1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cách đặt tên đầy thú vị của người Jrai

(Dân trí) - Đối với dân tộc Kinh, việc đặt tên như thể một cách gửi gắm những ước vọng tốt đẹp cho con cái sau này. Đối với người Jrai ở Tây Nguyên, việc đặt tên cho con của họ có vẻ như một “cuộc hành trình” tốn công sức và đầy sự thú vị.

Đến với các làng người Jrai ở TP Pleiku hay huyện Ayun Pa (tỉnh Gia lai), bạn có thể dễ dàng được người dân ở đây kể cho nghe câu chuyện cổ về sự ra đời tên của các dòng họ: Người mẹ chung của dân tộc Jrai khi xưa là nàng Hbia (Hkrang), nàng đẻ con ở đâu thì đặt họ cho con giống địa điểm đó: Rahlan và Hiao (dọc đường), K’sor (rẫy bỏ hoang), Nay (đồng bằng), Siu (cây ania rsiu), R’chom (thuộc giống cây râm bụt), R’mah (cây mãng cầu), R’ô (cây tre lồ ô), Kpă (cây kbla),...

Những cái họ đó thể hiện quan niệm đời sống khi xưa gắn bó với thiên nhiên và cuộc sinh đẻ vất vả mà người mẹ phải trải qua, họ sinh con ở ngay chính nơi họ lao động.

Cây đa và tượng của người Jrai thể hiện sự gắn kết với thiên nhiên
Cây đa và tượng của người Jrai thể hiện sự gắn kết với thiên nhiên

Cách đặt tên của người Jrai không chỉ là một suy nghĩ, một hành động mà còn là cả một quá trình. Họ thường không “ngắm nghía” một cái tên có nghĩa đẹp cho con cái. Các nhóm người Jrai như Mơthur, Chor hay Hơdrung đặt tên cho con mình bằng những từ không có nghĩa. Từ này tuy mới nghĩ ra nhưng phải phát âm được bằng tiếng Jrai. Cách đặt tên như vậy phản ánh những quan niệm truyền thống của dân tộc Jrai: tên không có nghĩa sẽ giúp đứa trẻ tránh bị bạn bè trêu chọc dựa trên nghĩa của tên, mặt khác, nó cũng giúp tránh ma quỷ đeo đuổi và thể hiện sự tôn trọng với người đã chết, không gọi lại những cái tên đã có trước đây của họ.

Đối với người Jrai Chor ở làng Bôn Phu Ama Nher (huyện Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), trước khi đứa con được ra đời, cha mẹ phải vất vả đi nghe ngóng khắp nơi trong làng để biết được nhiều cái tên mà tránh. Khi sinh ra, đứa trẻ có khi được nhìn theo dáng vẻ mà được đặt cái tên phù hợp. Mặt khác, nếu phát hiện ở làng khác có người trùng tên với con mình và đang còn sống thì hai gia đình sẽ vui vẻ làm lễ kết nghĩa để những người đó trở thành anh em với nhau.

Thầy K’sor Yin – nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai và - là một người con của làng Bôn Phu Ama Nher, cho biết, vì không được đặt tên trùng và tên có nghĩa nên việc tìm tên ngày xưa khá lâu và khó khăn. Ngoài ra, dù không bắt buộc nhưng nhiều gia đình ở đây đặt tên các con có điểm giống nhau để thể hiện sự khăng khít, ruột thịt như anh em thầy thì có tên là Yin và Yŏ, còn tên của hai con thầy là Koya và Kopami.

Còn khi tìm đến làng Plei Ốp (TP Pleiku), chúng tôi được gặp già làng Puih Sir năm nay tuy đã gần 80 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn, ông vừa ngồi làm những chiếc grang (rổ) - một vật dụng truyền thống làm từ cây tre lồ ô của người Jrai để bắt cá tôm và đựng đồ vật, vừa chia sẻ về cách đặt tên của thế hệ trước: “Ngày xưa mà đẻ đứa con ra là chưa được đặt tên ngay đâu, cha mẹ phải đi hỏi ý kiến họ hàng trong làng ngoài làng các tên nào được, rồi đến khi đứa trẻ được một tháng tuổi thì mới làm lễ đặt tên cho con. Tôi và chị tôi có tên đọc gần giống nhau thể hiện sự gần gũi: Sir và Ngri”.

