1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Các vụ tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài tăng lên đáng kể”

(Dân trí) - Đến tháng 9/2019, có 10 vụ tranh chấp nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước tại trọng tài quốc tế, 22 vụ nhà đầu tư thông báo ý định khởi kiện trong năm 2019, 19 vụ việc khác đang được giải quyết tại các cơ quan tố tụng Việt Nam và 129 vụ việc khác đang được giải quyết.

Theo dự thảo tờ trình Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế đang được Bộ Tư pháp đưa ra bàn thảo, trong điều kiện hội nhập kinh tế sâu rộng, các tranh chấp giữa Chính phủ và nhà đầu tư nước ngoài (ISDS) phát sinh ngày càng nhiều.

Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan chủ trì trong hầu hết các vụ ISDS gần đây và là cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ, đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương, luật sư đại diện cho Chính phủ Việt Nam tham gia và giành thắng lợi, cũng như hoà giải thành tại một số vụ kiện nhất định.

“Các vụ tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài tăng lên đáng kể” - 1

Trụ sở Bộ Tư pháp.

Sức ép rất lớn lên Bộ Tư pháp

Tuy vậy, thực tế Bộ Tư pháp đã gặp nhiều khó khăn khi được giao chủ trì giải quyết các tranh chấp này do hầu như không nắm được các tình tiết vụ kiện cũng như những gì đã diễn ra trong ngành, lĩnh vực liên quan.

Hơn nữa, kể từ khi phát sinh vụ tranh chấp đầu tư quốc tế đầu tiên (năm 2010), số lượng các vụ tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài đã tăng lên đáng kể.

Tính đến tháng 9/2019, theo số liệu thống kê sơ bộ của Bộ Tư pháp, có 10 vụ tranh chấp nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước tại trọng tài quốc tế, 22 vụ nhà đầu tư thông báo ý định khởi kiện trong năm 2019, 19 vụ việc khác đang được giải quyết tại các cơ quan tố tụng Việt Nam và 129 vụ việc khác đang được giải quyết tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

“Cùng với việc số lượng các vụ việc tranh chấp gia tăng, tính phức tạp và nhạy cảm của các vụ việc ngày càng tăng lên. Trước tình cảnh đó, nguồn lực về con người và cơ sở vật chất rất hạn chế của Bộ Tư pháp, với số biên chế ngày càng giảm theo chủ trương tinh giản biên chế của Đảng và Nhà nước, không thể đáp ứng được yêu cầu đảm nhận vai trò chủ trì tất cả các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế”- Bộ Tư pháp cho hay.

Lý giải việc này, Bộ Tư pháp cho rằng trung bình mỗi vụ kiện kéo dài từ 1,5 - 2,5 năm và đòi hỏi ít nhất có 2 cán bộ theo sát từng diễn biến vụ kiện. Trong khi đó nếu tập trung hết nguồn lực cán bộ của Bộ Tư pháp thì không thể đáp ứng được số lượng cán bộ chuyên trách.

Việc Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg quy định Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì trong tất cả các vụ tranh chấp phát sinh trên cơ sở hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư đã không đặt đúng vai trò, trách nhiệm của các địa phương và bộ, ngành đối với việc làm và biện pháp của mình; đồng thời tạo sức ép rất lớn lên Bộ Tư pháp trong bối cảnh số lượng các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế ngày càng gia tăng.

Đứng trước bối cảnh các hội đồng trọng tài đầu tư quốc tế có xu hướng đưa ra phán quyết về số tiền bồi thường cho nhà đầu tư ngày càng lớn, nếu bị kiện, Chính phủ Việt Nam không chỉ tốn thời gian, chi phí cho việc tham gia các vụ kiện mà còn phải đối mặt với những khoản bồi thường rất lớn nếu thua kiện.

Khi đã bị kiện thì nỗ lực của các cơ quan liên quan trong giải quyết tranh chấp chỉ là giảm thiếu tối đa bất lợi cho Chính phủ chứ không thể sửa đổi được những sai sót của các cơ quan liên quan làm phát sinh tranh chấp. Do vậy, vấn đề quan trọng hơn là ngăn chặn các sai sót có thể xảy ra ngay từ quá trình quản lý đầu tư nước ngoài.

“Các vụ tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài tăng lên đáng kể” - 2

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thắng một vụ kiện quốc tế vào năm 2015 (Ảnh minh họa).

Xác định cơ quan chủ trì, ngăn ngừa lộ thông tin

Dự thảo quyết định đề xuất, cơ quan chủ trì vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế là cơ quan có biện pháp bị kiện hoặc bị đe doạ bị kiện. Trong trường hợp có 2 hoặc nhiều hơn 2 cơ quan nhà nước của Việt Nam là cơ quan bị kiện trong một vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế cụ thể, các cơ quan này phải thống nhất để một trong các cơ quan này là cơ quan chủ trì.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo ý kiến khởi kiện mà không thống nhất được cơ quan chủ trì, Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ quan chủ trì trên nguyên tắc cơ quan chủ trì là cơ quan nhà nước có liên quan nhiều nhất và năng lực phù hợp nhất để giải quyết vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế đó.

Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì giải quyết vụ việc tranh chấp phát sinh khi nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ Việt Nam liên quan đến khoản vay, nợ của Chính phủ hoặc khoản vay, nợ được Chính phủ bảo lãnh theo quy định của pháp luật quản lý nợ công; tranh chấp liên quan đến việc áp dụng pháp luật về thuế.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đánh giá, các thông tin, hồ sơ liên quan trong các vụ kiện tranh chấp đầu tư quốc tế là các văn bản thuộc danh mục bí mật Nhà nước, việc sao chép, cung cấp hồ sơ tài liệu là hạn chế.

Thực tiễn giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế cho thấy vấn đề bảo mật thông tin liên quan là đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả từng vụ kiện.

Việc để lộ chỉ một văn bản, tài liệu quan trọng cũng có thể dẫn đến hậu quả vô vùng lớn. Do vậy, dự thảo quy định theo hướng trao quyền cho cơ quan chủ trì quyết định cần sao chép, cung cấp tài liệu nào cho thành viên Tổ công tác cũng như cho cơ quan ngôn luận, báo chí trên cơ sở tính chất của từng vụ kiện cụ thể là phù hợp.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm