1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM:

Cán bộ ngành giao thông cũng thấy đi xe “dù” rất... thuận tiện!

(Dân trí) - Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT - cho rằng việc xe “dù”, bến “cóc” tồn tại được là bởi sự thuận tiện của nó. Khi hỏi người dân cảm thấy như thế nào khi đi xe "dù", họ sẽ trả lời là rất thuận tiện. Thậm chí cán bộ của ngành giao thông vận tải cũng thấy loại xe này thuận tiện.

Đó là đánh giá của ông Lê Hồng Việt - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TPHCM - về tình trạng xe “dù”, bến “cóc” đang diễn ra phức tạp, gây mất ổn định trong hoạt động vận tải hành khách, gây bức xúc dư luận xã hội, làm suy giảm hiệu lực, hiệu quả  quản lý nhà nước của ngành giao thông và địa phương tại hội thảo “Giải pháp chống xe dù, bến cóc” diễn ra ngày 26/5.

Xe “dù” hoạt động rầm rộ dịp lễ, tết
Xe “dù” hoạt động rầm rộ dịp lễ, tết

Theo ông Việt, trong thực tế hoạt động vận tải hành khách xe “dù” không đơn thuần là xe hoạt động không có đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh vận tải mà xe “dù” thường biến tướng, đội lốt dưới danh nghĩa đơn vị vận tải hành khách có đầy đủ chức năng, có đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh vận tải, hoạt động bằng nhiều hình thức tinh vi. 

Xảy ra tình trạng này là do các quy định, biện pháp quản lý chưa được chặt chẽ.

Cơ quan chức năng đã làm hết trách nhiệm?

Trong khi đó, ông Lê Trung Tính – Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM – lại nhìn nhận có phần khác so với các cơ quan thực thi pháp luật, “Nếu chỉ đánh giá những bất cập trong quy định của pháp luật về xử lý xe “dù”, bến “cóc” thì tôi cho rằng những quy định hiện hành tuy chưa hoàn chỉnh nhưng vẫn đủ để kiểm tra, xử lý tệ trạng “xe dù, bến “cóc” mà lâu nay dư luận rất bức xúc”.

Ông Tính đặt giả thiết, nếu hỏi một ông Chủ tịch quận bất kỳ trong địa bàn mình quản lý có bao nhiêu điểm là bến “cóc”? Chắc chắn vị này sẽ trả lời là có biết chứ không thể nói không biết. Mà đã biết thì tại sao lại không phối hợp cùng cơ quan chức năng để giải quyết triệt để vấn đề này?

“Còn có một lý do mà các đơn vị đưa xe ra chạy "dù", đặc biệt là đối với một số xe thương hiệu, là “phải biết sống chung với lũ” vì nếu không DN mình sẽ bị thua thiệt”, ông Tính nhấn mạnh. “Xét ở góc độ quản lý nhà nước, nguyên nhân của tệ trạng xe “dù”, bến “cóc” ngày càng nhiều mà vẫn chưa có liều thuốc đặc trị, là sự “buông lỏng” hoặc có thể nói sự “toa rập” vì lợi ích cục bộ của một số cán bộ thuộc lực lượng chức năng…”.

Ông Thượng Thanh Hải – Phó Giám đốc bến xe miền Đông - băn khoăn: “Khi nói tới xe “dù”, bến “cóc” thì cơ quan thực thi nhiệm vụ đều đưa ra lý do là thiếu luật này, quy định kia, luật pháp còn nhiều kẽ hở. Đó là lý do xe “dù” ngày càng phát triển rầm rộ. Cơ quan thực thi nhiệm vụ mà nói như thế thì cần bổ sung cho đủ”.

Trước đây bến xe thuộc Sở GTVT thì được thành lập tổ Thanh tra giao thông. Ngoài việc hỗ trợ Sở thì làm công tác chống xe dù. Thời điểm đó hầu như không có xe dù. Ở đây là do yếu tố con người. “Lực lượng thực thi có làm tốt không. Ở TP Cần Thơ hầu như không có xe "dù", bến "cóc" vì họ làm nghiêm. Không có tuyến nào từ TPHCM hoạt động trá hình về Cần Thơ, hay Gia Lai. “Có nơi làm được, có nơi nói làm không được thì mình phải xem lại”, ông Hải đặt vấn đề.

Về giải pháp hạn chế tình trạng xe “dù”, bến “cóc”, ông Lê Trung Tính đề xuất: các bến xe cần xem xét điều chỉnh lại mức thu như giá ra vào bến, phí hoa hồng bán vé, phí xe đỗ qua đêm… cho phù hợp với tình hình thực tế, tránh gánh nặng giá, phí khi đưa xe vào bến.

