1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Cái bang” Campuchia: Đến hẹn lại... có mặt!

Khác hẳn với những "cái bang" người Việt nằm lê lết trên mặt đường hoặc chân tay băng bó bằng những mảnh vải bẩn thỉu, loang lổ những vệt máu đã khô, kéo theo ruồi nhặng vo ve, miệng rên rỉ lạy ông đi qua lạy bà đi lại, diễn xuất "nhuyễn" đến nỗi nhiều ngôi sao điện ảnh cũng phải gọi bằng “cụ” thì Bopha cùng Srươn chỉ ngồi im lặng, chỉ có thằng bé Narith cầm cái nón vải, xin tiền người qua đường.

1.Chị tên là Bopha, quê ở huyện Peam Ro, tỉnh Prey Veng, Campuchia.

Tôi gặp chị lần đầu vào sáng 25 tháng Chạp năm Giáp Ngọ tại bãi đất trống cạnh nhà tôi. Nhìn chị, tôi đoán chị chỉ khoảng 35 tuổi, khỏe mạnh chứ không ốm yếu hom hem, cũng chẳng giả què, giả mù như những người ăn xin khác. Chị mặc một chiếc quần màu nâu, áo in hoa vàng đỏ, đầu quấn khăn "cà ma", vai đeo túi vải. Thấy tôi, chị vội vã xếp những mảnh bìa các tông mà đêm qua, hẳn là nó đã được dùng làm "giường" vào một góc, miệng bập bẹ tiếng Việt: "Ngủ thôi, không làm gì bậy bạ đâu".

Ngoài chị, còn có hai đứa bé, một chừng ba tuổi tên Narith mà chị nói là con chị, đứa kia chưa đầy một tuổi, con của người bạn tên Srươn. Theo chị, Srươn là người cùng làng.

Hồi đầu tháng Chạp, biết là sắp đến Tết cổ truyền của người Việt, chị cùng Srươn người ẵm, người dẫn con, đi bộ từ Peam Ro qua Mộc Hóa, tỉnh Long An, vừa đi vừa xin ăn. Chị nói: "Người Việt tốt lắm. Cho cơm, cho nước, có người còn cho tiền, tối cho ngủ nhờ ở trước hiên nhà". Tôi hỏi những người như chị, sang Việt Nam có nhiều không? Chị lắc đầu: "Không biết đâu, chỉ biết ở làng tôi thôi, chừng 20 người". Tôi hỏi tiếp, rằng trước giờ chị đã qua Việt Nam ăn xin lần nào chưa? Chị đáp: "Ba lần rồi. Cứ gần tết là qua. Tết xong chừng 15 ngày thì về".

Đến thành phố Tân An, tỉnh Long An, chị và Srươn chọn chân cầu Tân An làm nơi "hành nghề". Khác hẳn với những "cái bang" người Việt nằm lê lết trên mặt đường hoặc chân tay băng bó bằng những mảnh vải bẩn thỉu, loang lổ những vệt máu đã khô mà có trời mới biết nó là máu người hay máu heo, hay ruột cá, kéo theo ruồi nhặng vo ve, miệng rên rỉ lạy ông đi qua lạy bà đi lại, diễn xuất "nhuyễn" đến nỗi nhiều ngôi sao điện ảnh cũng phải gọi bằng “cụ” thì Bopha cùng Srươn chỉ ngồi im lặng, chỉ có thằng bé Narith cầm cái nón vải, xin tiền người qua đường.

Được mấy hôm, dân phòng đuổi, yêu cầu chị phải về lại Campuchia còn nếu không, sẽ bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội rồi cũng sẽ bị trả về Campuchia. Chị cùng Srươn lại lếch nhếch người ẵm, người dắt hai đứa bé lên Bến Lức.

Chiều 23, ngày "ông Táo về trời", chị đến quận Bình Tân. Ba năm qua, đây là địa bàn hoạt động của chị, gồm 3 điểm. Một ở chợ hoa ngay chân cầu Hậu Giang quận 6, một ở mũi tàu Phú Lâm gần công viên và điểm cuối cùng là đoạn đường trước Bến xe miền Tây. Nghe mấy người "đồng hương" kể là ăn xin ở khu vực các hãng xe tốc hành đón khách du lịch đi Campuchia nằm trên đường Phạm Ngũ Lão được nhiều tiền lắm nhưng chị không rành đường. Hơn nữa, rừng nào cọp nấy, ra đó lớ ngớ chưa biết chừng vừa ăn đòn, lại vừa bị lột sạch số tiền xin được.

