1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Các trường hợp nào không được tham gia đoàn thanh tra?

Thế Kha

(Dân trí) - Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì cuộc thanh tra kiểm tra, rà soát để phát hiện các trường hợp không được bố trí tham gia đoàn thanh tra trước khi trình người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra.

Thanh tra Chính phủ vừa công bố dự thảo Thông tư quy định các quy trình nghiệp vụ về thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng để lấy ý kiến góp ý rộng rãi.

Dự thảo quy định những người thuộc một trong các trường hợp sau đây không được tham gia đoàn thanh tra:

Người có cổ phần tại doanh nghiệp là đối tượng thanh tra, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

Có vợ, chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, người phụ trách công tác tổ chức nhân sự, kế toán, thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra;

Người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; chưa hết thời hạn xóa kỷ luật, xóa án tích…

Không được làm trưởng đoàn thanh tra nếu có vợ hoặc chồng, bố, mẹ đẻ, bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng, con, anh, chị, em ruột, anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra.

Các trường hợp nào không được tham gia đoàn thanh tra? - 1

Thanh tra Chính phủ.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra có trách nhiệm kiểm tra, rà soát để phát hiện các trường hợp không được bố trí tham gia đoàn thanh tra trước khi trình người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra.

Trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện có sai phạm thì trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra lập biên bản về việc sai phạm để làm cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp sai phạm của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan không thuộc thẩm quyền xử lý của mình thì trưởng đoàn thanh tra kiến nghị người ra quyết định thanh tra hoặc thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý.

“Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, người ra quyết định thanh tra chỉ đạo đoàn thanh tra tiếp tục thanh tra theo kế hoạch đã duyệt”- dự thảo nêu rõ.

Công khai kết luận thanh tra

Việc công khai kết luận thanh tra theo hình thức quy định tại điểm a khoản 2 Điều 39 của Luật Thanh tra (công bố tại cuộc họp với thành phần bao gồm người ra quyết định thanh tra, đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc tổ chức họp báo) phải được lập biên bản.

Ngoài ra, người ra quyết định thanh tra phải thực hiện một trong các hình thức công khai sau:

a) Thông báo trên ít nhất một trong các phương tiện thông tin đại chúng gồm báo nói, báo hình, báo viết, báo điện tử; thời gian thông báo trên báo nói ít nhất là 2 lần; trên báo hình ít nhất 2 lần phát sóng; trên báo viết ít nhất 1 số phát hành; trên báo điện tử ít nhất là 5 ngày liên tục;

b) Thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp ít nhất là 5 ngày liên tục;

c) Niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra trong thời gian ít nhất là 15 ngày liên tục.

Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật khi có một trong các hành vi: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra; thanh tra vượt quá thẩm quyền; làm sai lệch hồ sơ thanh tra, giả mạo, sửa chữa, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ nhằm kết luận, báo cáo sai sự thật; chiếm đoạt hồ sơ thanh tra; tiết lộ thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra trong quá trình thanh tra…

Người thực hiện giám sát có hành vi bao che cho các hành vi tham nhũng, tiêu cực của trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra thì bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo…