1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Các nhà báo đã dấn thân, sáng ngời trên mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Điểm lại thành tựu trong nhiệm kỳ vừa qua, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, các nhà báo đã dấn thân, cống hiến, sáng ngời trên mặt trận chống tham nhũng, được dư luận xã hội hoan nghênh.

Chiều 23/12, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức buổi họp báo thông tin về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 2020-2025.

Xây dựng tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam vững mạnh toàn diện

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, đại hội sẽ diễn ra từ ngày 29 đến 31/12 tại Hà Nội. Tham dự đại hội có các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và 533 đại biểu đại diện cho 27.448 hội viên.

Các nhà báo đã dấn thân, sáng ngời trên mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực - 1

Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, phát biểu tại buổi họp báo chiều 23/12 (Ảnh: Nguyễn Trường).

Đại hội lần thứ XI có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Hội Nhà báo Việt Nam; đánh giá việc thực hiện những chủ trương, nhiệm vụ về công tác báo chí nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; xác định phương hướng, nhiệm vụ quan trọng cho nhiệm kỳ 2020-2025; thông qua Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 và Điều lệ Hội (sửa đổi, bổ sung); bầu Ban chấp hành, Ban kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025)…

Bên cạnh đó, đại hội cũng đề ra nhiều phương hướng trong thời gian tới, trong đó tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện, tiếp tục đổi mới và nâng cao vai trò, uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam, góp phần xây dựng nền báo chí Cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại vì lợi ích của đất nước và nhân dân.

Đối với các cấp hội sẽ đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm tập hợp, đoàn kết, động viên toàn thể hội viên, người làm báo, triển khai thực hiện và tuyên truyền có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI của Hội Nhà báo Việt Nam; các cấp Hội tiếp tục rà soát, kiện toàn xây dựng hệ thống tổ chức Hội theo hướng tinh giảm đầu mối trực thuộc Trung ương Hội.

Đại hội cũng đưa ra phương hướng xây dựng đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng về trình độ nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, nâng cao uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt trong Cộng đồng ASEAN.

Với phương châm "Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển", Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, sẽ định hướng cho các cấp Hội Nhà báo Việt Nam và đội ngũ những người làm báo cả nước tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn, vì lợi ích của đất nước và nhân dân, vì đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Các nhà báo đã dấn thân, sáng ngời trên mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực - 2

Quang cảnh buổi họp báo (Ảnh: Nguyễn Trường).

Tinh thần cống hiến của báo chí được dư luận xã hội hoan nghênh

Cũng tại buổi họp báo, nhà báo Hồ Quang Lợi đã điểm lại các hoạt động nổi bật mà Hội, các cấp Hội, các cơ quan báo chí đã thực hiện trong nhiệm kỳ vừa qua.

Cụ thể, nhiệm kỳ vừa rồi là nhiệm kỳ đã thực hiện tinh thần đổi mới sáng tạo theo hướng thiết thực, hướng về cơ sở. Hội đã tổ chức những sự kiện, hoạt động thiết thực nhất, đặc biệt là coi trọng đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho báo giới cả nước; thực hiện 514 lớp bồi dưỡng cho hơn 21 nghìn hội viên...

Bên cạnh đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã đặc biệt coi trọng việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp người làm báo trong hoạt động báo chí. Bởi vì, bên cạnh rất nhiều nhà báo thể hiện tinh thần dấn thân, tinh thần cống hiến, là tấm gương sáng phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng thì vẫn có một bộ phận nhà báo vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong khi làm nghề.

"Điều này đã làm tổn hại đến danh dự của người làm báo chân chính, làm ảnh hưởng vai trò, uy tín của nghề báo với xã hội. Hội Nhà báo Việt Nam luôn luôn coi đây là vấn đề trọng tâm và thực hiện rất nhiều biện pháp để ngăn chặn sai phạm" - ông Lợi trăn trở. 

Cũng theo ông Lợi, điểm nổi bật khác trong nhiệm kỳ vừa qua là tinh thần dấn thân, tinh thần cống hiến sáng ngời của các nhà báo trên mặt trận chống tham nhũng tiêu cực, chống đại dịch covid-19... Tinh thần cống hiến của báo chí được dư luận xã hội hết sức hoan nghênh, nhất các hoạt động quan tâm người yếu thế trong xã hội. Điều này đã thể hiện vai trò, vị thế của người làm báo và tinh thần nhân văn của báo chí.

"Nhìn nhận thẳng thắn và công bằng thì bên cạnh thành tích nổi bật, tốt đẹp thì vẫn còn thiếu sót, hạn chế, khuyết điểm trong hoạt báo chí và các cấp hội. Cụ thể là một số cơ quan báo chí không làm đúng tôn chỉ mục đích, một bộ phận lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi thực hiện hành vi sai trái mà đã bị xử lý bằng luật của hội, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự" - ông Lợi bày tỏ.

Nhấn mạnh thêm về phương hướng sắp tới, nhà báo Hồ Quang Lợi cho biết, Hội sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho người làm báo trong thực hiện chuyển đổi số; làm chủ công nghệ để tỏ rõ sức mạnh, vai trò của báo chí với mạng xã hội, các nền tảng khác.

Bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho người làm báo cần đặc biệt coi trọng việc tiếp tục nêu cao đạo đức nghề nghiệp, coi đây là vấn đề sống còn của hoạt động báo chí. Bởi lẽ, đạo đức làm nghề là nền tảng, là cốt lõi của hoạt động báo chí. Đồng thời, cũng phải xây dựng báo chí vừa giàu tính chiến đấu vừa giàu tính nhân văn.

"Có những lúc tính nhân văn của báo chí đã không được coi trọng đúng mức nên gây nên hệ lụy rất là đáng lưu ý trong xã hội. Cần xây dựng báo chí cách mạng gắn liền với xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó báo chí là một bộ phận của văn hóa, nhà báo là người chuyển tải văn hóa và cũng là người tạo ra văn hóa. Văn hóa phải thấm đẫm trong các tác phẩm báo chí" - ông Lợi gửi gắm.