Tuy nhiên, không phải bất cứ người ăn xin Campuchia nào cũng "ngồi im lặng" đợi lòng từ tâm của khách qua đường mà "nghề dạy nghề", có kẻ cũng chiêu trò ghê gớm lắm. Trước đây, Công an phường 2, quận Tân Bình, TP HCM đã tạm giữ một người đàn ông Campuchia tên Poi, 52 tuổi, sử dụng trẻ em để xin tiền.

Theo đó, được tin báo của người dân, Công an phường 2, quận Tân Bình đã tiến hành kiểm tra Poi khi ông ta bế một bé trai 1 tuổi trên tay, đứng ăn xin ngay trước nhà số 10 đường Phạm Văn Hai, phường 2, quận Tân Bình. Lúc được mời về trụ sở Công an để xác minh, lợi dụng sự bất đồng ngôn ngữ, Poi liên tục có các hành vi phản kháng.

Tại trụ sở Công an phường, Poi khai do ở Campuchia nghèo quá nên đã ẵm "con trai" sang TP HCM ăn xin, nhưng ông ta lại không hề có bất cứ một giấy tờ gì chứng minh đứa bé là con ông ta.

Ngay trong đêm, Công an phường 2 đã tiến hành bàn giao Poi và đứa bé cho Trung tâm Bảo trợ xã hội TP HCM để làm thủ tục trả về Campuchia. Theo một cán bộ ở Trung tâm, Poi là đối tượng chuyên đi lang thang, xin tiền người đi đường ở khu vực quận Tân Bình, từng bị đưa vào Trung tâm vài lần.

Bopha cùng Srươn và 2 đứa con ngồi bên lề đường, ăn những thức
ăn xin được
Bopha cùng Srươn và 2 đứa con ngồi bên lề đường, ăn những thức ăn xin được

2.Có lẽ đã là một quy luật vì năm nào cũng vậy, cứ đến gần Tết Nguyên đán thì quân số người Campuchia đến TP HCM để ăn xin lại tăng lên rồi giảm dần khi tháng Giêng vừa hết. Theo một thống kê chưa đầy đủ trong dịp tết vừa qua, có khoảng 500 phụ nữ và trẻ em Campuchia hành nghề "cái bang" trên đất Sài Gòn mà nguyên nhân chủ yếu là do hoàn cảnh kinh tế. Phần lớn họ xuất phát từ hai tỉnh Svay Rieng và Prey Veng. Có người đi tự phát, đi theo lời truyền khẩu của những người đi trước nhưng cũng có những người phải… đóng tiền mới được đi.

Theo chị Bopha, ở tỉnh lị Prey Veng có mấy "ông lục" - nghĩa là "ông lớn" chuyên làm việc này. Ai muốn đi thì nộp cho họ nửa chỉ vàng, thời gian đi là 60 ngày còn nếu muốn ở thêm thì nộp tiếp nửa chỉ nữa. Bopa nói: "Ông lục biết ở TP HCM có những khu vực nào dễ xin tiền, tối ngủ chỗ nào yên ổn, ít bị công an, dân phòng kiểm tra. Chỗ nào có nước để tắm rửa, giặt giũ, mua cơm ở đâu rẻ…".

Hầu hết người Campuchia ăn xin đều dẫn theo trẻ con. Đứa lớn nhất chỉ khoảng 5, 6 tuổi còn những đứa bé thì hoặc ẵm trên tay, hoặc mới biết bò. Những nhóm "cái bang" ấy thường hoạt động tại cổng khu công nghiệp Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân; ngã tư Trung Chánh, quận 12 và huyện Hóc Môn; ngã tư Nguyễn Trãi, Nguyễn Văn Cừ quận 1; đường Trần Phú, An Dương Vương, quận 5, đường Hậu Giang, chợ Cây Gõ, quận 6 và khu vực cạnh công viên Phú Lâm, bến xe miền Tây cùng một số chùa chiền. Những đứa trẻ bị bắt phơi nắng, hứng chịu mọi khói bụi từ sáng đến chiều tối để khêu gợi lòng thương hại của khách đi đường.

Điều dễ nhận ra nhất là họ đều có nước da màu sẫm, mắt to, tròng trắng lớn. Dù có biết tiếng Việt chăng nữa nhưng họ không bao giờ hé môi, kể cả khi xin tiền, họ cũng chỉ "xum tâu" (cho tiền đi).

Vẫn theo Bopha, mỗi ngày chị và con trai xin được khoảng 200 nghìn đồng. Ăn uống hết 50 nghìn, để dành trăm rưỡi. Sau một tháng, về quê, đổi ra tiền Campuchia chị cũng có được gần 1.000 riel. Tôi hỏi nếu đóng cho "ông lục" nửa chỉ vàng rồi hết 60 ngày, mình giả bộ về quê nhưng lén quay lại ăn xin tiếp thì có sao không? Bopha lắc đầu: "Không được đâu. Ai lén quay lại thì chỉ vài bữa, dù có ở chỗ nào ông lục cũng biết". Tôi hỏi tiếp: "Biết thì ông lục làm gì?". Bopha đáp: "Ổng thu nửa chỉ vàng. Nếu mình qua được 5 ngày thì ổng trừ những ngày đó, mình chỉ được ở lại 55 ngày thôi".

Điều lạ lùng là những người Campuchia ấy, họ chỉ ăn xin ở Việt Nam còn khi về lại quê hương bản quán, họ đi làm mướn hoặc buôn bán lặt vặt. Chị Bopha nói: "Prey Veng nghèo, xin ai cho! Nhiều người dắt nhau ra bến phà Neak Loeung xin nhưng bị Cảnh sát Campuchia bắt, phạt rất nặng" trong lúc ở Việt Nam, họ chỉ bị thu gom rồi trao trả cho phía Campuchia. Nếu vẫn còn đang "trong mùa" làm ăn, về vài bữa họ lại lén qua, xin tiếp bởi lẽ việc qua lại biên giới Việt Nam, Campuchia bằng các lối mòn là việc khá dễ dàng.

3.Sáng sớm 29 Tết, quân số "cái bang" Campuchia ở mảnh đất cạnh nhà tôi đã tăng lên gần 10 người, tất cả đều là phụ nữ và trẻ em. Có lẽ họ chọn nơi này để ngủ vì nó nằm khuất nẻo, lại thêm mấy cây bàng, cây chuối che chắn gió máy. Hơn nữa gần đó còn có một công trình đang xây dựng dở dang, và hai anh thợ hồ ở lại trông coi vật tư cũng dễ tính khi những người phụ nữ Campuchia dẫn con sang xin nước chứa trong cái bồn lớn để uống, thậm chí tắm giặt.

Chiều giao thừa, vợ tôi chuẩn bị hai đòn bánh tét, mỗi đòn 1kg, bảo lát nữa cho họ, tội nghiệp! Thế nhưng hơn 1 giờ sáng mà vẫn chẳng thấy ai về. Tôi đoán có lẽ giao thừa xong, nhiều người Việt có thói quen ra đường đi chùa, hái lộc. Và vì là đầu năm, chuyện cho tiền những người ăn xin là chuyện làm phước nên đội quân "cái bang" Campuchia tranh thủ bám trụ.

Đã có nhiều giải pháp nhằm giải quyết nạn ăn xin, chẳng hạn như thu gom, phân loại. Ai thật sự già yếu, ốm đau, neo đơn sẽ được các trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng. Ai lành lặn sẽ phải về địa phương tìm kế làm ăn nhưng đó là đối với "cái bang" người Việt. Còn "cái bang" Campuchia, cách duy nhất là trả họ về nước nhưng cách này chẳng khác gì bắt cóc bỏ đĩa.

Thế nên vào các dịp lễ tết năm sau, nếu không có những giải pháp và sự phối hợp tích cực giữa chính quyền hai nước, thì "cái bang" Campuchia đến hẹn lại… có mặt!

Theo Vũ Cao

An ninh Thế giới