1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Tĩnh:

Cảm động những câu chuyện tình người trong lũ

(Dân trí) - “Có qua hoạn nạn mới hiểu lòng nhau…”. Trận đại hồng thủy 100 năm có một ở Hương Khê đổ về khiến nhiều gia đình hấp hối trước miệng Hà Bá. Trong cơn nguy kịch đó, tình người lại nhân văn, cao cả hơn bao giờ hết.

Quên mình cứu hàng trăm con người

Lũ tràn về nhanh như thác đổ, nước bủa vây, trong vài chục phút đã dâng lên gần ngập nóc nhà. “Nước lên nhanh như thể Sơn Tinh, Thủy Tinh đánh nhau. Người leo lên đến đâu nước dâng đến đó. Cả đời này chưa thấy trận lũ nào khủng khiếp như thế” - Cụ Hòa (90 tuổi) ở xã Hà Linh (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) cho biết.
 
Không có thuyền để thoát thân, hàng ngàn con người hấp hối trước sự hung dữ của thiên tai. Tiếng kêu cứu hoảng loạn trong đêm đen mịt mùng. 
Cảm động những câu chuyện tình người trong lũ - 1
Hàng ngàn con người gào thét kêu cứu trước sự uy hiếp kinh hoàng của cơn đại hồng thuỷ (Ảnh - Minh Lý)
 
Xóm 6, xã Hà Linh có 104 hộ, chỉ có 9 hộ không bị ngập, còn tất cả đều bị chìm sâu trong lũ.
 
Chị Nguyễn Thị Lý nhà có bốn mẹ con, chồng chị là bộ đội đang ở Cà Mau. Đề phòng nước vào nhà, mẹ con chị trèo lên chạn ngủ. Khi màn đêm buông xuống, nước lên lấp xấp chạn, mẹ con chỉ còn biết ôm nhau khóc. Mênh mông là nước, sắp ngập đến cổ và nuốt chửng ba mẹ con mà không có ai đến cứu.
 
Cảm động những câu chuyện tình người trong lũ - 2
  
Nhiều người đã đuối sức và tuyệt vọng (Ảnh - Minh Lý)
 
Rồi mẹ con chị nghe tiếng động cơ cưa máy xoèn xoẹt cắt mái tôn. Trong giây lát nóc nhà chị được lật tung ra, những bàn tay đàn ông cứng cáp kéo mấy mẹ con chị đưa xuống thuyền. Biết đã được cứu sống, chị và các con mừng trào nước mắt. Lúc đó mưa vẫn tuôn tầm tã giữa trời.
 
Cảm động những câu chuyện tình người trong lũ - 3
Mẹ con chị Lý may mắn được cứu sống ở những giây phút cận kề cái chết (Ảnh - Bá Hải)
 
“Những người cứu mẹ con tui hôm đó là ông Trần Đăng Lâm, xóm trưởng cùng ông Trần Đình Đức và ông Trần Xuân Ngọc. Không có mấy ông đó thì mẹ con tôi cũng chết rồi” - chị Lý xúc động nói.
 
12h trưa ngày 15/10, nước ngấp nghé nền nhà. Đến 14h lũ đã dâng ngang nửa nhà, chị Nguyễn Thị Thanh nhà gồm 6 người, trong đó có hai đứa con út sinh đôi bị bệnh bạch tạng nhỏ yếu không chịu chạy lũ. Đến khi nước ngập tận nóc nhà, cuốn trôi đồ đạc và cả căn nhà gỗ ba gian, cả nhà mới la hét cầu cứu.
 
Cảm động những câu chuyện tình người trong lũ - 4
Mẹ con chị Thanh mất hết hồn vía sau đêm suýt bị chết trên nóc nhà (Ảnh - Bá Hải)
 
Những con người dũng cảm nhất lại lao ra bên miệng Hà Bá cứu gia đình chị. “Lúc đó cả nhà mất hết hồn vía. Không còn sức mà nghĩ đến việc vớt vát của cái. Chỉ nghĩ làm sao thoát chết là phúc phận lắm rồi. Hôm đó ông Lâm, ông Danh, ông Đức, ông Ngọc người trong xóm đi trên hai chiếc thuyền vượt nước lũ cuồn cuộn chảy xiết đến cứu gia đình tui” - chị Thanh chưa hết kinh hoàng nhớ lại.
 
Căn nhà ông trưởng thôn đang chìm nghỉm trong nước lũ. Vừa mới chèo thuyền phát mì tôm cứu trợ cho dân về, ông Lâm tiếp chuyện chúng tôi trên mạn thuyền chồng chềnh giữa nước lũ trắng xóa. “Hôm huy động anh em đi cứu bà con nhà chúng tôi cũng bị ngập, đồ dùng cái nào trôi thì cho trôi nhưng cứu mạng sống cho dân là việc bức bách hàng đầu. Chỉ cần một người không được cứu, lỡ có chuyện không hay xảy ra thì ân hận cả đời” - Ông Lâm chia sẻ.
 
Cảm động những câu chuyện tình người trong lũ - 5
Nhà bị ngập ngụa trong nước lũ, đồ đạc trôi hết nhưng ông Lâm chỉ nghĩ đến việc đi cứu tính mạng cho bà con (Ảnh - Bá Hải)
 
Hớp xong ngụm nước, ông Lâm kể tiếp: “Nhà ở đây toàn lợp ngói và bịt kín hai đầu nóc bằng tôn cứng. Khi nước ào ào dâng gần đến nóc nhà thì dân không có cách nào thoát thân mô. Chúng tôi phải lật tung ngói rồi sử dụng cưa máy cắt lớp cầu phong cứng như đá mới giải cứu kịp cho dân. Không hiểu vì sao lúc đó nhóm chúng tôi có hai thuyền gồm tôi, ông Đức, ông Ngọc, ông Danh lại có sức mạnh phi thường đến như vậy. Cứ nghe đâu có tiếng kêu cứu là chèo thuyền vun vút tới, phá mái nhà nhanh như chớp, ôm dân xuống thuyền nhẹ nhàng như bông và chèo đi cấp tốc đến chỗ an toàn để còn kịp cứu người khác. Mặc dù từ chiều cho đến gần sáng người luôn ướt sũng, không kịp ăn uống gì, mấy con người cứ lao đi trong mưa lũ như một cỗ máy”.
 
Cảm động những câu chuyện tình người trong lũ - 6
"Lũ vào nhanh lắm, cả xóm hấp hối kêu cứu hoảng loạn, không nhanh tay cứu họ thì tang thương bây giờ bao trùm cả xóm" - Ông Lâm nhớ lại (Ảnh - Bá Hải)
 
Dù đã nỗ lực hết mình nhưng ông Lâm và những người đồng hành chỉ cứu được khoảng 30 người. Một tấm gương cứu người khác được ông Lâm kể đến là bố con anh Phan Đình Tâm, trưởng công an xã. Từ trưa cho đến gần sáng, hai bố con chèo thuyền lao đi trong lũ như con thoi cứu được rất nhiều người bị mắc kẹt trên các mái nhà. Số lượng không ai chú tâm đếm trong cảnh chạy lũ nhưng có lẽ cũng hơn 120 người. Nhờ vậy, mà cả thôn không có ai bị mất mạng trong lũ.
 
“Bọn tui không biết lấy gì để đền đáp công đức bố con ông ấy” – một người dân nói xen vào lời ông Lâm. Chúng tôi cố gắng liên lạc với bố con ông Tâm nhưng không biết tìm họ ở đâu giữa biển lũ mênh mông khi điện thoại không liên lạc được. Nghe người dân trong thôn bảo, bố con ông ấy lại theo đoàn cứu trợ của xã đi cứu dân ở mạn xuôi rồi.
 
Sáng 19/10, tại xóm 10, xã Lộc Yên, khi phát hiện anh Phạm Quang Hiệp bị lũ cuốn trôi, hấp hối giữa dòng nước chảy xiết, anh Ngô Quang Thắng đã liều mình bơi ra cách bờ 200m tìm cách cứu anh Hiệp. Lúc kéo nạn nhân vào bờ anh Thắng cũng đã gần kiệt sức và uống no nước sau mấy chục phút vật lộn với nước lũ. “Thấy mọi người gặp hoạn nạn là phải ra tay cứu. Đó là chuyện thường tình mà” – anh Thắng nói gọn lỏn khi mọi người trầm trồ khen ngợi tinh thần dũng cảm của anh.
 
Cảm động những câu chuyện tình người trong lũ - 7
Liều mình cứu bạn, anh Ngô Quang Thắng suýt bị nước cuốn trôi (Ảnh - Bá Hải)
  
Cảm động những câu chuyện tình người trong lũ - 8
Thiếu Tướng Nguyễn Văn Học, Phó Tư lệnh Quân khu 4 biểu dương và thưởng nóng một thùng mì tôm cho anh Ngô Quang Thắng
đã dũng cảm bơi ra giữa dòng lũ chảy xiết cứu người (Ảnh - Bá Hải)
 
Gần ngã ba Hương Trà, từ dưới chiếc thuyền ba lá, một cụ bà đã ngất lịm, mặt tái ngắt, mắt trợn ngược và bọt mét trào ra như thể đã vĩnh biệt thế gian. Không ai bảo ai, người cởi áo mình ra cho cụ mặc, người dắt vội xe máy chở cụ đi cấp cứu. Hai ngày sau người ta hay tin cụ đã khỏe lại.
 
