1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Cán bộ địa phương bán đất công như bán mớ rau”

Thiếu tướng Trịnh Xuân Thu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh - Bộ Công an, thẳng thắn nhận xét như vậy. Theo ông, tỉnh nào cũng có chuyện chính quyền cấp cơ sở bán đất vô tội vạ, Hà Nội cũng không phải là ngoại lệ.

Là người trực tiếp phụ trách tình hình an ninh nông thôn, ông có thể cho biết những “chiêu” tham nhũng đất đai hiện nay ở các xã, huyện?

 

Các kiểu tham nhũng đất đai thì muôn hình vạn trạng. Chẳng hạn, cơ sở khi quy hoạch đất đai thì kê gian. Có khi đất ruộng tốt thì bảo là đất cồn bãi để dễ chuyển sang mục đích sử dụng khác. Xã trình lên trên thì trên duyệt ký, duyệt ký xong thì biến từ đất ruộng thành đất xây dựng, bán đất làm nhà. Đến đây giá trị đất tăng lên rất cao. Nếu dưới xã trình lên huyện, huyện duyệt thì phải “có phần” cho huyện.

 

Còn chuyện đất giao cho chính quyền cơ sở quản lý, tức là có một tỷ lệ đất (công) nhất định giao cho chính quyền cơ sở quản lý để sử dụng vào các mục đích công. Nhưng tỉnh nào cũng có chuyện cấp xã bán đất vô tội vạ. Ngay giữa thủ đô Hà Nội cũng bán đất vô tội vạ. Chúng tôi nhận được nhiều đơn dân khiếu kiện liệt kê rõ chủ tịch xã bán bao nhiêu lô đất, bán cho ai, bao nhiêu mét vuông, lấy bao nhiêu tiền. Hà Nội, Hà Tây, Tây Ninh, Bến Tre... đều có chuyện này.

 

Rồi chuyện chính quyền giao đất cho doanh nghiệp “ma”, thậm chí giao đất cho người nhà, hoặc giao đất cho doanh nghiệp để doanh nghiệp nhượng lại cho người nhà. Ở Nam bộ, Tây Nam bộ, miền Trung, Tây nguyên, miền Bắc nơi nào cũng có.

 

Một kiểu nữa là lấy đất nông nghiệp của dân chuyển đổi mục đích sử dụng. Doanh nghiệp thuê đất, phát triển khu công nghiệp thì làm dự án được phê duyệt đầy đủ, được cấp tỉnh quyết định giao đất. Được giao đất rồi lại thường tìm cách chuyển mục đích, bán để lấy tiền. Rất nhiều trường hợp dân biết chắc chắn là sau khi đầu tư cơ sở hạ tầng, giá đất tăng lên 100 lần. Đất ấy của dân nhưng nếu người dân muốn đầu tư cơ sở hạ tầng để bán thì không bao giờ được, nhưng doanh nghiệp (có con dấu đóng vào) thì lại được.

 

Vậy cơ quan nhà nước và bảo vệ pháp luật phải làm gì để “cắt vòi của con bạch tuộc” tham nhũng đất đai kiểu này?

 

Khi cho thuê đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng thì Nhà nước phải kiểm tra, giám sát, điều hòa giữa ba lợi ích: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đa số vụ việc chúng tôi xem xét thì thường thấy các cấp chính quyền cơ sở không quan tâm đến lợi ích của người dân.

 

Doanh nghiệp muốn có lợi nhiều thì móc ngoặc với chính quyền. Chính quyền cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh muốn được “lại quả nhiều” thì phải làm cho doanh nghiệp được lợi nhiều. Muốn cho doanh nghiệp lợi thì phải hại đến lợi ích người dân.

 

Đại thể là chính quyền không thực hiện đúng Luật đất đai, không thực hiện đúng các quy định của Nhà nước. Luật đất đai có quy định rõ: khi giao đất chuyển người dân đến nơi ở mới thì phải đảm bảo điều kiện sống bằng hoặc hơn trước. Thực tế không bao giờ được như thế. Ngay cả chuyện đền bù thu hồi đất giá cao nhưng nhiều nơi, dân vẫn không đủ tiền mua đất ở nơi tái định cư mới.

 

Thực tế nhiều vụ việc “ăn đất” mà báo chí nêu ở Tây Ninh, Khánh Hòa, Trị An... đều dính líu đến quan chức hàng tỉnh. Ông có cho rằng tham nhũng đất đai đã thành hệ thống từ xã lên huyện, huyện lên tỉnh, rất nghiêm trọng?

 

Thật ra nói tham nhũng đất đai thành hệ thống thì chưa khẳng định được, nhưng có thể nói dứt khoát rằng phải có trách nhiệm của người lãnh đạo cấp tỉnh. Chủ tịch tỉnh có quyền hoàn toàn cho thanh tra, kiểm tra, giám sát vì sao để xảy ra hàng loạt xã bán đất vô tội vạ như thế. Trong tay chủ tịch tỉnh có công an, thanh tra, có kiểm tra Đảng mà sao để dân khiếu kiện đất đai nhiều như thế? Muốn giải quyết rốt ráo vấn đề này phải xem xét trách nhiệm của chủ tịch tỉnh, người đứng đầu tỉnh đó không thể né tránh.

 

Trên cương vị của mình, ông đã lần nào đề nghị xem xét trách nhiệm của người đứng đầu địa phương để xảy ra tham nhũng về đất đai?

 

Khi nhận được đơn thư khiếu nại liên quan đến lĩnh vực đất đai, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội thì chúng tôi có văn bản gửi đích danh chủ tịch tỉnh yêu cầu giải quyết. Đáng tiếc một số nơi hồi âm chưa tốt. Còn với tư cách đại biểu Quốc hội, ở một số trường hợp tôi cũng đã gửi công văn yêu cầu xem xét. Tất nhiên có nơi hồi âm, giải quyết nhưng chưa nhiều.

 

Để xảy ra tham nhũng đất đai, theo ông, xử lý trách nhiệm của lãnh đạo địa phương khó ở chỗ nào?

 

Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và môi trường phải có trách nhiệm. Nếu không xử lý được phải xem lại Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và môi trường có thẳng thắn hay không. Chúng tôi phát hiện vi phạm có dấu hiệu hình sự thì yêu cầu khởi tố, còn xử hành chính là từ Bộ Tài nguyên và môi trường, Thanh tra Chính phủ báo cáo lên Thủ tướng, Thủ tướng có ý kiến. Cơ chế ấy phải làm mạnh hơn.

 

Xin hỏi thẳng, trước khi bắt tay xử lý vụ việc tham nhũng về đất đai, ông có gặp khó khăn khi xin ý kiến cơ quan bên Đảng?

 

Khi tôi ở địa phương (giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa) thì không bao giờ cản trở được tôi. Báo cáo là báo cáo nhưng thái độ dứt khoát vẫn làm. Đã là người “cầm cân nảy mực” thì phải kiên quyết. Nếu tôi đưa tài liệu chứng cứ người này vi phạm pháp luật thì anh có dám cản trở? Dám đứng ra nói họ không làm? Còn bây giờ tôi mới ra cơ quan trung ương nên chưa thấy có hiện tượng cản trở nào.

 

Quốc hội vừa giám sát về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, Đảng và Nhà nước tỏ thái độ kiên quyết chống tham nhũng, Bộ Tài nguyên và môi trường vào cuộc thanh tra đất đai. Ông có hy vọng việc chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai sẽ có chuyển biến tốt hơn?

 

Thời gian gần đây, dư luận của nhân dân và sức ép của Quốc hội khá mạnh về vấn đề này. Trước Quốc hội, thái độ của Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Mai Ái Trực kiên quyết như thế thì những người đứng đầu địa phương cũng sợ. Tôi hy vọng có chuyển biến nhưng thực tế còn phải chờ xem. Còn với ngành công an, chúng tôi đã làm mấy nghìn vụ chứ có phải chưa làm đâu.

 

Phát biểu trước Quốc hội gần đây, ông đã có sự chia sẻ với những người dân đi khiếu kiện đất đai dai dẳng, có hành động thái quá nên vướng vào vòng lao lý. Trong nhiều vụ việc liên quan đến đất đai, chính cái sai của cán bộ đã dẫn tới cái sai của người dân?

 

Về phía ngành công an, lãnh đạo bộ đã chỉ đạo: Trong một vụ việc phức tạp dẫn đến người dân vi phạm pháp luật mà có cán bộ sai, người dân sai thì phải xử cán bộ trước. Phải khởi tố mấy anh cán bộ, đảng viên trước.

 

Vì cán bộ làm sai nên dân bất bình, vì khiếu nại không được giải quyết, nên dân phạm luật. Cái gốc là từ cán bộ. Ví dụ như vụ ở Tràng Cát, Hải Phòng, là khởi tố bắt giam trước mấy anh chủ tịch, phó chủ tịch phường để dân thấy thái độ của Nhà nước rồi sau đó xử người dân vi phạm sau. Như thế mới gọi là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Như thế nhân dân mới đồng tình. Nếu làm nghiêm, tình hình sẽ chuyển biến tốt.

 

Ông đã đề nghị Quốc hội dành ngân sách cho việc xử lý dứt điểm những vụ việc khiếu kiện kéo dài do thu hồi đất không đúng?

 

Đúng vậy, vì nếu không giải quyết sớm để kéo dài, dân bị thiệt thòi quyền lợi.

 

Theo Tuổi Trẻ