Sở GTVT có trách nhiệm thiết lập và công bố hệ thống điểm lấy và trả khách kết hợp, hệ thống bến xe trung chuyển (bến nhỏ, nếu có) từ nội thành ra các bến xe liên tỉnh nhằm tạo thuận lợi cho hành khách đi lại. Chúng ta không thể máy móc bắt buộc những cư dân ở ngoại thành như ở Suối Tiên, hoặc Bình Chánh phải quay vào nội thành (Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây) để đón xe đi về các tỉnh, thành khác…

Đồng thời thiết lập điện thoại nóng để liên lạc. Vận động mọi công dân trên địa bàn thành phố, nếu xét thấy ở địa phương mình, bất cứ nơi góc phố, con đường  nào có những xe đậu đỗ, lấy trả khách bất hợp lý, hãy diện thoại trực tiếp về số điện  thoại nóng của Ban kiểm tra, xử lý để kịp thời ngăn chặn. 

Hợp thức hóa bến “cóc” nếu đảm bảo điều kiện

Trong khi đó, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông - cho rằng việc xe “dù”, bến “cóc” tồn tại là hành khách có nhu cầu bởi sự thuận tiện của nó. Theo ông Hùng, rõ ràng là khi hỏi người dân cảm thấy như thế nào khi sử dụng dịch vụ của các nhà xe "dù", họ sẽ trả lời là rất thuận tiện. Thậm chí cán bộ của ngành giao thông vận tải cũng thấy loại xe này đi thuận tiện. Chúng ta không thể đổ tội hết cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Thực tâm họ không muốn trở thành nhà xe “dù”, muốn đậu ở bến “cóc”, nhưng để có chỗ đón trả khách đúng quy định khó quá.

Nếu người dân ở khu vực Suối Tiên muốn đón xe lên các tỉnh Tây Nguyên mà phải đón xe lên bến xe miền Đông, sau đó lại hành trình ngược trở lại Suối Tiên mới đi lên Tây Nguyên thì phát sinh quá nhiều thứ: thời gian, chi phí, rồi vấn đề ách tắc giao thông gây thiệt hại cho xã hội…

Xe “dù” hoạt động rầm rộ dịp lễ, tết
TS Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Chuyên trách UB ATGT QG cho rằng nếu xem xét vị trí bến “cóc” đố phù hợp về vị trí, đảm bảo hạ tầng giao thông thì có thể bố trí điểm đón trả khách vào giao cho địa phương quản lý

Ông Hùng đặt vấn đề, “Nếu chúng ta lập ở Suối Tiên một điểm đón trả khách và giao cho địa phương quản lý thì bến “cóc”sẽ loại bỏ khỏi từ điển ngay. Nhưng tại sao chúng ta không làm điều đó? Lý do tại sao? Thông tư 63 đã cho phép cắm các biển báo và bố trí các điểm đón trả khách dọc đường, tại sao TPHCM lại không áp dụng”.

Ông Phạm Đình Đức – Trưởng phòng Quản lý Vận tải đường bộ Sơ GTVT TP phân trần, "Hiện nay việc quy hoạch các điểm đón trả khách trong đô thị vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình. Bên cạnh đó, TPHCM cũng đang chờ quy hoạch các bến xe ra khu vực trung tâm thành phố, sau khi có quy hoạch mới có lộ trình các tuyến. Lúc đó sẽ quy hoạch bố trí các điểm đón trả khách”.

Phó Chủ tịch Chuyên trách UB ATGT QG không hài lòng với câu trả lời từ Sở GTVT TP, “chờ quy hoạch thì không biết đến bao giờ. Tôi đề nghị Sở GTVT TP cần làm trước việc này để tạo sự thuận lợi cho hành khách”.

Ông Nguyễn Ngọc Tường – Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TPHCM – cho biết chúng ta đã rõ thực trạng xe “dù”, bến “cóc” tồn tại nhiều năm, cũng như cũng đã có nhiều ý kiến đề xuất giải pháp hạn chế. “Vấn đề còn lại là làm thế nào, làm có quyết liệt không, có khác mọi năm không? Làm đến nơi đến chốn. Ai không làm sẽ bị xử lý? Nếu có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa của tất cả lực lượng chức năng thì thì từng bước sẽ dẹp được nạn xe "dù" trong năm 2015 như chỉ đạo Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín”, ông Tường nhấn mạnh.

Quốc Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm