Cán bộ công đoàn đang hưởng mức chi cao ngất ngưởng

Thái Anh

(Dân trí) - Năm 2019, định mức chi tại Tổng Liên đoàn Lao động thấp nhất là 200 triệu/biên chế, cao nhất là 909 triệu/biên chế. Mức chi cho cán bộ công đoàn cao hơn rất nhiều so với biên chế công chức.

Đây là những con số được Kiểm toán nhà nước nêu ra tại kết luận kiểm toán ban hành mới đây về hoạt động của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐ).

Mỗi đồng chi cho người lao động lại mất nửa đồng chi cho bộ máy 

Theo báo cáo tổng kết thực hiện luật Công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ), trong tổng số chi gần 77.000 tỷ đồng của 7 năm vừa qua (2013 - 2019), chi chăm lo cho người lao động xấp xỉ 46.00 tỷ và chi khác (bao gồm lương, phụ cấp; đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa tài sản; chi quản lý hành chính; chi hoạt động…) là 31.400 tỷ đồng.

Theo đó, giai đoạn này, tỷ lệ chi cho người lao động/tổng chi là 59,6%. Kiểm toán nhà nước so con số này với tỷ lệ chi theo kết quả kiểm toán năm 2019 là 46% cho thấy mức chi cho người lao động giảm đáng kể.

Cơ quan kiểm toán cũng chỉ rõ, 7 năm qua, công đoàn nói chung đã chi riêng cho lương, phụ cấp số tiền gần 14.000 tỷ đồng, trong đó tại cấp Tổng LĐLĐ, khoản chi này chiếm 30,1% tổng chi; tại cấp tỉnh ngành chiếm 28,6% ; tại cấp quận huyện và đơn vị sự nghiệp chiếm 34,5% và tại công đoàn cơ sở là 13,1%.

Riêng chi lương phụ cấp và quản lý hành chính là 20.200 tỷ đồng, chiếm gần 26,3% tổng chi công đoàn.

Như vậy, cứ 1 đồng chi cho người lao động, tài chính công đoàn lại mất nửa đồng chi lương và hành chính.

Trong kết quả kiểm toán năm 2019, Kiểm toán Nhà nước cũng nêu con số đáng chú ý, định mức chi trung bình của công đoàn ở mức rất cao, 200 triệu/biên chế/năm đối với đơn vị cấp hỗ trợ (thu thấp hơn chi); 220 triệu đồng/biên chế/năm đối với đơn vị tự cân đối (thu bằng chi) và 240 triệu đồng/biên chế/năm đối với đơn vị nộp nghĩa vụ (có số thu cao hơn chi).

Kiểm toán nhà nước cho rằng tiêu chí phân bổ định mức chi như vậy không có cơ sở và chính Tổng LĐLĐ cũng chưa tuân thủ theo quy định của mình khi phân bổ dự toán.

Cụ thể, năm 2019, có 13 đơn vị được cấp hỗ trợ, định mức phân bổ và quyết toán trung bình là 271 triệu đồng/biên chế, trong đó cao nhất là 478 triệu đồng/biên chế (LĐLĐ tỉnh Lai Châu), chỉ có duy nhất 1 đơn vị thấp hơn định mức 200 triệu/biên chế là công đoàn ngành Công an.

9 đơn vị tự cân đối định mức phân bổ được quyết toán trung bình là 284 triệu đồng/biên chế, trong đó thấp nhất là Hòa Bình - 251 triệu đồng/biên chế và cao nhất là Công đoàn ngành Hàng hải - 420 triệu đồng/biên chế.

Riêng các đơn vị nộp nghĩa vụ thì định mức chi quyết toán trung bình là 463 triệu đồng/biên chế, trong đó đơn vị quyết toán cao nhất lên tới 909 triệu đồng/biên chế.

