1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Thành phố Thủ Đức

Cách chức hiệu trưởng đại học hưởng lương "khủng": Áp dụng luật nào?

Phương Thảo

(Dân trí) - Giải thích về căn cứ pháp lý áp dụng trong việc cách chức Hiệu trưởng Lê Vinh Danh của Đại học Tôn Đức Thắng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, việc này chịu sự chi phối của hàng loạt luật…

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trao đổi về nội dung này bên lề hội thảo giáo dục Việt Nam năm 2020 "Tự chủ trong giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn" do UB Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày hôm nay, 27/11.

Vụ việc xảy ra tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, trong đó có vấn đề Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kỷ luật cách chức Hiệu trưởng Lê Vinh Danh sau khi nêu thông tin ông này được nhận mức lương tới hơn 500 triệu đồng/tháng, là chuyện thời sự gây nhiều tranh luận trong xã hội cũng như tại diễn đàn Quốc hội thời gian qua.

Đây cũng là vấn đề nổi lên liên quan đến việc thực hiện chủ trương tự chủ đại học mà không ít tham luận của các chuyên gia gửi tới hội thảo nêu ra. Đây là ví dụ được nhiều đại biểu dẫn chứng để nói về những vướng mắc cần tháo gỡ trong việc thực hiện chủ trương tự chủ đại học.

Cách chức hiệu trưởng đại học hưởng lương khủng: Áp dụng luật nào? - 1
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn trao đổi bên lề hội thảo về tự chủ đại học.

- Từ chuyện xảy ra tại Trường Tôn Đức Thắng, các trường đại học cần làm thế nào để tự chủ đại học đi đúng hướng và đạt hiệu quả như mong đợi, thưa Thứ trưởng?

- Theo tôi có hai điểm, thứ nhất là phải quan niệm đúng về tự chủ đại học, đó là các trường được chủ động quyết định căn cứ theo quy định của pháp luật mà không phải thực hiện cơ chế xin - cho, nhưng không phải tự do nghĩa là không chịu sự ràng buộc nào mà phải trong khuôn khổ pháp luật. Một trường đại học chịu sự chi phối của nhiều luật, như luật đầu tư công, luật đấu thầu, luật quản lý ngân sách và nhiều luật khác nữa. Đây là điểm rất quan trọng.

Bên cạnh đó thì các trường cần thực hiện nguyên tắc dân chủ, công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động, giải trình không chỉ với xã hội mà với nội bộ, cán bộ sinh viên, người học và cơ quan quản lý nhà nước. Công khai, dân chủ là cơ chế để thực hiện trách nhiệm giải trình. Đương nhiên như thế cần xây dựng tốt thiết chế Hội đồng trường.

Trường Tôn Đức Thắng cũng có Hội đồng trường rất lâu rồi nhưng gần đây có xảy ra một số chuyện, xuất phát từ hai điểm tôi vừa nêu.

Nếu thực hiện công khai, dân chủ, nhìn nhận về tự chủ đại học đúng đắn hơn, đúng quy định của pháp luật thì sẽ đảm bảo hoạt động của hệ thống. Các trường ngoài công lập, ngoài tính chất là một trường đại học thì còn là đơn vị sự nghiệp công lập nữa nên có những chi phối của nhiều luật, cần hết sức lưu tâm.

- Như ông nói thì dường như sự lùng nhùng, lúng túng của cơ quan quản lý các cấp trong vận dụng các luật được đề cập mà khó phân định đúng - sai, nhất là trong việc cách chức Hiệu trưởng Lê Vinh Danh của trường đại học rất thành công trong thực hiện cơ chế tự chủ này?

- Hôm nay chúng ta nói về tự chủ đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học, nên vấn đề đó nên hỏi bộ chức năng, cơ quan chủ quản liên quan (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Nội vụ - PV) thì tốt hơn.

- Các đại biểu Quốc hội, trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10 vừa qua thì phân tích, với một trường đại học, cơ sở pháp lý cao nhất để quản lý là luật Giáo dục đại học. Ý kiến của ông, với tư cách lãnh đạo cơ quan quản lý về giáo dục, đào tạo?

- Như tôi đã nói, một đại học, ngoài Luật Giáo dục đại học thì còn chịu sự chi phối của hàng loạt luật khác nữa, đó là các Luật Cán bộ, Công chức, Viên chức, luật Đầu tư công, luật Đấu thầu, luật Quản lý ngân sách, luật Quản lý tài sản công… và cao nhất là Hiến pháp. Các luật này khi vận dụng có sự quan hệ lẫn nhau chứ không chỉ có Luật Giáo dục đại học.

- Về vấn đề này, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, việc cách chức hiệu trưởng trường Tôn Đức Thắng cần phải tuân theo Luật Giáo dục đại học. Ý kiến ông ra sao?

- Luật Giáo dục đại học quy định về việc bầu, công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm chứ không quy định cách chức, hình thức kỷ luật đối với một viên chức như Hiệu trưởng. Cần lưu ý phạm vi điều chỉnh là thế.

Theo tôi, không nên đi sâu vào chuyện trường Tôn Đức Thắng trong buổi hôm nay. Việc này nên hỏi cơ quan chuyên môn, một bộ không nắm hết được.

- Một số tham luận tại hội thảo hôm nay dẫn chứng ví dụ từ trường Tôn Đức Thắng để phân tích về biểu hiện "lợi ích nhóm", lợi ích của "Bộ chủ quản" hay "cơ quan quản lý trực tiếp" đang cản trở tự chủ của các trường đại học?

- Tôi chưa có số liệu về vấn đề này, chưa có minh chứng thì không trả lời được. Câu hỏi đặt ra như vậy chưa có căn cứ chặt chẽ, vấn đề đó chưa khẳng định được. Chưa có cơ sở hay số liệu nào khẳng định điều đó. Các tham luận đó ở đâu, có thể ở một trường cụ thể… thì cứ trích dẫn ở đó thôi. Để tránh rơi vào bẫy thì phải hỏi lại xem họ nêu nhận định căn cứ vào đâu, sau đó mới xem xét, phản biện.

- Nói như vậy nhưng trong trường hợp này, thiết chế Hội đồng trường, cái mà được quy định trong luật là cơ quan có thẩm quyền cao nhất đối với việc quyết định mọi vấn đề của trường đại học thực hiện tự chủ, dường như cũng vẫn chỉ là hình thức. Làm thế nào để thiết chế Hội đồng trường vận hành một cách thực chất, thưa ông?

- Cần thay đổi nhận thức, phải hiểu kỹ quy định của pháp luật, làm đi, hành động đi rồi sẽ thay đổi nhận thức. Một trường mà chưa có Hội đồng trường bao giờ thì nhìn nhận thiết chế này không quan trọng nhưng đã thực hiện rồi thì sẽ thấy Hội đồng trường hết sức quan trọng. Nhất thiết phải làm việc này. Trước nay, các đại học chưa có Hội đồng trường nhưng nay, thực hiện tự chủ thì phải có và phải làm mới thấy thiết chế này quan trọng thế nào.

- Xin cảm ơn ông!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm