1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Gia Lai

Cảm phục tình yêu đầy nghị lực của đôi vợ chồng khiếm thị

(Dân trí) - Mất đi ánh sáng của đôi mắt, bị gia đình ngăn cản, nhưng Phong và Hùng vẫn quyết tâm đến với nhau bằng tình yêu, sự đồng cảm. Và kết tinh tình yêu của 2 người là cô con gái hơn 3 tuổi lành lặn.

Trong căn phòng trọ nhỏ ở 47/2, đường Nay Der, TP.Pleiku, Gia Lai ấy tối tối vẫn tỏa ánh sáng của điện, tiếng phát thanh viên từ chiếc ti vi đen trắng cũ kĩ luôn rôm rả. Đứng ngoài, sẽ chẳng ai biết rằng đây là căn phòng của vợ chồng khiếm thị Hoàng Thị Phong (28 tuổi) và Nguyễn Thanh Hùng (29 tuổi).

Phong kể, chị là con thứ 3 trong gia đình có 5 anh em tại huyện Ea H’leo, Đắk Lăk. Năm Phong lên 3 tuổi, một loại sưởi đã “cướp” đi ánh sáng của đôi mắt, rồi dồn cuộc đời Phong vào bóng đen đặc quánh.

Phong lớn lên mà không có tuổi thơ, không được cắp sách đến trường như bao bạn cùng trang lứa. Với quyết tâm thay đổi cuộc đời, năm 13 tuổi Phong bắt đầu tập làm người “sáng mắt”. Chị dò dẫm mọi nơi, định hình hướng đi, rồi tập làm đủ thứ việc trong gia đình từ băm rau, nấu cám heo… đến nấu cơm cho cả gia đình 7 người.

Đầu năm 2007, Phong vào hội người mù ở TP. Buôn Mê Thuột, cũng từ đây Phong gặp được người bạn đời của mình là Nguyễn Thanh Hùng.

Hùng vừa lọt lòng đã bị cha mẹ ruồng bỏ, được một người phụ nữ nghèo cô độc mang về nuôi tại xã Hoàng Văn Thụ, Văn Lãng, Lạng Sơn. Cũng như Phong, lên 3 tuổi Hùng bị một trận sưởi cướp đi hơn 80% ánh sáng từ đôi mắt. Hùng lớn lên cũng không có tuổi thơ.

Lên 13 tuổi, người thân yêu duy nhất của Hùng là mẹ nuôi đã đi bước nữa. Khi mẹ nuôi có em bé, thì tình cảm của mọi người đối với Hùng không còn mặn mà nhiều, khiến anh tủi thân, và lủi thủi lang thang xuống tỉnh Hà Tây lúc bấy giờ.

May mắn Hùng được các vị Sư chùa Tây Phương cưu mang. Ngày thì Hùng lang thang đi nhặt chai bán kiếm tiền nuôi ước mơ vào Nam lập nghiệp, đêm về chùa nghỉ ngơi.

Khi lên 17 tuổi, mắt của Hùng mù hẳn, khiến anh rất đau khổ và tuyệt vọng. Nhiều ngày liền anh vùi thân quanh bức tường, nhưng được sự động viên của các sư thầy, Hùng đã bừng tỉnh và chợt nhớ rằng mình còn ước mơ. Sau một thời gian đắn đo, Hùng xin được tàu vào Nam để lập nghiệp như mong ước bấy lâu của mình.

Vào được TPHCM, đêm đầu tiên Hùng ngủ ở bến xe Miền Đông, ngày lang thang khắp bến và may mắn gặp được anh Tuấn, một bảo vệ bến xe đứng ra nhận vé số cho Hùng kiếm tiền mưu sinh.

Đến đầu năm 2007, Hùng được 1 người tên Tùng đón vào Hội người mù trên Đắk Lắk- nơi Phong đang làm. Hùng được phân vào nhóm đi bán chổi, bán vé số với Phong.

Hàng ngày, 2 tâm hồn cằn cỗi được tiếp xúc với nhau, nghe kể về cuộc đời buồn tủi của nhau. Hai tâm hồn như đám bùn khô hạn sắp vỡ vụn ra thành hạt bỗng nhiên được tưới mát bằng sự đồng cảm, bằng hơi ấm tình yêu trong sáng.

