Bình Định - Khánh Hòa:
Cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi trong bão
(Dân trí) - Đó là yêu cầu cấp bách của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cao Đức Phát tại cuộc họp khẩn với tỉnh Bình Định về công tác phòng chống cơn bão số 4 có thể gây ảnh hưởng đến địa phương này, diễn ra sáng 29/11.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định, đây là cơn bão di chuyển nhanh, phức tạp, có khả năng ảnh hưởng lớn khi vào đất liền nên vấn đề lưu tâm là phải thông báo, đồng thời, tiếp tục giữ liên lạc với bà con ngư dân đang hoạt động trên biển, đặc biệt là vùng biển nguy hiểm, tìm nơi tránh bão an toàn. Trong quá trình di chuyển tránh bão có thể xảy ra những tình huống xấu, các ngành chức năng phải nắm bắt kịp thời để hỗ trợ ngư dân.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng yêu cầu tỉnh Bình Định triển khai thực thi nghiêm ngặt lệnh cấm biển không cho bất cứ một phương tiện tàu thuyền nào ra khơi vào thời điểm đang có bão. Ở những nơi neo đậu tàu thuyền cần kiểm tra để hướng dẫn ngư dân vào nơi neo đậu an toàn. Trong mưa bão phải đề phòng lốc tố cục bộ có thể xảy ra; kiểm tra các lồng bè, khuyến cáo và vận động bà con ngư dân sống ở các lồng bè lên bờ. Theo dõi sát sao các hồ chứa, nhất là các hồ chứa xung yếu trên địa bàn tỉnh.
Tại Bình Đinh, ghi nhận của PV Dân trí, sáng sớm 29/11, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, có nơi mưa to. Mực nước các sông trong tỉnh dưới báo động 1, riêng tại Thạnh Hòa trên báo động 1.
Lúc 7h sáng 29/11, mực nước tại An Hòa 19.60, Bồng Sơn 1.82, Vĩnh Sơn 68.56, Bình Nghi 14.26, Thạnh Hòa 6.14.
Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng và Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợ Thủy sản tỉnh Bình Định cho biết, Bình Định có 6.767 tàu/43.211 người, trong đó hoạt động ven bờ đã vào các khu neo đậu 4.049 tàu/21.911 người; từ Phú Yên đến Bình Thuận đã vào neo đậu 291 tàu/2.428 người; Thừa Thiên Huế - Quảng Ninh 65 tàu/657 người; Bà Rịa Vũng Tàu – Kiên Giang 1.839 tàu/14.904 người; Hoàng Sa 62 tàu/434 người, giữa Hoàng Sa – Trường Sa 22 tàu/154 người, Trường Sa 439 tàu/2.723 người đã thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu các ngành liên quan duy trì trực ban PCLB 24/24 để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, báo cáo kịp thời tình hình về UBND tỉnh, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh xuống địa bàn được phân công để kiểm tra, đôn đốc triển khai công tác ứng phó với bão, lũ; tiếp tục giữ liên lạc, gọi tàu thuyền nhanh chóng thoát khỏi vùng nguy hiểm hoặc tìm nơi trú ẩn gần nhất; vận hành hạ mực nước hồ Định Bình, hồ Trà Xom xuống mực nước thấp nhất đón lũ.
Bên cạnh đó, rà soát, kiểm tra dân cư ở các vùng trũng, thấp, ven sông, ven biển, nuôi trồng thủy sản; Tiếp tục kiểm tra các vùng có nguy cơ để chỉ đạo ứng phó; Kiểm tra, vận hành thử trang thiết bị TKCN để sẵn sàng huy động; chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm để hỗ trợ dân khi có nhu cầu; đặt các lực lượng cơ động trong tình trạng sẵn sàng.
Theo dự kiến, chiều nay 29/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cao Đức Phát sẽ vào Phú Yên để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão số 4 tại địa phương này.
Tại cuộc họp khẩn với các ban ngành liên quan trưa 29/11 để bàn phương án đối phó với bão số 4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - ông Lê Đức Vinh nhấn mạnh bão số 4 đang di chuyển nhanh, phức tạp và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Khánh Hòa. Sau khi nghe báo cáo diễn biến bão số 4, ông Lê Đức Vinh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố cùng các ban ngành hoàn thành công tác chuẩn bị đối phó với cơn bão trước 17h hôm nay, 29/11.
Đề nghị Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa phối hợp với các địa phương kêu gọi tàu thuyền di chuyển vào bờ gần nhất hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, đồng thời hướng dẫn các chủ phương tiện đưa tàu thuyền vào khu neo đậu an toàn, đúng quy định. Các ban ngành phối hợp với các xã, phường thông báo cho người dân tình hình cơn bão để phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh cần có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè khu nuôi trồng thủy hải sản, kiên quyết không để người dân ở lại trên các tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản.
Chỉ đạo TP Nha Trang kiên quyết không cho du khách tắm biển tại các bãi tắm; các cơ sở lưu trú, khách sạn trên địa bàn phải có phương án đảm bảo an toàn cho du khách, đặc biệt là tại các đảo.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh Khánh Hòa, đến sáng 29/11, địa phương hiện có 624 tàu/3.679 thuyền viên đang hoạt động đánh bắt trên biển. Theo đó, các phương tiện nói trên đã biết được thông tin về bão số 4 qua đài canh biên phòng và gia đình để tìm nơi trú ẩn. Các phương tiện đánh bắt ở Trường Sa cơ bản đã di chuyển xuống phía Nam để trú tránh bão.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ vào chiều tối nay 29/11, bão số 4 sẽ “quét” vào ven biển từ Bình Định đến Khánh Hòa. Hiện 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa đã triển khai công tác chuẩn bị đối phó với bão, kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú tránh an toàn; chằng chống nhà cửa, lồng bè; đảm bảo an toàn cho các công trình hạ tầng…
Doãn Công - Viết Hảo