1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đại biểu Quốc hội:

Các vị Bộ trưởng cần có những “cánh tay” nối dài

(Dân trí) - “Có những việc ông bộ trưởng không thể làm hết được mà phải có những cánh tay nối dài tại địa phương. Cho nên, Chính phủ phải có đề án quy trách nhiệm ngành dọc, ngành ngang cụ thể”, đại biểu Nguyễn Thị Khá nhấn mạnh.

Tại hành lang Quốc hội chiều nay 18/11, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đã trao đổi với báo chí xung quanh việc Bộ trưởng có nên "vi hành" hay "ngồi nhà làm chính sách".

Đại biểu Nguyễn Thị Khá.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá.


Đại biểu đánh giá như thế nào về một vị bộ trưởng “vi hành” và một vị bộ trưởng “ngồi nhà làm chính sách”?

Làm chính sách thì cũng phải nghiên cứu và đưa ra đề xuất. Nhưng nghiên cứu không đi thực địa thì không sát cơ sở, không biết dân cần gì, muốn gì; thực tế diễn ra như thế nào. Cho nên làm chính sách phải vừa kết hợp đi thực địa và sau đó mới tổng hợp đa chiều từng lĩnh vực, từng địa phương vùng miền mới ban hành chính sách cho phù hợp.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu bộ trưởng có bộ máy giúp việc tốt thì bộ trưởng không phải ra đường, bởi khi bộ trưởng rời đi thì vụ việc lại vẫn y nguyên như cũ?

Đúng vậy, tôi cũng lo ngại chuyện này. Như ngành giao thông, bộ trưởng vi hành tới điểm nóng nào thì chỗ đó được giải quyết, thế nhưng bộ trưởng không đủ khả năng đi hết các vùng, miền mà phải có các cánh tay của mình như thứ trưởng, giám đốc sở để chỉ đạo, phối hợp, nhịp nhàng, đồng bộ. Nghĩa là khi bộ trưởng đưa ra yêu cầu thì các cấp dưới tuân thủ nghiêm ngặt, theo yêu cầu chứ một mình bộ trưởng thì không làm được.

Nhưng Giám đốc Sở thì lại do UBND tỉnh quản lý, nên dẫn tới tình trạng Bộ trưởng muốn nhưng cũng không thể cắt chức được ông Giám đốc đó. Như tình trạng ở Hải Phòng trước đây, Bộ trưởng Giao thông Vận tải muốn cách chức Giám đốc sở nhưng không thể. Chính điều này đã dẫn tới hiệu lực chỉ đạo điều hành của bộ trưởng không cao?

Chính phủ phải làm rõ quản lý ngành, quản lý theo lãnh thổ, quản lý theo ngành dọc thế nào, theo ngành ngang ra sao. Ông giám đốc sở do chính quyền bổ nhiệm, hội đồng nhân dân phê chuẩn. Nên phải quy định rõ trách nhiệm ngành dọc, ngành ngang, không được lẫn lộn.

Tôi đơn cử như quản lý trong ngành y tế rất khó nếu không có sự chỉ đạo của hệ thống dọc về chuyên môn. Còn vấn đề con người, kiểm điểm, trách nhiệm thì là vấn đề của địa phương. Tức là phải có 1 đề án phân rõ, không lẫn lộn, làm nghiêm minh. Không thể đổ lỗi cho trách nhiệm của địa phương, không chấp nhận mệnh lệnh của ngành dọc. Nhưng cũng có những việc ông bộ trưởng không thể làm hết được mà phải có những cánh tay nối dài tại địa phương. Cho nên Chính phủ phải có đề án quy trách nhiệm ngành dọc, ngành ngang cụ thể như thế nào, quy trách nhiệm rõ ràng ra sao. Khi sai phạm chuyên môn trách nhiệm ngành dọc thì cơ quan địa phương phải xử lý.

Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực chuyên môn; còn dưới chính quyền địa phương phải có sự gắn kết. Ví dụ khi Bộ trưởng có văn bản chỉ đạo thì ông Giám đốc Sở chịu sự chỉ đạo của UBND cấp tỉnh; UBND tỉnh phải có văn bản chỉ đạo Giám đốc Sở tuân theo chỉ đạo chuyên môn ngành dọc của bộ trưởng. Muốn xử lý sai phạm nào đó thì phải kết hợp giữa kiểm điểm về chuyên môn và quản lý.

Xin cho biết đánh giá của bà trước tình trạng gần 330 hàm cấp vụ trưởng, vụ phó ở cơ quan trung ương, trong khi trong luật lại không quy định?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đã giải thích trong phần trả lời chất vấn của mình. Đúng là vẫn còn có cơ chế chưa rõ ràng. Ví dụ bộ trưởng đề nghị quy định cứng, chứ không thì còn đi xin. Bộ trưởng chỉ với tư cách làm tham mưu chứ không thể quyết định. Có vấn đề thuộc cấp cao hơn, nhưng cũng có vấn đề thuộc cấp tỉnh. Đã phân cấp mạnh mẽ rồi thì phải tuân thủ rõ ràng hơn, quy trách nhiệm rõ ràng. Nếu trách nhiệm đó của bộ quản lý hay chủ quản hay UBND tỉnh thì phải quy rõ ràng, không nhầm lẫn. Không thể để “quýt ăn, rồi cam chịu”.

Ví dụ, Chính phủ chỉ có thể quản lý cấp thứ trưởng thôi, còn cấp trưởng phòng, vụ trưởng thì bộ chủ quản quản lý. Bộ chủ quản làm sai thì phải bị xử lý.

Theo bà, luật chưa có nên tổ chức nhiều hội nghị “Diên Hồng” để nghiên cứu?

Tôi cho rằng nếu bộ trưởng có ý kiến và Quốc hội cũng lên tiếng thì các cơ quan có thẩm quyền các cấp Đảng, Nhà nước, đoàn thể đang tràn lan phải xử lý vấn đề này. Chức danh này không nằm trong luật nào hết. Bộ Nội vụ làm tham mưu cho Chính phủ, Bộ Chính trị để có chỉ đạo chung. Cái gì không nằm trong luật, cá nhân nào làm sai thì phải xử lý không thì người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm.

Liệu bà có chất vấn Thủ tướng về nội dung này, vì hiện tại nhiều cơ quan Chính phủ cấp hàm khá nhiều?

Tới giờ này đại biểu vẫn chưa nhận được văn bản báo cáo của Chính phủ gửi tới “khoanh vùng” những nội dung có thể chất vấn Thủ tướng, xem ngày mai Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn những lĩnh vực nào. Nếu gửi sớm thì đại biểu sẽ có thời gian nghiên cứu và đặt vấn đề chất vấn vào đúng trọng tâm, trọng điểm, không lạc đề.

Tôi cũng nghĩ hỏi trực tiếp Thủ tướng thì cũng được, nhưng chức danh này không chỉ tồn tại ở cơ quan Chính phủ, mà ngay cả ở cơ quan Quốc hội, Đảng cũng có. Chức danh này chưa quy định trong luật, nhưng áp dụng để tính các chế độ, quyền lợi để đáp ứng giải quyết phần nào khó khăn hay gỡ khó … thì cũng cần làm rõ. Nếu rà soát thì phải thực hiện tổng thể trong phạm vi cả nước, ở tất cả các cấp, ngành, ở cả cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp thì mới có hiệu lực. Nếu cơ quan hành pháp rà soát mà cơ quan lập pháp, tư pháp không làm sẽ dẫn tới sự so sánh, so bì không đáng có.

- Xin cảm ơn bà!

Nguyễn Hiền