phát hiện ngôi mộ, gia đình đã báo cáo cho xã và ban văn hóa xã đã báo cáo cho phòng Văn hoá huyện. Quá trình khai quật ngôi mộ cổ có sự chứng kiến của văn hóa xã và họ cũng đã chụp ảnh, quay phim tỉ mỉ.
Tuy nhiên, sau khi mở áo quan, gia đình anh Trung không nhận được động thái gì từ ngành văn hóa nên đã tự ý chuyển chỗ cho ngôi mộ cổ ra nghĩa trang Đồng Mắn của xã. Anh Trung lý giải, mình là người dân bình thường không thể xác định được niên đại cũng như những điều bí ẩn có trong ngôi mộ và chỉ biết hương khói chu đáo cho “cụ”.
Qua câu chuyện anh Trung cho rằng, người dân nào trong trường hợp của anh cũng chỉ biết làm như vậy. Các thông tin, tư liệu về ngôi mộ cổ cũng như những vấn đề khác theo anh Trung phải hỏi ban văn hóa xã mới rõ vì họ là người có chuyên môn, biết sự việc và đã chứng kiến việc khai quật.
Khó như gặp cán bộ văn hóa xã!
Gần 15h chiều, phóng viên có mặt tại UBND xã Ninh Hiệp. Ban văn hóa xã mở rộng cửa nhưng không có người trực. Nhân viên văn phòng cho biết, người phụ trách văn hóa xã đang ngồi tại văn phòng Đảng uỷ trên tầng 2. Bước vào văn phòng Đảng uỷ, có 5 người đang nói chuyện về ngôi mộ cổ, nhưng khi được hỏi, những người này nhìn nhau, không ai nhận mình là cán bộ văn hóa. Sau đó, một người chỉ phóng viên xuống chờ tại phòng.
Chờ đợi một hồi lâu không thấy ai ra tiếp, chúng tôi nhờ nhân viên văn phòng cầm thẻ phóng viên đưa trực tiếp cho người có trách nhiệm. Lúc sau nhân viên này quay lại: “trưởng ban văn hóa xã đang bận họp nên nhắn phóng viên chờ tại phòng”. 17h kém, cuộc họp của Uỷ ban đã tan được một hồi nhưng trưởng ban vẫn không trở về phòng và theo như một cán bộ của Uỷ ban thì vị trưởng ban vừa ra khỏi cổng Uỷ ban.
Qua số điện thoại được một anh cán bộ xã cung cấp, chúng tôi gọi điện cho trưởng ban văn hóa xã tên Tuyến. Ông cho biết mình đang có việc ở bên ngoài. Khi được hỏi là đã hẹn phóng viên mà sao không tiếp, vị này giải thích loanh quanh rồi kết luận: “các anh chị cứ làm việc với lãnh đạo xã”. Sau khi được trả lời là đã thông qua văn phòng, đề đạt với lãnh đạo xã, vị này đưa ra lời hứa: “Khoảng hơn một tiếng nữa, tôi quay lại xã. Thôi nhé…” (tắt máy).
Cấn Cường - Phương Thảo