Cần 974 tỷ đồng để chuyển đổi xe máy điện ở Cần Giờ
(Dân trí) - Cần Giờ là địa phương phù hợp nhất được TPHCM chọn thí điểm chuyển đổi phương tiện giao thông cá nhân từ xăng sang điện, với kinh phí dự kiến 974 tỷ đồng.
Chiều 22/8, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS) phối hợp với HĐND TP và Phân hiệu Trường Đại học GTVT tại TP.HCM tổ chức hội thảo nhằm tìm ra các giải pháp và chính sách phát triển giao thông vận tải phục vụ kinh tế xanh tại TPHCM.
Buổi thảo luận quy tụ các chuyên gia và doanh nghiệp, nhằm làm rõ trách nhiệm và các nguyên tắc cơ bản trong phát triển giao thông xanh. Từ đó, định hướng những bước đi cụ thể cho thành phố.
Trọng tâm của hội thảo là việc xây dựng hạ tầng giao thông xanh, đặc biệt là phát triển hệ thống trạm sạc xe điện và sử dụng năng lượng tái tạo.
Ông Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Phân hiệu Trường Đại học GTVT tại TP.HCM, chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới. Để phát triển hệ thống giao thông xanh, cần tập trung vào 6 nhóm vấn đề chính: đầu tư xe điện, khuyến khích sử dụng giao thông công cộng, xây dựng làn đường riêng cho xe đạp, áp dụng công nghệ quản lý giao thông thông minh, xây dựng các khu vực không có khí thải và khuyến khích sử dụng xe điện với các chính sách ưu đãi.
Theo ông Long, hơn 50% lượng phát thải cacbon ở các đô thị tại Việt Nam đến từ giao thông vận tải. Để phát triển TPHCM thành đô thị xanh, giao thông phải đi trước.
Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết thành phố sẽ không cưỡng chế giảm phương tiện cá nhân mà phát triển vận tải hành khách công cộng như metro, xe buýt. Đồng thời, TPHCM cũng sẽ áp dụng các giải pháp công trình và phi công trình, tăng cường các tuyến buýt kết nối và hạn chế giao thông cá nhân.
UBND TP giao Sở GTVT thực hiện đề án kiểm soát khí thải, bắt đầu thí điểm tại Cần Giờ. TS Phan Thụy Kiều nhận định việc chọn khu vực thí điểm rất quan trọng và Cần Giờ là địa phương phù hợp nhất.
Cần Giờ là địa phương duy nhất của TPHCM tiếp giáp biển, với 23km bờ biển và hệ thống rừng ngập mặn lớn. Đến năm 2030, Cần Giờ sẽ phát triển thành thành phố biển tăng trưởng xanh, thông minh và thân thiện với môi trường.
Nhóm nghiên cứu đã đề xuất các chương trình hỗ trợ người dân chuyển đổi sang xe máy điện, phát triển giao thông công cộng xanh và hạ tầng thúc đẩy sử dụng giao thông công cộng tại khu vực. Tổng kinh phí thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông sang sử dụng năng lượng sạch dự kiến hơn 974 tỷ đồng, chia thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn thí điểm từ nay đến năm 2025 cần 319 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 655,4 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách khoảng 384,1 tỷ đồng và vốn doanh nghiệp, xã hội hóa khoảng 590,4 tỷ đồng.
Việc triển khai chính sách thí điểm tại huyện Cần Giờ trước khi nghiên cứu triển khai toàn diện trên địa bàn TPHCM nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.