Cảm động người phụ nữ 15 năm “theo đuổi” người đàn ông tật nguyền
Cô gái nghèo đến 40 tuổi mới gặp được tình yêu, nhưng người đàn ông một mực từ chối bởi mặc cảm tật nguyền và đang “gà trống nuôi con”. Cô gái vẫn bền bỉ với tình yêu của mình, nhưng phải 15 năm sau, người đàn ông kia mới bước qua mặc cảm.
Họ nên nghĩa vợ chồng khi cả hai tóc đã nhuốm bạc… Đó là chuyện tình cảm động hiếm có của vợ chồng bác Nguyễn Trai và Nguyễn Thị Thương ở xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, Thừa Thiên – Huế.
Yêu từ cách chăm con
Vợ chồng bà Thương bên chiếc xe mưu sinh hàng ngày.
Từ lúc đôi mươi, cô gái nghèo Nguyễn Thị Thương đã phải bươn chải với cuộc sống chợ búa để chăm lo cho người mẹ bệnh tật. Khi cô bước vào ngưỡng cửa tuổi 40, những người bạn buôn bán ở chợ đã mai mối cho cô một người đàn ông đứng tuổi, có nghề nghiệp ổn định. Nhưng số phận lại đưa đến cho cô một lối rẽ khác.
Người mẹ bệnh tật của cô khi đến tuổi già đã xin vào làm thêm tại một cơ sở dành cho người mù tỉnh Thừa Thiên – Huế để đỡ đần thêm cho cô con gái sắp đi lấy chồng. Ngày ngày, những câu chuyện của người mẹ đều nhắc đến hoàn cảnh của một người đàn ông mù tên Trai rất chăm chỉ làm việc, dắt theo một cậu con nhỏ vừa chăm con vừa cố gắng làm thật nhiều tăm, nhiều chổi để lo cho cuộc sống hai cha con.
Bà Thương mỉm cười kể: “Đến lúc gặp anh Trai, tôi rất ấn tượng với một người mắt không thấy gì mà vót tăm nhanh thoăn thoắt, lại chăm con từng li từng tí. Anh chăm con như một báu vật. Hỏi ra mới biết, vợ anh mất cách đó vài năm, vì thế ngoài tình yêu người cha còn có thêm tình yêu của người mẹ. Không biết từ bao giờ hình ảnh chăm con của anh ấy cứ bám lấy tôi. Đầu tiên, tôi quý thằng bé kháu khỉnh dễ thương, rồi yêu anh khi nào không hay. Mặc cho sự can ngăn của mẹ, của bạn bè, tôi vẫn quyết định không lấy chồng nữa mà ở bên cha con anh”.
Chiếc xe đẩy hạnh phúc
Vẫn lời tâm sự của bà Thương: “Ngày ấy, tôi đã đề nghị được về sống chung để chăm sóc hai cha con nhưng anh ấy sợ tôi thiệt thòi nên kiên quyết từ chối, thậm chí còn xa lánh tôi”.
Hàng ngày trên chiếc xe đạp cọc cạch, bà Thương lại đến với căn nhà nhỏ ở thôn Địa Linh, xã Hương Vinh để thăm cha con ông Trai. Mỗi lần bà đến, ông Trai lại né tránh bởi “tôi nghĩ bấy giờ bà ấy chỉ thương hại ba con tui thôi, với lại bà ấy cũng có người dạm ngõ rồi, tới với ba con tui làm chi”, ông Trai hóm hỉnh kể.
Lần nào bà Thương đến, cậu con trai nhỏ của ông Trai là Nguyễn Minh lại quấn lấy bà không cho về bởi nó nhận được từ bà tình yêu thương của một người mẹ thật sự. Dù ông Trai luôn tỏ thái độ không “mặn mà” với bà Thương, nhưng người phụ nữ ấy vẫn lui tới chăm sóc cậu con trai, dọn dẹp căn nhà nhỏ cho ngăn nắp, nấu cho hai cha con một bữa cơm rồi lại tất tả ra về. Công việc đó cứ lặp đi lặp lại suốt 15 năm như thế, một khoảng thời gian quá đủ cho việc minh chứng một tình yêu.
Hai năm trước, khi tóc của hai người đã nhuốm bạc, ông Trai mới dám mở lòng, nói lời xin lỗi và cầu hôn bà Thương. Không có được một đám cưới đúng nghĩa, không có người đưa cau trầu, không có tiếng chúc tụng, nhưng bà Thương vô cùng hạnh phúc với vị trí là người mẹ chính thức trong mâm cơm với cha con ông Trai.
Trên nhiều ngả đường của thành phố Huế, bên chiếc xe đẩy treo nào chổi đót, chổi lông gà, tăm tre, đũa tre, thảm chà chân… một người đàn bà nhỏ đi cạnh người đàn ông mù, giọng rao lanh lảnh: “Ai mua chổi không...” – đó là hình ảnh vợ chồng ông Trai, bà Thương.
“Một ngày rong ruổi chúng tôi bán được lời khoảng 20.000 – 30.000 đồng, có hôm được 50.000 – 60.000 đồng là cao, nhưng vợ chồng sớm hôm có nhau là vui rồi và cố gắng chăm lo nuôi dạy cho Nguyễn Minh nay đã được 17 tuổi, không may cũng bị mờ mắt như ba. Nhưng Minh luôn hứa với tôi sẽ cố gắng thi đậu đại học cho ba mẹ vui lòng”, bà Thương mở lòng.
Vẫn còn nhiều ngày tháng cơ cực phía trước, nhưng tin rằng tình nghĩa vợ chồng, tình yêu đích thực sẽ đem đến những ngày hạnh phúc cuối đời cho họ.
Theo Minh Hạnh
Sài Gòn tiếp thị