Đồng Tháp:
Cải cách hành chính không làm theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”
(Dân trí) - Trong cải cách thủ tục hành chính, Đồng Tháp xem dân và doanh nghiệp là “thượng đế”, từ đó cán bộ tận tình hướng dẫn phục vụ người dân. “Công việc này phải làm đến nơi đến trốn, đảm bảo người dân, doanh nghiệp hài lòng, không làm theo kiểu “đánh trồng bỏ dùi” - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương chia sẻ.
Nhiều năm liền chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Đồng Tháp luôn nằm trong top đầu. Năm 2018, chỉ số cải cách hành chính tỉnh Đồng Tháp xếp thứ 3 cả nước, tăng 11 bậc so với năm 2017. Kết quả đó là sự nỗ lực của tập thể cán bộ các cấp, ngành của tỉnh Đồng Tháp.
Liên quan câu chuyện cải cách hành chính ở tỉnh Đồng Tháp, PV Dân trí đã có buổi trao đổi trực tiếp với ông Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp về vấn đề này.
Theo dõi cán bộ giải quyết thủ tục hành chính bằng “sổ bìa đỏ”
- Phóng viên: Nhiều năm liền Đồng Tháp nằm trong top đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tăng 11 bậc chỉ số cải cách hành chính, đâu là “bí quyết”?
- Ông Nguyễn Văn Dương: Cùng với mong muốn cải thiện thứ hạng chỉ số PCI, tỉnh quyết tâm thực hiện cải cách hành chính để tiếp tục khẳng định chủ trương chuyển từ chính quyền quản lý sang phục vụ.
Kết quả, đã rà soát, đơn giản hoá 286 thủ tục, dự kiến tiết kiệm được khoảng 44 tỷ đồng/năm. Rút ngắn thời gian giải quyết trên 500 thủ tục hành chính, trong đó có những thủ tục đã rút ngắn đến 2/3 thời gian.
Đồng Tháp còn là địa phương tiên phong chuyển giao cho bưu điện thực hiện các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công, đến nay đã triển khai giai đoạn 3. Nhân rộng, mô hình giải quyết thủ tục hành chính lưu động vào các ngày nghỉ cuối tuần,… Nhờ đó, nâng chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, giảm thời gian đi lại, chi phí cho người dân.
Riêng các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện mô hình giải quyết thủ tục hành chính “4 tại chỗ”. Các thủ tục về thành lập/hoạt động doanh nghiệp sẽ được Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện trong một ngày làm việc thay vì 3 ngày như trước đây.
Có lẽ, một trong những “bí quyết” quan trọng là luôn nhất quán xem doanh nghiệp là bạn đồng hành, là động lực của quá trình phát triển. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cầu thị, xem doanh nghiệp như nhà tư vấn.
Năm 2019, tỉnh sẽ thực hiện đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương. Thông qua đó, chúng tôi muốn lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp. Chỉ khi nào những ách tắc dù là nhỏ nhất được khơi thông thì mới tạo được niềm tin và mang lại sự hoạt động ổn định cho doanh nghiệp.
- Được biết tỉnh có kênh riêng để theo dõi tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao. Các sở ngành, đơn vị, địa phương mà chậm trễ liền bị nhắc nhở, vô sổ “bìa đỏ” trên hệ thống. Hệ thống đã vào nề nếp thế nào? Cấp dưới có phàn nàn ông quá khó với họ không?
- Khi bước vào sảnh của UBND tỉnh, chúng ta dễ dàng nhìn thấy màn hình tivi mà có thể tạm gọi vui là “sổ bìa đỏ”. Vì đây là nơi thống kê, cập nhật và hiển thị tiến độ thực hiện nhiệm vụ, ai làm chưa tốt, chậm trễ sẽ bị nêu tên, gạch đỏ.
Hằng tháng, văn phòng cũng rà soát, tham mưu thường trực UBND tỉnh biểu dương đơn vị làm tốt cũng như nghiêm khắc phê bình những đơn vị làm chưa tốt bằng văn bản. Qua theo dõi, tôi thấy gần đây tình trạng trễ hạn đã được khắc phục.
Tôi nghĩ rằng, bất kỳ việc gì cũng vậy, sẽ có nhiều ý kiến khác nhau nhưng trên hết vẫn là nền hành chính phục vụ, mang lại sự thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tôi rất vui khi anh em đã lắng nghe và khắc phục nên giờ mọi việc đã đi vào nề nếp, quy củ. Đến nay chưa anh em nào phàn nàn sao ổng khó quá (cười).
Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Dương tham quan mô hình kinh tế cũng như nắm bắt, giải quyết vướng mắt cho người dân, ảnh VÂN KHÁNH.
- Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và DN, bằng cách nào để nắm bắt những phản hồi của người dân, doanh nghiệp một cách hiệu quả?
- Dĩ nhiên trong thực thi công vụ không tránh khỏi sai sót. Quan trọng là sai sót đó được phát hiện kịp thời, có sự chấn chỉnh thấu tình đạt lý. Để công chức chúng ta dù có bị phê cũng không ức chế mà dân cũng hài lòng.
Trước đây, việc tiếp nhận phản ánh của người dân chỉ được thực hiện thông qua các kênh truyền thống như: Cổng Thông tin điện tử tỉnh, email, điện thoại, đường bưu chính, tiếp nhận thông qua phản ánh của báo chí,…
Cách đây gần 4 năm, tôi đã chỉ đạo mở thêm kênh tiếp nhận qua facebook. Đến nay, có gần 1.800 ý kiến được tiếp nhận, dù là lớn hay nhỏ cũng được giải quyết đến nơi đến chốn vì đó là những vấn đề bức xúc của tổ chức, cá nhân.