Đặt tên đã khó như thế vậy mà một số gia đình người Jrai Hơdrung ở Làng Plei Ốp còn giữ một tập tục xưa hơn nữa là đặt tên theo dòng: tất cả những người có họ hàng với nhau phải đặt tên có chữ cái đầu giống nhau. Một chữ cái đầu có khi phải “đẻ” ra chục, ra trăm cái tên, chả thế mà có gia đình nghĩ nát óc cả năm không ra được cái tên đặt cho con.

Đặt tên để gọi là một chuyện, đôi khi viết tên cũng có lắm điều lạ. Khác với một số dân tộc ở Tây Nguyên viết tên trước họ sau, người Jrai cũng viết họ trước tên sau giống người Kinh. Những người Jrai Chor và Jrai Mơthur thêm chữ H’ vào giữa họ và tên để chỉ người con gái. Ngoài ra, người Jrai Mơthur do văn hóa có ảnh hưởng của người Êđê nên một số nơi, khi nói chuyện thì thêm chữ Y vào giữa họ và tên để chỉ người con trai.

Già làng Puih Sir vừa ngồi làm những chiếc grang vừa chia sẻ về cách đặt tên của thế hệ trước
Già làng Puih Sir vừa ngồi làm những chiếc grang vừa chia sẻ về cách đặt tên của thế hệ trước

Mặc dù có những nét độc đáo riêng trong cách đặt tên cho con cháu, người Jrai ngày nay cũng đã có sự tiếp nhận những cái tên của người Kinh thể hiện sự giao thoa văn hóa trong bối cạnh hội nhập. Trưởng thôn Thok của làng Plei Ốp chia sẻ: “Những đứa trẻ trong làng tôi giờ cũng đặt tên như trẻ em Kinh. Chúng tôi vẫn giữ họ của người Jrai nhưng không nhất thiết lấy họ mẹ mà có thể lấy họ khác để dễ gọi. Như con trai tôi được đặt tên là Phục do cháu sinh vào lễ Phục Sinh. Tên này vừa có ý nghĩa ghi nhớ thời điểm nó sinh ra vừa giúp thầy cô và bạn bè khi đi học dễ gọi tên nó hơn”.

Thầy K’sor Yin cho rằng: “Việc tiếp thu những cái tên Kinh là điều tốt và cần thiết để người Jrai chung sống và làm việc thuận lợi trong môi trường nhiều người Kinh. Nhưng cũng có nhiều người Jrai đặt những cái tên nghe khá lạ với người Kinh, học theo tên hãng xe lớn như Suzuki, Yamaha,…; hay có người thì đặt tên theo nhân vật họ thích trong phim Hàn Quốc”. Những cái tên này thể hiện bản tính phóng khoáng, tự do, ngưỡng mộ và đã tiếp xúc, tiếp thu văn hóa nước ngoài của người Jrai trong thời điểm hiện nay.

Tên họ là thứ theo một con người suốt đời. Một cái tên đẹp phần nào giúp chúng ta được tôn trọng và làm việc thông suốt, thuận lợi. Những điều thú vị trong tên họ của người Jrai đã trở thành nét văn hóa độc đáo của dân tộc này. Điều cần làm là dù hội nhập đến đâu thì cũng không hòa tan, dù tiếp thu đến đâu thì vẫn có chọn lọc, những cái họ Jrai khi đi với những cái tên Kinh thì vẫn cần thuận gọi và phù hợp với nền văn hóa bao đời của người Jrai trên mảnh đất Tây Nguyên tươi đẹp này.

Quốc Huy