Dù khó khăn nhưng vợ chồng Hùng vẫn luôn bên nhau và cố gắng vượt qua
Dù khó khăn nhưng vợ chồng Hùng vẫn luôn bên nhau và cố gắng vượt qua

Sau 9 tháng quen nhau, họ quyết định đi đến hôn nhân, nhưng liền bị gia đình Phong cật lực phản đối vì “mắt mù không nuôi nổi thân mình, lại lấy thêm 1 đứa mù nữa thì làm sao sống nổi?”…

Dẫu biết phía trước là muôn vàn khó khăn, nhưng họ biết rằng cuộc đời này chỉ có ở bên nhau họ mới tìm được “ánh sáng”, mới có chung tiếng nói. Từ một quyết định táo bạo, cả 2 đã mò mẫm, lủi thủi sang Gia Lai thuê phòng ở, mưu sinh bằng tờ vé số và cây chổi đót.

Rồi niềm hạnh phúc của họ được nhân lên khi bé Nguyễn Hoàng Ngân ra đời mà không bị tật nguyền giống cha mẹ, cũng từ đó gia đình Phong đã thông cảm cho hoàn cảnh của con mình. Ngân ra đời là một trong những niềm vui lớn nhất của vợ chồng Phong, nhưng cũng khiến họ phải vác thêm gánh nặng cơm áo, gạo tiền. Nào là tiền phòng trọ (mỗi tháng hơn 600 nghìn), tiền sữa cho con, tiền gửi trẻ… khó khăn chồng chất, nhưng họ luôn biến điều này thành động lực.

Không chỉ chăm lo xây dựng hạnh phúc gia đình, mà với quyết tâm của mình, Hùng đã giúp những người có hoàn cảnh giống mình có công ăn việc làm. Anh đã liên lạc với một số người bị khiếm thị đang thất nghiệp, rồi tập hợp họ lại, kiếm phòng trọ cho họ ở gần chỗ mình. Sau đó, Hùng tự mày mò học cách làm chổi đót: “Hiện tại nhóm của mình có hơn 10 người đều bị khiếm thị. Mình lấy 1 chiếc chổi đót mới tháo ra để xem họ làm bằng cách nào, sau đó mình lắp vào lại. Cứ như vậy mình đã biết cách làm chổi đót và dạy lại cho mọi người”, anh Hùng kể.

Hùng (đi trước) và những người cùng hoàn cảnh lang thang đi bán chổi đót
Hùng (đi trước) và những người cùng hoàn cảnh lang thang đi bán chổi đót

Sau khi biết làm chổi đót, Hùng liên hệ được mối mua đót và thuê xe ô tô chở về phòng cho mọi người làm: “Chúng mình chia làm 2 nhóm, 1 nhóm ở nhà làm chổi, 1 nhóm vác chổi lang thang đi bán. Tiền lời kiếm được bọn mình đều chia đều cho nhau”, Hùng vui vẻ chia sẻ.

Đến nay, nhóm làm chổi đót của Hùng đã duy trì được gần 1 năm và tất cả đều có thu nhập ổn định. Một thành viên trong nhóm chổi đót của Hùng tâm sự: “Mình quê tận Lạng Sơn, nhưng khi được Hùng gọi điện và kể về kế hoạch của cậu ấy thì mình lập tức đồng ý và dẫn theo vợ mình vào đây. Sau gần 1 năm làm chổi và đi bán, cuộc sống của vợ chồng mình khá ổn định với nghề này, và rất phù hợp với những người có hoàn cảnh như bọn mình”.

Với họ mỗi 1 bước đi là cả vạn khó khăn, không còn đôi mắt nhưng đổi lại trong họ luôn có sự lạc quan, nghị lực lớn lao, họ chưa bao giờ bỏ cuộc mà luôn mơ ước. “Cuộc sống ai cũng có khó khăn cả, cái chính là mình phải có niềm tin để vượt qua, và điều quan trọng mình phải biết cái gì là hợp với hoàn cảnh của bản thân mình. Mình đã thực hiện được ước mơ là kiếm được việc làm ổn định cho vợ chồng mình và những người bạn cùng hoàn cảnh, ước mơ thứ 2 của mình đó là gia đình luôn bên nhau, thế là quá đủ rồi”, Hùng vui vẻ bộc bạch.

Thiên Thư