1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cấm hàng rong: “Bỏ đói” những nhu cầu bình dân

(Dân trí) - Nếu áp dụng câu “trăm người bán, vạn người mua” thì những người có nhu cầu hàng rong ở thành phố cũng là một con số lớn, nếu không nói là khổng lồ. Cấm bán hàng rong có phải là sự “bỏ đói” một nhu cầu rất thật, rất bình dân và rất lớn?

Bún 5 “sống” cùng… phở 24

Đặt bát cháo xuống mâm, bác Mùi (ngõ chợ Ngô Sĩ Liên, Đống Đa, Hà Nội) - một khách quen của gánh cháo sườn góc đường Văn Miếu của bà Quy tỏ ý rất chú tâm tới chủ trương cấm hàng rong của thành phố. Bác Mùi cho biết, hay ăn sáng tại gánh cháo rong của bà Quy vì ngại chen chân vào chợ.

Trong khi đó, gánh cháo quen đi qua, có thể mua ngay tại cửa nhà, mang bát ra mua hoặc bước vài bước chân ra đầu phố là có ngay bữa sáng. Hàng quen, hợp vị, ăn cũng yên tâm hơn. Hai ông bà già, chỉ 1.000đ là có bát cháo vừa bụng, khó tìm được cửa hàng nào bán món cháo sườn mà bước chân vào hàng, vào hiệu cũng chẳng ai bán “dăm xu ba hào” như thế.

Cấm hàng rong: “Bỏ đói” những nhu cầu bình dân - 1
Nhằm hướng... có nhu cầu!

Xúm xít quanh gánh bún riêu giò đậu của chị Quýnh (phố Ngô Tất Tố), các cô, các chị lý giải đơn giản, món ăn dân dã thì cũng phải ăn với không khí thật thoải mái mới… đã. Một bà mẹ trẻ vừa bón cho con vừa góp lời: Bún rong thì có người bình dân ăn, vì không phải ai cũng đủ điều kiện mỗi sáng vào “Phở 24”. Chị ví dụ ngay mức sống của gia đình mình, hai vợ chồng công nhân, lương tháng chỉ trên dưới triệu đồng mỗi người thì chỉ có thể ăn bát bún 5.000đ, không thể bỏ 15.000-20.000đ cho một bát phở sáng.

“Xóa xổ” hàng rong, theo họ, với người có tiền chẳng ảnh hưởng gì, chỉ thêm nỗi vất vả cho người nghèo, cả người bán vẫn người tiêu dùng.

Gánh bún đậu của chị Đào Thị Hạnh (quê Dốc Lã, Hưng Yên), gần trưa cũng khá xôm người ra người vào. Một “đồng nghiệp” hàng rong khác cũng đặt xảo cam quýt xuống, ăn bún thay cơm trưa. Người bán và khách hàng đều lộ rõ vẻ lo lắng với thông tin “giải tỏa” hàng rong.

Dù chỉ là một “khách vãng lai”, bà Hào (ngõ 90 Nguyễn Khuyến) nêu thẳng quan điểm, hàng rong cũng phục vụ nhu cầu của một bộ phận người dân, không nên cấm hẳn vì khó có loại hình dịch vụ nào giải quyết được nhu cầu của tất cả mọi người. Với người dân lao động, chủ trương này rõ ràng có tác động lớn.

Bà Hào phân tích, anh em chạy xe ôm, chị lao công, bác xích lô làm bữa bún đậu, chỉ cần 4.000-5.000đ là no, tiền kiếm cả ngày có chắc đã đủ để vào tiệm ăn bát bún, bát phở hơn chục nghìn đồng mà lèo tèo toàn nước, đủ… “rửa bụng”.

Dẹp bỏ hàng chục nghìn gánh hàng rong khắp ngõ phố Hà Nội đồng nghĩa với việc hơn nhiều lần con số đó những người lao động, những gia đình “lớp dưới” đời sống thêm một lần… khó xoay xở.

Không có hoa rong, ai dám sờ hàng “shop”

Mỗi gánh hàng rong là một cảnh khó. Người phụ nữ dắt chiếc xe treo đầy mấy xô, mẹt đậu phụ nhìn xuống khi được hỏi về gia cảnh. Mỗi ngày đạp xe từ Mai Động đi giao đậu cho các nhà hàng, chị tranh thủ cuối buổi rong ruổi khắp khu phố cổ để kiếm thêm vài ba chục nghìn. Chồng mắc bệnh tâm thần, 3 đứa con đang đi học, vậy là 4 miệng ăn chờ cả vào chị.

Mấy bà chủ hàng dược liệu trên phố Thuốc Bắc thoáng thấy bóng hàng đậu quen, vẫy tay, giơ 2 ngón tay ra hiệu là chị dừng xe, xếp 2 chục miếng đậu con vào túi, đưa vào tận cửa. Bà chủ hàng dược liệu vẫn đang tơi tới khách.

Chẳng ai biết tên, chỉ gọi người phụ nữ dắt chiếc xe treo đầy xô, mẹt là… “Đậu”. Bà chủ hàng dược liệu giải thích trong khi trả tiền đậu: “Không chỉ đậu, cả dãy hàng chúng tôi ở đây mua gì (rau quả, thịt cá, hành tỏi…) cũng ngay tại cửa, quen mặt hầu hết các gánh hàng rong. Không có hàng rong thì chợ búa khác gì… đánh đố vì phải bám cửa hàng miết, rời ra được lúc nào để đi chợ”.

Cấm hàng rong: “Bỏ đói” những nhu cầu bình dân - 2
Ở đây giá rẻ hơn "shop" 5-7 lần.

Rằm tháng 11, mấy xe hoa rong dọc phố Cát Linh “đắt sô” hơn bình thường. Người lấy chục cúc, người chọn mấy cành hồng để thắp hương ngày tuần. Mỗi tháng, dân bán hoa rong có được hai “ngày mùa” bán hàng phấn khởi như thế, lãi “nhảy” được tới mức 40.000-50.000đ, gấp rưỡi thường ngày.

Bà Lương Thị Hà (phố Hàng Bột) tỏ ra khá bức xúc khi nghe chuyện hoa bán rong sắp bị quét khỏi phố. Với bà Hà, nếu không có hoa rong thì việc mua hoa cúng, hoa lễ chùa mỗi ngày tuần trở thành một… gánh nặng. Bà làm phép so sánh, chục hồng mua ở mấy xe hoa rong thường lệ cao nhất cũng chỉ 6.000-8.000đ trong khi nếu vào “shop”, mức giá tối thiểu cho mỗi bông cũng phải 3.000-4.000đ. Giá cả vậy là chênh lệch tới 5-7 lần, ngay với những loại hoa được coi là phổ thông.

Không chỉ đối tượng có khả năng mất nghề kiếm cơm “phát hoảng” với chủ trương xóa hàng rong mà rất nhiều những người tiêu dùng lớp dưới cũng lo phương án giật gấu vá vai khi buộc phải tính sang dùng những dịch vụ… vượt cấp địa vị của mình. Cả kẻ bán và người có nhu cầu thực sự đều đang chờ đợi sự cân nhắc của chính quyền vì “dân mình giờ vẫn còn nhiều người nghèo quá”!

Dĩ nhiên cũng lại có những người nghĩ rằng, trong trường hợp cấm hàng rong, nhu cầu của những người bình dân sẽ được điều chỉnh để có thể được thỏa mãn!

Phương Thảo - Kim Tân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm