Các "hiện tượng tôn giáo mới", "tà đạo" đang có xu hướng phát triển
(Dân trí) - Bộ Nội vụ cho rằng "hiện tượng tôn giáo mới", "tà đạo" là những tổ chức sơ khai, không đủ điều kiện để hình thành tổ chức tôn giáo.
Chiều 27/7, Bộ Nội vụ cho biết đã nhận được công văn của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk.
Trong đó, cử tri tỉnh Đắk Lắk đề nghị ban hành hướng dẫn việc xác định chủ thể vi phạm trên lĩnh vực tôn giáo quy định về công tác quản lý "hiện tượng tôn giáo mới", "tà đạo", các hoạt động tôn giáo giảng dạy, sinh hoạt, truyền đạo trên không gian mạng…
"Hiện tượng tôn giáo mới", "tà đạo" là những tổ chức sơ khai
Trong văn bản trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, Bộ Nội vụ cho rằng, quy định tại Khoản 1 Điều 64 và Điều 65 Luật tín ngưỡng, tôn giáo có thể xác định chủ thể vi phạm trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo là tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Trong đó, tổ chức, cá nhân có thể là tổ chức, cá nhân tín ngưỡng, tôn giáo hoặc không phải tổ chức, cá nhân tín ngưỡng, tôn giáo.
Chủ thể vi phạm trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo còn được xác định là cán bộ, công chức khi thi hành công vụ có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo như: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật có liên quan; thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; vi phạm quy định về trình tự, thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo.
"Hiện nay các "hiện tượng tôn giáo mới", "tà đạo" đang có xu hướng phát triển gây ảnh hưởng không tốt trong đời sống xã hội.
"Các hoạt động giảng dạy, sinh hoạt, truyền đạo trên không gian mạng của cá nhân chức sắc, chức việc, nhà tu hành của các tôn giáo mang tính tự phát có tác động lớn đến đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng. Những nội dung đó chưa được quy định cụ thể trong luật và Nghị định số 162/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo", Bộ Nội vụ nêu thực tế.
Cơ quan này đánh giá, "hiện tượng tôn giáo mới", "tà đạo" là những tổ chức sơ khai, không đủ điều kiện để hình thành tổ chức tôn giáo.
Đối với những trường hợp có ảnh hưởng đến xã hội, Bộ Nội vụ chỉ đạo Ban Tôn giáo Chính phủ nghiên cứu, khảo sát thực tiễn và đề xuất chủ trương công tác đấu tranh, quản lý như "Pháp Luân Công", "Thanh Hải Vô thượng sư", "Nhất Quán đạo", "Hội thánh Đức Chúa trời mẹ"…
Với các hoạt động tôn giáo giảng dạy, sinh hoạt, truyền đạo trên không gian mạng, Bộ Nội vụ khẳng định đây là các hoạt động tự phát của cá nhân chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo hình thành trong bối cảnh phòng chống dịch phải cách ly và xu hướng truyền thông đa phương tiện trong kỷ nguyên cách mạng số.
Các hoạt động này về cơ bản thuần túy mang tính chất truyền, giảng đạo cho tín đồ có nhu cầu nhưng không có điều kiện đến trực tiếp các buổi giảng đạo tại cơ sở tôn giáo.
Tuy nhiên cũng có một số đối tượng lợi dụng phương thức này để gây sự chú ý của cộng đồng mạng vì mục đích vụ lợi tuyên truyền mê tín dị đoan, xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo gây bức xúc dư luận.
"Các đối tượng đó đã bị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm thông qua các quy định của pháp luật có liên quan như Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định số 14/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử, Nghị định số 38/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo", Bộ Nội vụ trả lời cử tri.
Hoạt động tạo nguồn thu hợp pháp của các tổ chức tôn giáo
Giải đáp thắc mắc về hoạt động tạo nguồn thu hợp pháp cho các tổ chức tôn giáo, Bộ Nội vụ nêu Khoản 1, Điều 30 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định: "Tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận".
Điều đó cho thấy tổ chức tôn giáo có tư cách pháp nhân và được nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Chính vì vậy, Nhà nước không can thiệp vào hoạt động tạo nguồn thu hợp pháp của các tổ chức tôn giáo mà do các tổ chức tôn giáo tự quy định trên cơ sở nguyên tắc không trái quy định của pháp luật.
"Tuy nhiên với tư cách là pháp nhân phi thương mại, tổ chức tôn giáo còn phải tuân thủ nguyên tắc trong hoạt động là không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận, nếu có lợi nhuận thì cũng không được chia cho các thành viên, theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Dân sự", Bộ Nội vụ nêu rõ.