Các khu chung cư “bỏ rơi” trẻ em
Đang tiếp khách, chị Minh Huệ, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội) giật mình khi thấy cậu con trai chạy về khóc, tay ôm cục u to tướng ở trán. Thì ra, cu cậu vừa trượt chân ngã ở cầu thang bộ - điểm vui chơi quen thuộc của lũ trẻ tại khu chung cư này.
Bên nhà hàng xóm, đôi vợ chồng mới chuyển đến cũng mới có một phen hết vía khi mất cả buổi tối mới tìm thấy cô con gái 3 tuổi. “Con theo các anh, chị đi chơi thang máy. Thích lắm”, cô bé hồn nhiên.
Những chuyện tương tự đã trở thành nỗi lo thường trực của chị Minh Huệ cũng các bậc phụ huynh khác ở các khu đô thị cao tầng ở Hà Nội, nơi mà địa điểm lý tưởng nhất cho các em chạy nhảy, nô đùa là “hành lang và cầu thang”.
“Các tòa nhà xây san sát thế này lấy đâu sân chơi cho trẻ con. Cả khu đô thị có mỗi quảng trường nhưng cũng chỉ chơi được một lúc buổi tối. Ban ngày sân nóng lắm, không có cây xanh nào cả, toàn gạch với bêtông”, chị Huệ nói.
Sân chơi biến thành điểm kinh doanh
Tại các khu chung cư, tập thể cũ của Hà Nội, khoảng sân của các em cũng mỗi ngày một bé dần. 5h sáng, thời điểm mà mọi người mới lác đác đi tập thể dục thì các khoảng sân khu nhà B, tập thể Giảng Võ (quận Ba Đình), đã sôi động với chợ cóc và các dãy hàng ăn sáng. Phần sân còn lại được dành cho hàng trăm chiếc xe máy gửi qua đêm.
6h chiều, hai anh em Nam và Tài ngán ngẩm vác đôi vợt cầu lông trở về nhà dù chưa đánh được ván nào. “Em thích chơi cầu lông và đá bóng nhất. Nhưng sân thì càng ngày càng bé lại, chẳng còn đủ chỗ nữa. Em xin phép mẹ đi tập bơi ở Trường thể thao 10-10 nhưng mẹ chưa cho vì nhà không có ai đi kèm cả” - Nam buồn rầu.
Ông Cảnh, tổ trưởng dân phố nhà B3 Giảng Võ cho biết, khu tập thể có nhiều hộ chính sách, gia đình liệt sỹ nên tổ đã nhất trí làm đơn xin phép cho những trường hợp này được phép trông giữ xe hoặc bán quà sáng để cải thiện thu nhập. Tuy đã có quy định về thời gian và phần diện tích được phép kinh doanh song trong khi hoạt động các hộ này không tránh khỏi việc lấn chiếm sân chơi của các cháu.
“Thấy bọn nhỏ thiếu chỗ chơi như vậy tôi cũng bức xúc lắm. Chỉ mong khu nhà cũ sớm được xây dựng lại để tổ chức sân chơi riêng cho các cháu chứ với một khoảng đất trống không thôi thì cũng chưa phải là sân chơi đúng nghĩa”, ông Cảnh nói.
Còn ở nhà C1, khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), sau rất nhiều cuộc họp dân phố “sôi nổi” và những nỗ lực không mệt mỏi của các cụ hưu trí, khoảng sân phía dưới nhà không còn là “chợ ẩm thực” nổi tiếng một thời của học sinh phổ thông, sinh viên các trường xung quanh.
Không xây sân chơi vì... không sinh lợi
Dẫu đang trong tình trạng xuống cấp nhưng theo người dân ở các khu tập thể cũ, nếu đem so với các khu đô thị mới như Trung Hòa - Nhân Chính hay Mỹ Đình… thì sân chơi của các em nhỏ ở đây vẫn còn khá thoải mái.
Đề cập đến việc thiếu vắng màu xanh và các công trình vui chơi cho trẻ nhỏ ở quảng trường phía trước tòa nhà 34T, ông Đoàn Châu Phong, Phó tổng giám đốc Vinaconex, đơn vị chủ đầu tư khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, giải thích: “Quảng trường là để cho các cháu trượt patin, hát múa hay sinh hoạt cộng đồng. Cây xanh và những công trình vui chơi thì các trường học, nhà trẻ xung quanh đây đã có rất nhiều rồi”.
Theo ông Phong, đơn vị đang tiến hành dự án xây dựng khu vui chơi giải trí gồm vườn hoa công cộng kết hợp với bể bơi phía sau tòa nhà 34T. Dự án vừa được Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội thông qua.
Ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Quy hoạch Đô thị Việt Nam, trao đổi, vấn đề sân chơi cho trẻ là nhược điểm lớn của các khu đô thị ở nước ta hiện nay. Người dân bỏ tiền ra là để có thể được hưởng những điều kiện tiện nghi nhất, trong đó có sân chơi cho con em họ. Song, điều đó lại mâu thuẫn với lợi ích của các nhà đầu tư.
“Với quĩ đất được cấp, việc dành ra một phần đất, bỏ tiền xây dựng sân chơi có lẽ là quá khó với nhà đầu tư. Vì thế, họ chỉ dành ra một khoảng tối thiểu theo quy định bắt buộc. Những khoảng chật hẹp họ dành ra ấy không thể gọi là sân chơi được”, ông Vạn nói.
Theo ông Vạn, chỉ khi nào quy hoạch của thành phố hoạch định ra được các khu vực không bị tác động bởi kinh doanh thì vấn đề này mới có thể được giải quyết.
Theo Nguyễn Hưng
VnExpress