Qua đó không chỉ tiếp nhận ý kiến phản ánh khó khăn, đóng góp xây dựng chính quyền mà còn kịp thời chấn chỉnh những bộ phận làm chưa tốt, làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp hay người dân. Khi có vấn đề vướng mắc, doanh nghiệp có thể liên hệ với bộ phận giúp việc hoặc trực tiếp với tôi để được tháo gỡ.
Sắp tới đây, tổng đài 1022 của tỉnh sẽ đi vào hoạt động. Thay vì mỗi đơn vị, địa phương tự tiếp nhận ý kiến phản ánh thì tổng đài 1022 sẽ tiếp nhận ý kiến của tổ chức, cá nhân và chuyển đến các đơn vị liên quan để giải quyết.
Tôi cho rằng, chính việc minh bạch thông tin như thế sẽ góp phần tạo dựng lòng tin, tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp về nơi mình lựa chọn đầu tư.
Cải cách hành chính… “không đánh trống bỏ dùi”
- Việc mở kênh là một lẽ, việc giải quyết đến cùng “không đánh trống bỏ dùi” mới là quan trọng? Ông có thể nêu ra một số vụ việc cụ thể ?
- Đúng vậy! Chủ trương tiếp nhận ý kiến phản ánh qua mạng xã hội đã thực hiện gần 4 năm. Đến nay đã lan rộng đến các sở, ngành và địa phương cũng lập Facebook để trực tiếp tiếp nhận ý kiến phản ánh đã phần nào nói lên được hiệu quả của nó.
Tôi còn nhớ cách đây gần 2 năm có tiếp nhận phản ánh của độc giả huyện Châu Thành phản ánh Bộ phận một cửa trả hồ sơ nhiều lần, gây phiền hà cho người dân.
Sự việc được ngành chức năng vào cuộc giải quyết. Tuy nhiên độc giả vẫn chưa hài lòng, tiếp tục gửi thư phàn nàn. Sau đó, tôi lại tiếp tục chỉ đạo các ngành làm rõ những vấn đề người dân chưa hài lòng.
Đồng Tháp cũng là một trong những tỉnh tiên phong tháo tấm kính ngăn tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
- Ông khuyến khích cán bộ, lãnh đạo địa phương thường xuyên đi cơ sở. Vậy việc cân đối thời gian họp sao cho khoa học, không lê thê, Đồng Tháp có những biện pháp gì ?
- Để có thời gian đi cơ sở thì các cuộc họp phải được rút ngắn. Do vậy, UBND tỉnh đã có chỉ đạo, các cuộc họp không đọc báo cáo “lê thê”, tài liệu được gửi trước qua email, sử dụng trình chiếu tại cuộc họp để đại biểu nhanh chóng nắm bắt vấn đề, đồng thời quy định thời gian phát biểu, gom nhiều vụ việc để xử lý, vụ việc phải được thống nhất cho ý kiến trước ở cơ sở, cấp huyện, sở mới đem ra bàn ở cấp tỉnh.
Ngoài ra, tôi cũng chỉ đạo văn phòng mời đích danh cấp trưởng đối với những cuộc họp quan trọng, cần có ý kiến quyết định ngay tại cuộc họp. Nếu vắng phải xin phép và có lý do chính đáng bởi có những sự việc cấp phó không thể quyết định ngay mà phải về xin ý cấp trưởng, lại tốn thêm thời gian.
Tôi nghĩ rằng, việc họp và đi thực tế phải song hành. Có những sự việc nếu chỉ ngồi trong phòng họp thì không giải quyết được mà cần đi thực tế để nắm bắt tình hình. Ngược lại sau những chuyến đi thực tế, nắm bắt những vấn đề khó khăn tại cơ sở khi chưa quyết ngay được thì cần họp lại để bàn bạc và giải quyết thấu đáo.
- Bên cạnh những việc làm được nhưng chắc hẳn ông cũng còn nhiều tâm tư những cái chưa làm được? Ông có thể chia sẻ thêm?
- Mặc dù đã rất nỗ lực nhưng vẫn còn một số địa phương để xảy ra tình trạng gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức, công dân. Vẫn còn hồ sơ trễ hẹn, quá hạn và chưa thực hiện tốt việc gửi thư xin lỗi khi hồ sơ trễ hẹn.
Tôi hiểu và chia sẻ với các ngành, địa phương những khó khăn về nhân sự, về quy trình phối hợp nhưng tôi cũng nói với các anh em là chúng ta đã ban hành quy định cụ thể về thời gian giải quyết đối thì tuyệt đối phải tuân thủ, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng hồ sơ trễ hẹn.
Từng cán bộ, công chức phải đặt mình vào vị trí của người dân, phải thấu hiểu rằng, mọi sự chậm trễ đều làm mất đi cơ hội và tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
192 ngày/66 tháng (đạt 290%) là số ngày mà lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp dành ra để tiếp công dân kể cả định kỳ và đột xuất. Tức trung bình cứ 10 ngày lãnh đạo tỉnh sẽ có 1 ngày để tiếp công dân.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng,… từ năm 2012 đến tháng 6/2017.
Nguyễn Hành ghi