Một bà mẹ có mang trở dạ đau đẻ quằn quại trong căn nhà ngập chìm trong biển nước ở xã Phú Phong. Người người lại vượt lũ dữ chèo thuyền đến căng bạt, đỡ đẻ cho đưa bé chào đời hồng hào, khỏe mạnh. Dân làng sau đó lại băng mình vượt sóng gió đưa hai mẹ con đến bệnh viện Đa khoa huyện dưỡng sinh. Người mẹ vui mừng khôn xiết đặt tên cho đứa con gái kháu khỉnh là Hồng Thủy.
 
Cảm động những câu chuyện tình người trong lũ - 9
 (Ảnh - Minh Chiến)
  
Về Hương Khê trong mùa lũ, đi đâu cũng nghe người ta bàn tán chuyện những người anh hùng thầm lặng cứu người không màng tới công trạng hay chính tính mạng của bản thân mình.
 
Cảm động những câu chuyện tình người trong lũ - 10
Những người chiến sỹ ăn vội nữa gói mì tôm sau một ngày đói khát làm nhiệm vụ cứu hộ, để tiếp tục lên đường cứu đồng bào (Ảnh - Bá Hải)
 
San sẻ từng haṭ gạo
 
Lũ cuốn trôi hết lúa gạo, khoai sắn. Vợ chồng anh chị Cửu Việt Cường và Nguyễn Thị Hà ở xóm 6, xã Lộc Yên “trời thương” còn để lại cho mấy chục kg gạo nhưng đã bị ẩm mốc và bùn dính nhầy nhụa.
 
Cảm động những câu chuyện tình người trong lũ - 11
Vợ chồng anh Cường, chị Hà đã san sẻ từng hạt gạo ẩm mốc còn sót lại cho xóm giềng trong những ngày đói vật vã trên nóc nhà (Ảnh - Bá Hải)

Rửa qua nước lũ đục ngầu, vợ chồng chị chèo thuyền san sẻ gạo cho bà con đang ngồi bám trụ trên nóc nhà đã mấy ngày không miếng ăn và đang kiệt sức vì đói rét. Những nắm gạo ấy, trong hoàn cảnh thảm thương của mùa lũ, trở nên quý hơn vàng. Mọi người nhanh chóng bỏ vào miệng nhai sống ngấu nghiến để cầm cự sức lực chống chọi với lũ. “Bình thường gạo ấy không tài nào nuốt nổi nhưng lúc đói, khát có để mà ăn là tốt lắm rồi” - em Tuấn (17 tuổi) nói.

Khi có mì tôm và nước sạch cứu trợ, những con người đồng cam cộng khổ trong hoạn nạn lại san sẻ, chia đều quyết không để ai chết vì đói. “Tình làng nghĩa xóm là vậy đó chú ạ! Chết sống có nhau mà. Chung lưng đấu cật để chống chọi với thiên tai là cách tồn tại mà người dân ở đây đã làm” - Ông Lâm trưởng thôn khẳng định.
 
Ngày lũ về, trên đường Hồ Chí Minh đông nghịt những người tụ tập chạy lũ. Kẻ nằm la liệt; người gào thét thảm thương tiếc nuối của cải, nhà cửa và tiếng đồng thanh kêu đói, rét, khát vang động cả một vùng giữa cơn mưa ào ào như trút. Những người dân ở thị trấn trong đêm đã mang củi, chăn màn, quần áo cũ, thực phẩm... đến cho họ.
 
Cảm động những câu chuyện tình người trong lũ - 12
Những đùm cơm sâu nặng nghĩa tình...(Ảnh - Minh Chiến)
  
Cảm động những câu chuyện tình người trong lũ - 13
đang được chị em phụ nữ những vùng đã thoát lũ khẩn trương vắt... (Ảnh - Minh Chiến)
 
Gần 1 tuần nay, Hội liên hiệp Phụ nữ huyện phát động chị em ở thị trấn, Hương Long, Phú Gia... góp được hơn 1,5 tấn gạo đem nấu và đùm cơm vắt gửi tới nhân dân vùng lũ. Những đùm cơm nhanh chóng được chuyển đến với những con người đã bị cô lập mấy ngày trời trong lũ, đang vật vã đói khát trên từng nóc nhà. 
 
Cảm động những câu chuyện tình người trong lũ - 14
.... gửi đến với những con người đang kiệt sức trên nóc nhà (Ảnh - Bá Hải)
 
“Có qua hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau…”. Câu hát dân ca đó như một triết lý sống ngàn năm nay đã thấm sâu vào tâm hồn con người Hà Tĩnh.
 
Bá Hải - Minh Chiến - Văn Dũng