1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cặm cụi cả năm chờ dăm ba ngày Tết

(Dân trí) - Lọt thỏm giữa làng gốm Thanh Hà vốn chuyên tâm với những sản phẩm gốm mới, gia đình bà Nguyễn Thị Lan (khối phố 5, phường Thanh Hà, TP Đà Nẵng) là một trong vài ba nhà hiếm hoi còn lại miệt mài tạo hình tượng Táo quân.

Cái nghề gia truyền vất vả cả năm của nhà bà Lan chỉ đợi được trả công vào mấy ngày cuối năm, độ từ giữa tháng Chạp đến ngày nhà nhà theo lệ đưa ông Táo về trời - ngày 23 tháng Chạp.

 

Thường ở các tỉnh phía Bắc, trong phong tục tiễn Táo quân về trời, trình với nhà trời một năm qua của gia chủ, có lệ hóa vàng giày-mũ và thả cá chép. Người Quảng Nam, Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung lân cận lại có thêm lệ đưa ông Táo ra tận ngã ba đường.
 
Cặm cụi cả năm chờ dăm ba ngày Tết - 1

Cụ bà 96 tuổi vẫn miệt mài nặn tượng Táo quân.

 

Vào ngày 23 tháng Chạp, mỗi nhà đặt giữa ngã ba đường trước nhà một bức tượng gia đình nhà Táo: Táo bà ở giữa, hai bên là hai Táo ông, để gia đình nhà Táo tiện chọn phương tiện, hướng về trời nhanh nhất.

 

Cụ bà Nguyễn Thị Lan, 96 tuổi, người thâm niên ở làng gốm Thanh Hà làm nghề tạo tượng ba Táo, nói: “Ngày trước người ta nấu ăn bằng bếp lò đun, bếp là ba hòn đất sét lớn châu đầu vào nhau, hòn đất cao ở giữa là tượng trưng cho bà Táo, hai hòn đất thấp hơn ở hai bên là biểu tượng của hai ông Táo. Đến ngày đưa ông Táo về trời, người ta đặt ba hòn đất ấy giữa ngã ba đường, coi như tiễn gia đình Táo quân và lại thay một bếp mới.

 

Chừ thì bếp núc hiện đại hơn hồi xưa nhiều rồi, người ta dùng bếp ga, bếp điện chớ mấy ai còn dùng bếp lò, không còn “ba người nhà Táo” chụm đầu làm bếp nữa. Nhưng tục lệ cũ vẫn được giữ. Hàng năm người ta sắm một tượng ba ông Táo cho lễ tiễn Táo quân.

 

Mấy đời nhà tôi, từ hồi nặn hòn đất sét làm bếp đến khi nặn tượng hình Táo quân, vẫn giữ nghề nhà chờ lệ đưa ông Táo. Nghề nhà như một thứ duyên nghiệp, đến như thằng cháu nội trẻ con của tôi, rời sách vở ra lại cặm cụi với khuôn, với đất sét, với lò nung… Không bỏ được dù không “dễ ăn” như làm mấy cái đèn gốm, mấy con tò he bỏ chợ hàng ngày”.

 

Nghệ nhân đã sống gần một thế kỷ chậm rãi vuốt vuốt bức tượng vừa trút ra khỏi chiếc khung nhôm, nhớ lại: “Cũng như tụi trẻ con làng gốm này, mới lên năm, lên mười tôi đã rành nghề nhà. Bấy đến nay ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, cặm cụi cả năm chờ dăm ba ngày Tết là những ngày trong nhà chộn rộn vui vẻ, rôm rả tiếng bạn hàng về nhận tượng đem bán. Những nơi xa như Huế, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, có khi tận trong Sài Gòn, cũng gọi đặt hàng”.

 

Một bức tượng gia đình nhà Táo trải qua mấy công đoạn: cho đất sét vào khuôn, thảy ra chỉnh sửa lại cho nét mặt, nếp áo ông bà Táo sắc sảo, đẹp rồi mới đem phơi khô, chờ cho vào lò nung. Nung xong thì phết dầu phụng, dầu màu cho tượng bóng láng là hoàn tất.
 
Cặm cụi cả năm chờ dăm ba ngày Tết - 2
Mỗi năm gia đình cụ Lan làm chừng 40.000 tượng, cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng.

 

Ông Thành, con trai cụ Lan, vừa xếp tượng vào lò nung vừa nói: “Mỗi bức tượng bỏ mối cho người ta giá thành 1.500 đồng, đem ra chợ thì mua một lời ba, giá khoảng 3.000-5.000 đồng. Một năm trung bình cả nhà làm được gần 40.000 bức tượng. Một mùa giáp tết, bán tượng đi, trừ hết mọi chi phí đất cát, củi lửa, dầu bóng… được khoảng gần 40 triệu. Chẳng giàu, nhưng cũng đủ tiền tiêu”.

 

Với những gia đình hiếm hoi còn giữ lại nghề làm tượng Táo quân ở làng gốm Thanh Hà như gia định cụ Nguyễn Thị Lan, nghề nhà giống như một nét son trong phong tục mùa Tết cổ truyền. Mỗi khi thấy những mẹt, những rổ xếp đầy tượng Táo quân lại nao nao nhớ một năm sắp qua, ông Táo sắp về trời để bắt đầu một năm mới tích phúc đức cầu bình an, sung túc.

 

Khánh Hiền