Cán bộ đùn đẩy trách nhiệm và nỗi lo "đứng trước hội đồng xét xử"
(Dân trí) - "Yếu tố chủ quan của con người, bộ máy vẫn là khâu quyết định. Tôi không đồng tình với suy nghĩ của cán bộ "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử"- đại biểu nói.
Sáng nay 28/10, tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế- xã hội, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu - cho rằng, tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển cho các công trình dự án trọng điểm quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia, chậm giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 đã cho thấy đây là điểm nghẽn mới trong tăng trưởng.
Theo bà Yên, việc giải ngân chậm do vướng mắc về quy trình, thủ tục khi triển khai các kế hoạch, chương trình, dự án, trong đó có việc phân bổ vốn chậm, chuẩn bị đầu tư chưa kỹ.
"Yếu tố chủ quan của con người, bộ máy vẫn là khâu quyết định. Tôi không đồng tình với suy nghĩ của cán bộ "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử"- bà Yên nêu quan điểm.
Bà Yên nhận định, từ chủ trương chính sách hết sức đúng đắn của Đảng, Quốc hội thể chế hóa, luật hóa, Chính phủ đã điều hành rất quyết liệt nhưng cán bộ cấp cơ sở vẫn còn tâm lý e ngại, sợ sai, đùn đẩy thực hiện và sợ trách nhiệm…
"Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần phê bình hiện tượng này và từng nói thẳng ai không làm thì đứng sang một bên. Nếu làm đúng quy định của pháp luật, trong sáng, vì nước, vì dân thì có gì phải ngại. Vì đứng đằng sau chúng ta vẫn còn có cả một tập thể lãnh đạo, có cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm… Nếu cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thực hiện không hiệu quả cần xem xét lại việc bố trí cán bộ, thuyên chuyển, bố trí công việc khác phù hợp hơn với năng lực sở trường"- vị đại biểu nêu quan điểm.
Trước đó thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 27/10, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đề nghị quan tâm đến tình trạng "bất an, sợ sai" của một bộ phận cán bộ, công chức.
Ông Thông cho biết, có người nói với mình rằng "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử".
"Chưa bao giờ các vụ bạo hành nhân viên y tế lại xảy ra dễ dàng như bây giờ"
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, Việt Nam đã đạt được 3 thành công lớn trong 9 tháng vừa qua. Thứ nhất, đã kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Thứ hai, kinh tế phục hồi tích cực, tăng trưởng mạnh trong hoàn cảnh khó khăn.
Thứ ba, bối cảnh thế giới nhiều biến đổi khó lường, nhưng đất nước ta vẫn giữ được ổn định với đường lối ngoại giao mềm dẻo của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo nguyên tắc "dĩ bất biến, ứng vạn biến", đường lối ngoại giao Cây tre, giữa những mâu thuẫn, Việt Nam không chọn phe, mà chọn lẽ phải, chọn chính nghĩa.
Tuy nhiên, ông Trí cho rằng đất nước vẫn còn những vấn đề đáng lo lắng, quan ngại. Trước hết, về y tế, đại biểu cho biết, nền y tế đang chao đảo, nhân lực y tế chuyển khỏi khu vực công, mua sắm trang thiết bị bổ sung cho bệnh viện đang đứt gãy, đình đốn, vấn đề tự chủ bệnh viện còn rất nhiều khó khăn.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế tập trung giải quyết các tồn tại này, giao cho bệnh viện tự chủ về tài chính, về nhân lực, giải quyết được vấn đề thiếu thuốc cho bệnh nhân.
Ngoài ra, ông dẫn ví dụ gần đây xảy ra nhiều vụ việc thương tâm cho thấy nền tảng đạo đức, văn hóa, giáo dục của một bộ phận xã hội đang băng hoại, suy thoái. Từ đó đề nghị Việt Nam cần một nền giáo dục tôn sư trọng đạo, một nền văn hóa nhân văn sâu nặng tình người, một xã hội có đạo đức với nền tảng sống và làm việc tuân thủ pháp luật.
Về chuyện cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật, đại biểu bày tỏ tin tưởng tinh thần chống tham nhũng quyết liệt của Đảng, của Nhà nước, tuy nhiên, số lượng cán bộ công chức vi phạm vẫn là con số đáng buồn. Ông đề nghị cần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, lựa chọn, tiếp tục đẩy mạnh công tác chống tham nhũng, tiêu cực. Chú ý hơn việc tự rèn luyện, đào tạo của cán bộ, cần nâng cao chất lượng và tính thực chất của việc giám sát từ nhân dân đối với các cán bộ, công chức.
Chung quan điểm, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, chưa bao giờ các vụ bạo hành nhân viên y tế lại xảy ra dễ dàng như bây giờ. Mỗi cán bộ y tế làm việc liên tục với cường độ cao, môi trường làm việc nguy hiểm trong thời gian kéo dài. Cùng với đó là áp lực từ dư luận xã hội lên toàn ngành sau những sai phạm được phát hiện đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, động lực làm việc của cán bộ viên chức ngành y tế.
Về tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế, theo đại biểu, bên cạnh nguyên nhân do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, của ngành y tế nên không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm còn có việc văn bản pháp lý về đấu thầu thuốc, trang thiết bị còn chưa hoàn thiện, gây nhiều cách hiểu khác nhau.
"Các quy định của văn bản quy phạm pháp luật do chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản về đấu thầu mua sắm và các văn bản về quản lý, sử dụng, thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế đối với các danh mục vật tư y tế"- đại biểu nêu.