Nhìn lại quá trình lịch sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam

Ngọc Linh

(Dân trí) - Ngày 23/12, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề: "Hội Nhà báo Việt Nam: Một đội ngũ cách mạng, một sứ mệnh vẻ vang" nhằm chào mừng Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam.

Triển lãm giới thiệu về quá trình lịch sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, đội ngũ người làm báo đã đồng hành cùng dân tộc, đã có nhiều đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nhìn lại quá trình lịch sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam - 1

Hình ảnh cắt băng khai trương trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. 

Đây cũng là dịp để Hội Nhà báo Việt Nam nhìn lại chặng đường lịch sử gần 72 năm ra đời và phát triển (21/4/1950-21/4/2022), nhằm khẳng định và tôn vinh hình ảnh nhà báo - chiến sĩ của đội ngũ người làm báo Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Nhìn lại quá trình lịch sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam - 2

Rất nhiều các tư liệu quý đã được trưng bày tại triển lãm. 

Phát biểu tại sự kiện, Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: "Năm 2020 và 2021, do tình hình dịch bệnh Covid-19, Hội Nhà báo Việt Nam không tổ chức được Lễ kỷ niệm ngày thành lập. Năm nay, trong những ngày cuối cùng của tháng 12, toàn thể Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam trong khắp các vùng miền đất nước đang sôi nổi, tích cực chuẩn bị cho Lễ khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam vào ngày 30/12/2021 sắp tới".

Nhìn lại quá trình lịch sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam - 3

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại lễ khai mạc. 

"Chào mừng sự kiện đặc biệt quan trọng này của báo giới nước nhà, Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam rất hoan nghênh Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức cuộc trưng bày chuyên đề: "Hội Nhà báo Việt Nam: Một đội ngũ cách mạng, một sứ mệnh vẻ vang". Đây cũng chính là tên bộ phim tài liệu dài 30 phút lần đầu tiên về Hội Nhà báo Việt Nam đã được Bảo tàng Báo chí Việt Nam hoàn thiện và vừa được cấp có thẩm quyền thẩm định về chất lượng, nội dung để kịp trình chiếu rộng rãi trong những ngày tổ chức Đại hội XI và hướng tới Kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam", ông nói.

Nhìn lại quá trình lịch sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam - 4

Các vị khách mời, nhà báo, phóng viên đã xem bộ phim tài liệu "Một đội ngũ cách mạng, một sứ mệnh vẻ vang".

Cũng trong lễ khai mạc triển lãm, các vị khách mời, nhà báo, phóng viên đã xem bộ phim tài liệu "Một đội ngũ cách mạng, một sứ mệnh vẻ vang" nói về lịch sử của Hội nhà báo Việt Nam, khơi gợi tinh thần "nhà báo là chiến sỹ" nêu bật vai trò của người làm báo qua các thời kỳ.

Nhìn lại quá trình lịch sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam - 5

Những hiện vật quý giá của các nhà báo đi trước được sưu tầm và trưng bày tại triển lãm. 

Nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết bộ phim dài 32 phút, là sự nỗ lực của Bảo tàng Báo chí Việt Nam cùng với sự hỗ trợ của Truyền hình Nhân Dân và các đơn vị liên quan. Bộ phim có nhiều tư liệu và hình ảnh quý giá, lần đầu tiên được công bố.

Nhìn lại quá trình lịch sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam - 6

Lễ dâng hoa tưởng niệm các nhà báo đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì sự nghiệp báo chí Việt Nam ngay tại triển lãm. 

Bộ phim sẽ được trình chiếu trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam đồng thời phát sóng trên các kênh của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương để phục vụ công chúng.

Nhìn lại quá trình lịch sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam - 7

Nhà báo Lê Quốc Trung (Nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) tặng chiếc máy ảnh trong sự nghiệp làm báo của ông cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. 

Tại triển lãm, một số hiện vật quý, tiêu biểu được trưng bày bao gồm: Sổ tay ghi chép của nhà báo Nguyễn Tường Phượng; bộ ký giả của nhà báo Xuân Thủy sử dụng tại Đại hội lần thứ II năm 1959; bộ bàn ghế mây của nhà báo Hoàng Tùng; áo trấn thủ của Phó Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân Trần Công Mân do đồng nghiệp từ Bulgaria tặng; tài liệu họp báo quốc tế của phái đoàn Việt Nam tại Paris thời kỳ 1968-1973...

Nhìn lại quá trình lịch sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam - 8

Bộ ký giả của nhà báo Xuân Thủy sử dụng tại Đại hội lần thứ II năm 1959. 

Cùng với các hiện vật gốc về Hội Nhà báo Việt Nam trong 7 thập kỷ hình thành và phát triển, các hội viên, nhà báo và công chúng cả nước sẽ có dịp ôn lại những chặng đường lịch sử của đất nước, của báo chí nước nhà, qua đó hiểu hơn về những năm tháng làm báo gian nan, vất vả, nhiều mất mát, hy sinh nhưng cũng đầy vinh quang và tự hảo của các nhà báo lớp trước.

Được biết, triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 6/1/2022 tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, phố Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.