Cái chết bí ẩn của một người tố cáo tiêu cực
Chiều 18/12, xác ông Trần Văn Hổ (sinh năm 1953), nguyên phó giám đốc Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL Chi nhánh An Giang được phát hiện nằm dưới sông. Cái chết bất ngờ này làm người dân An Giang không khỏi hoài nghi, bởi ông Hổ chính là người đã tố cáo những sai phạm của ông Phan Văn Phụng, Giám đốc Ngân hàng nói trên.
Người thì cho rằng ông tự tử, nhưng phần lớn dư luận lại nghiêng về phía ông Hổ có khả năng bị sát hại do liên quan đến những lá đơn tố cáo ông Phụng. Nội dung đơn tố cáo của ông Hổ xoay quanh các vấn đề sau:
Cho vay vốn bất chấp hiệu quả
Được thành lập vào khoảng cuối năm 1999 và là đơn vị trực thuộc hệ thống Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (tên giao dịch là MHB), MHB An Giang dưới sự lãnh đạo của giám đốc Phan Văn Phụng đã để xảy ra hàng loạt sự việc khuất tất. Đặc biệt là việc cán bộ, nhân viên của đơn vị này liên tục gửi đơn đến các ngành chức năng để tố cáo giám đốc Phan Văn Phụng.
Mặc dù hầu hết những lá đơn tố cáo ông Phụng đều thể hiện dưới dạng nặc danh, nhưng dư luận đều biết rất rõ ông Hổ là một trong những người tiên phong dám nêu lên sự thật trước những việc làm khó hiểu của ông Phụng. Sở dĩ ông Hổ làm đơn tố cáo ông Phụng vì giữa 2 người từ lâu đã “bằng mặt nhưng không bằng lòng” từ những ngày đầu tiên thành lập ngân hàng này. Tuy nhiên, phải đến khi ông Hổ chuyển đến làm việc tại MHB tại TPHCM, thì mọi việc mới được phơi bày khi đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh An Giang vào cuộc ngày 29/6/2005. Sau hơn một tháng thanh tra, đoàn thanh tra đã phát hiện trong thời gian giữ chức vụ giám đốc, ông Phụng đã để thất thoát hàng tỉ đồng từ những hợp đồng cho vay không hiệu quả, chi nhiều khoản sai nguyên tắc.
Khoái ai thì ký cho vay
Trong quá trình giải quyết cho các doanh nghiệp vay vốn, ông Phụng được xem là người “khoái” ai thì ký cho vay. Điển hình là trường hợp của bà Huệ Khanh đến MHB An Giang vay 3 lần, nhưng có đến 2 lần vay gần 1 tỉ đồng chỉ với một mục đích sử dụng là “sửa chữa, kinh doanh nhà hàng nổi”. Mặc dù trước đó, UBND tỉnh An Giang đã có Công văn số 690/CV-UB ngày 9/ 4/ 2001 yêu cầu ngừng ngay việc kinh doanh nhà hàng nổi của bà Khanh. Trả lời với báo chí, ông Phụng cho rằng bản thân ông rất “khoái” mô hình nhà hàng nổi của bà Khanh nên đồng ý cho vay.
Không dừng lại ở đó, ngày 15/3/2002, MHB An Giang đã chấp nhận cho DNTN Thiên Lợi 1 vay 5 tỉ đồng, thời hạn 36 tháng, mục đích để sửa chữa, nâng cấp nhà máy xay xát. Thế nhưng, đoàn thanh tra đã phát hiện doanh nghiệp này giải ngân một lần không đúng tiến độ dự án, sử dụng vốn sai mục đích. Mặc dù doanh nghiệp này báo cáo kết quả kinh doanh năm 2003 lãi gần 900 triệu đồng, nhưng MHB An Giang không thu được nợ.
Lấy đất công xây nhà riêng
Ngoài ra, trong đơn tố cáo còn nêu rõ ông Phụng là người luôn biến của công thành của riêng mình. Cụ thể, tháng 2/2001, trong quá trình xây dựng chi nhánh MHB tại huyện Châu Phú, ông Phụng cho xây luôn nhà mình trên phần đất của ngân hàng. Dự toán ban đầu khi xây dựng chi nhánh Châu Phú chỉ hơn 1 tỉ đồng, nhưng khi quyết toán, dự án này được “nâng” lên thành 1,6 tỉ đồng. Chỉ sau vài tháng đưa vào sử dụng, dự án này đã bị xuống cấp phải sửa chữa lại với kinh phí hàng trăm triệu đồng.
Điều khó hiểu là, với hàng loạt những sai phạm ở MHB An Giang, nhưng không hiểu sao đoàn thanh tra chỉ đề nghị giám đốc MHB An Giang và các chi nhánh trực thuộc “rút kinh nghiệm” khắc phục hạn chế, tồn tại để nâng cao hiệu quả công tác và phát triển kinh doanh.
Về cái chết đột ngột của ông Hổ, chiều 20/12, ông Bùi Bé Năm, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Điều tra, cho biết: Mặc dù đã có vợ con, nhưng từ năm 2000 đến nay, ông Hổ có mối quan hệ như vợ chồng với cô N.T.T.L (1974), ngụ tại xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên. Kết quả là 2 người có chung một con gái 4 tuổi. Cứ cuối tuần làm việc, ông Hổ từ TPHCM về Long Xuyên để thay phiên thăm... bà lớn lẫn bà nhỏ.
Tối 17/12, sau khi ghé thăm cô L. và nhậu với bạn bè tại đây, ông Hổ dùng xe gắn máy ra về và đã bất cẩn lao xuống sông cùng với chiếc xe. Khám nghiệm tử thi cho thấy, toàn thân ông Hổ không có dấu hiệu tác động từ bên ngoài. Trong phế quản của nạn nhân có chứa nước và dị vật (bùn).
Trao đổi với báo chí chiều 20/12, ông Phan Văn Phụng nói: “Dù sao anh Hổ cũng qua đời rồi, tôi không muốn nhắc lại mối quan hệ của chúng tôi làm gì. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng tôi luôn đối xử với anh ấy rất tốt. Ngược lại, do bị người khác tác động nên anh Hổ đã thù hận tôi. Tôi biết anh ấy làm đơn tố cáo tôi nhưng lại không dám “ra mặt” ký vào những lá đơn đó. Tôi là người sống rất quân tử. Mặc dù biết anh ấy có vợ hai, nhưng tôi không bao giờ đi rình mò để trả thù anh ấy!”.
Theo Người Lao Động