Bình Định:

Cán bộ phải lắng nghe bằng... nhiều tai!

(Dân trí) - “Trước khi đặt bút ký xác nhận cho dân phải suy nghĩ trước sau, đừng làm kiểu cho có, cho xong. Việc gì chưa rõ thì cứ xuống với dân hỏi lại cho rõ, phải lắng nghe bằng nhiều… tai!”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng chia sẻ.

Ngày 6/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng - Đại biểu HĐND tỉnh khoá XII - cùng đại biểu HĐND tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã có buổi tiếp xúc cử tri tại phường Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn).

Cử tri nói TP Quy Nhơn “mập mờ” khi làm dự án

Tại buổi tiếp xúc cử tri, bà con cử tri ý kiến tập trung vào việc giải đền bù, giải tỏa liên quan đến dự án đường Hoàng Văn Thụ nối dài. Theo đó, gần 100 hộ dân ở tổ 39 và tổ 40 (KV 6, phường Lê Hồng Phong) bức xúc đã gửi đơn kiến nghị tập thể đến Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị làm rõ nhiều vấn đề về dự án này.

Cử tri phường Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn) bức xúc liên quan đến việc đền bù, giải tỏa thuộc dự án đường Hoàng Văn Thụ nối dài.
Cử tri phường Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn) bức xúc liên quan đến việc đền bù, giải tỏa thuộc dự án đường Hoàng Văn Thụ nối dài.

Các cử tri cho biết, UBND TP Quy Nhơn không công khai bản đồ quy hoạch lộ giới dự án đường Hoàng Văn Thụ nối dài theo tỷ lệ 1/500, không cắm mốc cho nhân dân biết về diện tích đất ở, nhà ở, tài sản… bị giải phóng mặt bằng.

Cử tri cũng cho rằng, hầu hết người dân tại khu vực tổ 39 và tổ 40 đều ở ổn định từ trước năm 1960, đều là đất thổ cư. Thế nhưng, hiện chính quyền địa phương lại áp giá khác nhau gây ra sự bức xúc, nhiều người không đồng tình với mức giá thu hồi đất để triển khai dự án vì quá thấp so với giá thị trường.

Theo ông Lê Đức Thuận (ở tổ 39, KV 6, phường Lê Hồng Phong), tại văn bản chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phan Cao Thắng, ký ngày 23/12/2015 về việc đồng ý, thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng trong phạm vi chiều rộng nền đường l3m, bổ sung thu hồi đất thêm 20m (về phía núi Bà Hỏa) đối với đoạn từ hẻm 50 đến giáp đường Nguyễn Tất Thành để phát triển quỹ đất tạo nguồn kinh phí đầu tư xây dựng tuyến đường. Đồng thời, giao cho UBND TP Quy Nhơn triển khai thực hiện dự án đường Hoàng Văn Thụ nối dài, nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn quỹ đất thu được đối với phần diện tích thu hồi mở rộng thêm 20m.

Ông Nguyễn Công Vịnh - Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn trả lời thắc mắc của cử tri nhưng cử tri không đồng tình.
Ông Nguyễn Công Vịnh - Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn trả lời thắc mắc của cử tri nhưng cử tri không đồng tình.

“Dự án trước đây lấy 13m, dân đã đồng ý còn giờ lấy thêm 20m để làm dịch vụ, chúng tôi không đồng ý việc này. Một dự án thì phải công khai, phải phản biện rồi mới tới chuyện quy hoạch. Các đồng chí giải quyết hợp lý, làm sao cho hợp lòng dân, nếu sai các đồng chí sửa liền, đừng để trở thành câu chuyện “Thủ Thiêm” ở Quy Nhơn thì thật đáng buồn”, ông Thuận nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Vịnh - Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn cho rằng dự án đường Hoàng Văn Thụ nối dài kết hợp 4 dự án gồm: đường Hoàng Văn Thụ, Công viên Bàu Sen, đường Trần Thị Kỷ và Phạm Ngũ Lão đã được phê duyệt. Trong đó, Công viên Bàu Sen đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1996 và UBND TP Quy Nhơn thực hiện theo Quyết định đã phê duyệt.

Đền bù phải thỏa đáng, không ép dân

Trả lời trước cử tri, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng rất chia sẻ những bức xúc của người dân liên quan đến dự án đường Hoàng Văn Thụ nối dài. “Khi còn làm Chủ tịch tỉnh tôi luôn luôn chỉ đạo giải quyết tất cả vấn đề phải thỏa đáng, không ép dân, cố gắng đưa Quy Nhơn và tỉnh Bình Định phát triển nhưng tuyệt đối phải đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân”, ông Dũng khẳng định.

Các hộ dân ảnh hưởng dự án đường Hoàng Văn Thụ nối dài bức xúc vì bị giải tỏa trắng và đền bù không hợp lý.
Các hộ dân ảnh hưởng dự án đường Hoàng Văn Thụ nối dài bức xúc vì bị giải tỏa trắng và đền bù không hợp lý.

Ông Dũng cho biết, dự án làm đường Hoàng Văn Thụ nối dài đã giao cho TP Quy Nhơn 3 - 4 nhiệm kỳ rồi nhưng thành phố cứ “lúng ta lúng túng”, không làm được.

“Nhiệm kỳ này mà không làm được đường Hoàng Văn Thụ thì Đại hội tới không biết ăn nói thế nào. Tôi hy vọng bà con chúng ta hiểu và ủng hộ chủ trương của tỉnh vì sự phát triển của thành phố. Đồng thời, thành phố sớm công bố quy hoạch rõ ràng, giải tỏa tới đâu, làm đường như thế nào, công viên làm cái gì, dịch vụ làm gì cho nó rõ, cần thiết báo cáo xin ý kiến của Ủy ban tỉnh”, ông Dũng đề nghị.

Về vấn đề đền bù giải tỏa, ông Dũng khẳng định rằng, nếu nhà ở của người dân hợp pháp nhưng việc đền bù không đủ để xây nhà mới thì ông sẽ chịu trách nhiệm. Tỉnh chưa bao giờ chỉ đạo đền bù mà thấp hơn giá để xây dựng nhà mới, chỉ những nhà ở không hợp pháp thì thực hiện chính sách hỗ trợ sẽ khác.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng (trái) cam kết sẽ đền bù thỏa đáng cho người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng (trái) cam kết sẽ đền bù thỏa đáng cho người dân.

“Có nhiều đối tượng chuyên tìm vùng đất quy hoạch để mua đất rồi ra yêu sách đền bù, việc này không thể chấp nhận được. Thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng kiên quyết xử lý. Còn đối với những nhà dân ở lâu đời, gia đình khó khăn thì cán bộ phải xem xét cho có tình có lý, không được đẩy người dân ra ngoài xã hội. Việc xác nhận nguồn gốc đất phải làm nghiêm túc, cái này vai trò của lãnh đạo, cán bộ phường rất quan trọng. Trước khi đặt bút ký xác nhận cho dân phải suy nghĩ trước sau, đừng làm kiểu cho có, cho xong. Việc gì chưa rõ thì cứ xuống với dân hỏi lại cho rõ, phải lắng nghe bằng nhiều… tai!”, ông Dũng nói.

Doãn Công