Kiểm toán nhà nước đánh giá, nếu so sánh cùng cơ quan quản lý hành chính thì định mức chi cho cán bộ công đoàn cao hơn rất nhiều so với định mức chi hành chính của biên chế nhà nước khác (chỉ từ 43,7 - 60,7 triệu đồng), tức là hơn từ 500% tới cả nghìn %.

Nguồn thu 20.000 tỷ đồng/năm, quản lý 2,1 triệu m2 “đất vàng”

Cơ chế khác lạ trong quản lý tài chính công đoàn được Kiểm toán nhà nước chỉ ra, đó là, quy định của luật Công đoàn hiện hành tạo sự chủ động cho Tổng LĐLĐ quy định hướng dẫn quản lý, sử dụng, quyết toán tài chính công đoàn, quản lý tài sản mà không phải lấy ý kiến hoặc có thỏa thuận trước khi ban hành với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngànhhay báo cáo Quốc hội như quy chế thông lệ áp dụng với các cơ quan trong bộ máy nhà nước.

Theo đó, 20.000 tỷ đồng nguồn thu mỗi năm (gồm tiền đoàn phí công đoàn do đoàn viên đóng (1% tiền lương); kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trích nộp (2% quỹ tiền lương đơn vị); ngân sách nhà nước hỗ trợ và thu khác theo quy định của Luật Công đoàn), Tổng LĐLĐ được “thả cửa” chi dùng.

Đối chiếu với con số khác, 29.000 tỷ đồng tài chính công đoàn đang kết dư, chủ yếu chỉ được gửi tiền ngắn hạn hoặc vô thời hạn, Kiểm toán nhà nước chỉ ra nghịch lý, một nguồn lực lớn đang được sử dụng kém hiệu quả trong khi mức chi trực tiếp cho người lao động lại rất thấp.

Về quản lý tài sản, Kiểm toán nhà nước liệt kê, Công đoàn các cấp Tổng LĐLĐ Việt Nam đang quản lý và sử dụng 505 cơ sở nhà đất (trong đó trụ sở Tổng LĐLĐ có 96 cơ sở), với tổng diện tích đất quản lý và sử dụng là hơn 2,1 triệu m2 (trong số này có 246.000m2 cho thuê, hơn 8.100m2 đất cho mượn).

Kiểm toán nhà nước xác định, các đơn vị thuộc Tổng LĐLĐ chưa thực hiện đầy đủ và kịp thời việc rà soát, sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc Nhà nước theo Nghị định 167 năm 2017.

Một số đơn vị thuộc Tổng LĐLĐ sử dụng tài sản nhà đất chưa đúng quy định; liên kết, hợp tác góp vốn kinh doanh có nguy cơ mất kiểm soát về diện tích đất được giao.

Dẫn chứng đưa ra là LĐLĐ tỉnh Bình Phước được UBND tỉnh giao hơn 32.500m2 đất (đất giao sử dụng lâu dài, không thu tiền sử dụng đất), chưa lập đề án liên kết và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đã ký hợp đồng, tham gia góp vốn liên doanh liên kết để thực hiện dự án 50 năm tại khu công nghiệp Đồng Xoài I và 70 năm tại khu công nghiệp Bắc Đồng Phú vượt thời gian hoạt động của các khu công nghiệp này, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dẫn đến nguy cơ mất kiểm soát diện tích đất được giao.

Các đơn vị sự nghiệp thuộc LĐLĐ các tỉnh, thành phố quản lý nhà văn hóa, khách sạn, nhà hàng hầu hết nằm trên vị trí đắc địa; quản lý các khu du lịch, nghỉ mát, nhưng sử dụng không hiệu quả, chưa chứng minh được việc phục vụ cho người lao động hoặc hoạt động thua lỗ.

Tính đến 31/12/2019, Tổng LĐLĐ đang quản lý gần 7.300 tỷ đồng tài sản, nhưng việc quản lý cũng còn bất cập như chưa báo cáo công khai việc quản lý, sử dụng tài sản công và quản lý tài sản chưa đúng quy định.