1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Các nước phải xích lại gần nhau hơn trong cuộc chiến chống thảm họa”

(Dân trí) - “Với những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, thiên tai đang có xu hướng khó dự báo hơn và cực đoan hơn trước; vượt quá khả năng ứng phó của mỗi quốc gia, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp quốc”.

Ngày 28/11, tại Đà Nẵng, với vai trò Chủ tịch đương nhiệm Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai (ACDM), Việt Nam đã chủ trì Hội nghị đối tác để thúc đẩy và hỗ trợ thực hiện Hiệp định ASEAN về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp (AADMER).
 
Đây là hội nghị lần thứ 2 được tổ chức tại TP Đà Nẵng. Các đại biểu đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân trong cơn bão Haiyan ở Philippines.

Bà Alicia dela Rosa Bala - Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN; Đại sứ Australia tại ASEAN - ông Simon Merrifield và ông Nguyễn Xuân Diệu - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục thủy lợi - Bộ NN&PTNT cùng tham dự hội nghị.

Ngoài các cán bộ cấp cao đến từ các cơ quan quốc gia về quản lý thiên tai trong khu vực ASEAN, có đại diện hơn 35 quốc gia và tổ chức đối tác tham dự hội nghị; trong đó có Australia, Canada, Ủy ban Châu Âu, Nhật Bản, New Zealand, Mỹ và Anh.

“Các nước phải xích lại gần nhau hơn trong cuộc chiến chống thảm họa”
Hội nghị đối tác Hiệp định ASEAN về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp lần thứ 2 được tổ chức tại Đà Nẵng

Được hoàn thiện vào năm 2005 và thông qua bởi các quốc gia thành viên ASEAN vào năm 2009, AADMER là một "khung xương sống" về quản lý thiên tai trong khu vực. Hiệp định được coi như một khuôn khổ khu vực về hợp tác, điều phối, hỗ trợ kỹ thuật và huy động nguồn lực.

Để đưa Hiệp định AADMER vào hành động, Ủy ban ACDM đã xây dựng chương trình công tác 5 năm (chương trình AADMER 2010-2015). Chương trình công tác được thiết kế để tăng cường năng lực của các quốc gia thành viên ASEAN trong nhiều lĩnh vực khác nhau của quản lý thiên tai; từ đánh giá rủi ro, cảnh báo sớm, giám sát, giảm thiểu rủi ro thiên tai đến phòng ngừa, ứng phó và hồi phục sau thiên tai.

Chương trình công tác AADMER được thực hiện trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đã được thực hiện trong năm 2010-2012 đã đạt được nhiều thành quả, trong đó có việc thành lập Trung tâm ASEAN về điều phối hỗ trợ nhân đạo (trung tâm AHA).

Bước vào giai đoạn 2 thực hiện chương trình công tác AADMER, Ủy ban ACDM bao gồm các cơ quan quốc gia về quản lý thiên tai ở khu vực ASEAN đã báo cáo hoàn thành giai đoạn 1 và những ưu tiên cho giai đoạn hai của chương trình công tác AADMER.

Hội nghị đối tác tập hợp các đối tác của ASEAN đang hỗ trợ ASEAN trong việc thực hiện chương trình công tác AADMER cũng như các đối tác tiềm năng sẽ chia sẻ mối quan tâm chung trong việc xây dựng các quốc gia có khả năng chống chịu thiên tai và các cộng đồng an toàn hơn trong khu vực ASEAN.

Hội nghị sẽ là một kênh truyền thông thể hiện ASEAN là một cộng đồng và là kênh truyền thông cho các đối tác để tìm hiểu hợp tác về quản lý thiên tai với các nước ASEAN.

Để đạt được điều đó, 21 dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2 sẽ chính thức được công bố bởi ASEAN. 21 dự án sẽ được xem xét xây dựng để đạt được một tiến trình tích cực cần phải được để đảm bảo tối đa hóa thành tựu vào năm 2015.
 
Các nước ASEAN cùng chung tay ứng phó với thảm họa thiên tai ngày càng khốc liệt
Các nước ASEAN cùng chung tay ứng phó với thảm họa thiên tai ngày càng khốc liệt

Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Diệu - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục thủy lợi – Bộ NN&PTNT, điểm qua sự tàn phá khủng khiếp của thiên nhiên trong những năm qua và đặc biệt là cơn bãi Haiyan đổ bộ vào Philippines làm hàng nghìn người chết và mất tích, hàng triệu người mất nhà cửa; rồi cơn bão số 15 (bão Balu) đã làm cho nhiều tỉnh miền Trung Việt Nam mưa to gây ngập lụt hàng trăm ngàn ngôi nhà…

“Với những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, thiên tai đang có xu hướng khó dự báo hơn và cực đoan hơn trước đây. Hậu quả đã làm xáo trộn cuộc sống của người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn, vượt quá khả năng ứng phó của mỗi quốc gia và ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp quốc. Thực tế đó đòi hỏi các nước trong khu vực ASEAN nói riêng và trên thế giới nói chung phải xích lại gần nhau hơn trong cuộc chiến chống thảm họa”, ông Nguyễn Xuân Diệu phát biểu.

Còn bà Alicia dela Rosa Bala, Phó Tổng thư ký ASEAN cho rằng, mức độ phá hủy của siêu bão Haiyan đã chỉ ra rằng các nước ASEAN cần thể hiện sự thống nhất một sức mạnh chung, một tiếng nói chung để huy động các nguồn lực dưới sự điều phối của Trung tâm Điều phối hỗ trợ nhân đạo và ứng phó khẩn cấp ASEAN (Trung tâm AHA) và Ban Thư ký ASEAN.

“Bên cạnh đó, cần củng cố hơn nữa các cơ chế đối thoại với các quốc gia, đối thoại cũng như củng cố hơn nữa sự phối hợp, hợp tác với các tổ chức phát triển, các phong trào trên thế giới để ứng phó hiệu quả hơn nữa đối với thiên tai”, bà Alicia dela Rosa Bala phát biểu tại hội nghị.

Công Bính