Khánh Hòa:
Các đơn vị thợ lặn ở Việt Nam “bó tay” lặn tìm 8 thủy thủ mất tích
(Dân trí) - Chiều 14/11, các đơn vị thợ lặn hàng đầu Việt Nam đã được mời về Nha Trang để bàn phương án lặn tìm 8 thuyền viên mất tích nhưng hiện chưa có đơn vị nào đảm nhận công việc này.
Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật đã chỉ đạo Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) tiếp tục duy trì lực lượng tìm kiếm và cần tập trung vào vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu vì khả năng 8 thuyền viên bị trôi dạt xuống đây.
Theo báo cáo, ngoài Vietnam MRCC, lực lượng tìm kiếm trên biển hiện nay bao gồm: Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, Cảng vụ Hàng hải Nha Trang, Công ty Bảo đảm Hàng hải Nam Trung Bộ và các tàu cá của ngư dân đang hoạt động trong khu vực. Trước đó, Vùng 4 Hải quân đóng tại quân cảng Cam Ranh cũng đã điều động máy bay HD6 hỗ trợ tìm kiếm nhưng chưa có kết quả.
Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam cũng đề nghị Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa cần tiếp tục hỗ trợ công tác tìm kiếm, xem xét đến phương án cho người nhà thuê thêm một số tàu cá của ngư dân ra vùng biển hiện trường tham gia tìm kiếm. Tuy nhiên, ông Nhật lưu ý các phương tiện được người nhà thuê để tham gia tìm kiếm phải đảm bảo an toàn, không chở quá 2 đến 3 người.
Ông Nhật cũng cho biết phương án lặn tìm 8 thuyền viên đã được Cục Hàng hải Việt Nam tính đến và đã liên hệ với một số công ty, đơn vị lặn biển ở trong nước. Tuy nhiên, tàu Phúc Xuân bị đắm độ sâu trên 90m nên chưa có đơn vị nào đảm nhận do khả năng của họ là chỉ lặn dưới 50m.
Theo ông Nhật, các thợ lặn chuyên nghiệp ở nước ngoài cũng không thực hiện được ở độ sâu này. Một công ty chuyên lặn biển hàng đầu của Hà Lan khi được Cục Hàng hải đặt vấn đề thì họ đã từ chối sau khi được mô tả về độ sâu và điều kiên thời tiết có gió mùa trên biển.
Từ thực tế trên, Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật nghiêm cấm chủ phương tiện, người nhà tự động thuê thợ lặn để thực hiện. “Ở độ sâu đó không hề đơn giản chút nào, việc lặn xuống đó sẽ rất nguy hiểm và phức tạp”, ông Nhật nhấn mạnh tại cuộc họp.
Theo ông Lương Minh Trí, Phó Giám đốc Công ty TNHH trục vớt cứu hộ Hi Trâm (TP HCM), ở độ sâu của tàu Phúc Xuân 68 không thể thực hiện bằng phương pháp lặn thông thường. Trên thế giới, ở độ sâu trên 60m thì người ta phải dùng đến “hệ thống lặn bảo hòa”. Dù vậy ở Việt Nam hiện nay chưa có hệ thống này, muốn dùng phải thuê từ nước ngoài.
Tuy nhiên, để hệ thống này thực hiện được thì sóng gió trên biển phải êm ả bởi khi hệ thống hoạt động thì nguyên tắc phải đứng yên, không cho phép dao động, di chuyển trên mặt biển. “Với điều kiện sóng, gió trên biển hiện nay thì hệ thống lặn bảo hòa không thực hiện được”, ông Trí nói.
Trước đó, rạng sáng 9/11, sau cú đâm va bất ngờ với một tàu hàng khác khiến tàu Phúc Xuân 68 (trọng tải 1.970 tấn, chở 1.870 tấn thép) bị chìm ngoài khơi vùng biển Nha Trang. 3 thuyền viên may mắn được cứu vớt, hiện còn 8 thuyền viên mất tích được cho là bị kẹt bên trong con tàu.
Viết Hảo