1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tọa đàm “Báo chí về đề tài chiến tranh”:

"Các nhà báo cách mạng Việt Nam luôn nâng niu và gìn giữ hòa bình!"

(Dân trí) - Chúng ta trân trọng, lưu giữ những kinh nghiệm làm báo trong chiến tranh, nhưng không mong muốn lại phải sử dụng một lần nào nữa. Vì dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam, các nhà báo cách mạng Việt Nam luôn nâng niu, khao khát và gìn giữ hòa bình!

Sáng nay 25/4, Báo Quân đội Nhân dân tổ chức buổi tọa đàm “Báo chí về đề tài chiến tranh - kinh nghiệm sử dụng các thể loại báo chí trong kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc ở Việt Nam”.

Buổi tọa đàm Báo chí về đề tài chiến tranh: Vì dân tộc, vì nhân dân Việt Nam.


Buổi tọa đàm "Báo chí về đề tài chiến tranh": Vì dân tộc, vì nhân dân Việt Nam.

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ khoa học quốc tế “Báo chí về đề tài chiến tranh” do Hội Nhà báo Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội Nhân dân và truyền hình Viettel phối hợp tổ chức. Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015) và hướng tới 90 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2015).

Ban tổ chức Tọa đàm đã nhận được gần 20 tham luận, trong đó có 15 tham luận được trình bày trực tiếp, đã cho thấy trách nhiệm và tâm huyết xung quanh chủ đề “Báo chí về đề tài chiến tranh, kinh nghiệm sử dụng các thể loại báo chí trong kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc”. Các ý kiến đó được chuẩn bị chu đáo, trình bày ngắn gọn; được minh họa bằng các hình ảnh, tư liệu thực tế sinh động.

Buổi tọa đàm Báo chí về đề tài chiến tranh: Vì dân tộc, vì nhân dân Việt Nam.


Nhà báo chiến trường Vũ Bằng (áo trắng) năm nay đã 86 tuổi, chia sẻ kinh nghiệm làm báo thời chiến tranh.

Từ kinh nghiệm thực tiễn của mình, các nhà báo chiến trường của Báo Quân đội nhân dân đã cho thấy rõ cách sử dụng và phát huy cao nhất các thể loại báo chí trong chiến tranh. Tin tức, phản ánh, phóng sự, ký sự, bình luận quân sự, ảnh, thơ châm biếm, đả kích... được sử dụng linh hoạt, sáng tạo, tận dụng được hiệu quả của từng thể loại báo chí cũng như mối quan hệ hữu cơ, mật thiết giữa các thể loại đó với nhau.

Hơn nữa, sự linh hoạt, sáng tạo của tòa soạn ngay tại chiến trường cũng như ở hậu phương phía sau, với phương pháp khai thác thông tin, biên tập, trình bày chính xác, hoa học, kịp thời... đã giúp cho tác phẩm báo chí của phóng viên chiến trường đến với bạn đọc chính xác hơn, nhanh hơn, hấp dẫn hơn. Và kết quả là đã xuất hiện những số báo Quân đội nhân dân phản ánh về chiến tranh chân thực, tin cậy, lôi cuốn bạn đọc, qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục, động viên quân và dân cả nước hăng hái chiến đấu, lao động sản xuất thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước.

Buổi tọa đàm cũng nhận được nhiều tiếng nói, thẳng thắn, tư duy khoa học của các đại biểu quốc tế.


Buổi tọa đàm cũng nhận được nhiều tiếng nói, thẳng thắn, tư duy khoa học của các đại biểu quốc tế.

Tại cuộc tọa đàm, những tiếng nói thẳng thắn, có trách nhiệm, tư duy khoa học của đại biểu đến từ Hoa Kỳ và Hàn Quốc giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện, sâu sắc về truyền thông của đối tượng trong chiến tranh, việc thể hiện những vấn đề an ninh phi truyền thống và chiến tranh hiện đại cũng như trong tương lai.

Kết luận Tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân nhấn mạnh: Cuộc hội thảo chung của Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Tọa đàm, triển lãm ảnh của Thông tấn xã Việt Nam tổ chức ngày 24/4 cùng với Tọa đàm ngày 25/4 của Báo Quân đội nhân dân đã giúp chúng ta có nhiều kinh nghiệm và bài học quý về báo chí trong chiến tranh. Chúng ta trân trọng, lưu giữ những kinh nghiệm làm báo trong chiến tranh, nhưng không mong muốn lại phải sử dụng một lần nào nữa. Vì dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam, các nhà báo cách mạng Việt Nam luôn nâng niu, khao khát và gìn giữ hòa bình!

Tuấn Hợp