1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hòa Bình:

Các điểm mỏ khai thác cát, sỏi đều xảy ra mất an ninh trật tự

Thế Kha

(Dân trí) - Sau khi được cấp phép, các điểm mỏ khai thác cát, sỏi ở tỉnh Hòa Bình đều xảy ra mất an ninh trật tự. 19 bến bãi tập kết nằm ngoài quy hoạch trong thời gian dài nhưng chưa bị xử lý.

Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi tại tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011-2018 vừa được Thanh tra Chính phủ công khai cho thấy, sau khi được cấp phép, các điểm mỏ đều xảy ra mất an ninh trật tự, người dân tập trung đông người khiếu kiện, có nguyên nhân là do xung đột về lợi ích giữa doanh nghiệp được cấp phép và các cá nhân khai thác cát trái phép.

"Các đối tượng khai thác cát trái phép sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để khai thác trái phép, đối phó với cơ quan chức năng. Nhiều tàu thuyền trôi nổi trên sông, chủ một số bến bãi trên địa bàn tỉnh tranh thủ lợi dụng khai thác trái phép vào ban đêm, khai thác tại các địa bàn, khu vực giáp ranh,… dẫn đến việc kiểm tra, giám sát, xử lý gặp nhiều khó khăn"- kết luận cho hay.

Các điểm mỏ khai thác cát, sỏi đều xảy ra mất an ninh trật tự - 1

Hoạt động khai thác cát, sỏi ở tỉnh Hòa Bình (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp chây ỳ, không hợp tác

Việc di dời các bến bãi quanh khu vực thành phố Hòa Bình hiện nay còn gặp nhiều khó khăn do việc cho thuê đất đối với các doanh nghiệp kinh doanh tập kết vật liệu xây dựng đã được thực hiện từ lâu. Khi thực hiện giải tỏa các doanh nghiệp thường chây ỳ, không hợp tác, không chịu di dời do chưa bố trí được vị trí thích hợp để doanh nghiệp chuyển đến, chưa rõ về chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với các bến bãi phải di dời.

Theo kết luận thanh tra, Dự án khai thác cát của Công ty cổ phần khai khoáng Sahara trong quá trình khai thác xảy ra xung đột với đối tượng khai thác trái phép, ảnh hưởng việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội khu vực khai thác nên đã bị UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu tạm dừng khai thác để khắc phục từ năm 2017. Đến nay công ty đã khắc phục xong nhưng chưa được UBND tỉnh Hòa Bình cho phép hoạt động khai thác trở lại, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Dự án khai thác cát của Công ty TNHH Xây dựng Hùng Yến, quá trình khai thác vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác cát, xung đột với đối tượng khai thác cát trái phép, ảnh hưởng việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội khu vực khai thác, đã bị UBND tỉnh yêu cầu tạm dừng khai thác để khắc phục vi phạm từ năm 2017. Tại thời điểm thanh tra công ty không xuất trình được các biên bản cắm mốc giới của mỏ, quyết định bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ; không có báo cáo quan trắc môi trường định kỳ hàng năm của các năm 2016-2017.

Dự án khai thác cát của Công ty TNHH xây dựng thương mại Xuân Thành còn nợ 87 triệu đồng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường năm 2018.

Có 4 đơn vị tập kết vật liệu xây dựng, xây dựng công trình tại bãi sông, nằm ngoài phạm vi hành lang bảo vệ tuyến đê Ngòi Dong, gồm: Công ty TNHH MTV Quỳnh Hà, Công ty TNHH Tuân Lộc, Công ty TNHH Hường Trang, Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ tận tải Nam Hải.

Có 3 đơn vị làm nhà ngoài phạm vi hành lang bảo vệ đê Minh Trung gồm: Công ty TNHH Việt Hoàng, Công ty TNHH Phú An, Công ty TNHH Gia Bảo.

Các điểm mỏ khai thác cát, sỏi đều xảy ra mất an ninh trật tự - 2

Hoạt động khai thác cát quy mô lớn trên sông Đà gây bức xúc dư luận thời gian dài (Ảnh: Quang Huy).

19 bến bãi nằm ngoài quy hoạch chưa bị xử lý

Kết luận thanh tra cho rằng trong 20 bến bãi thì có 6 bãi chưa được cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ đề điều, vi phạm Điều 25, Điều 26 Luật Đê điều.

Qua kiểm tra của cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình, Thanh tra Chính phủ nhận thấy nhiều bến bãi sử dụng đất vượt quá diện tích được thuê, sử dụng đất ven sông làm nơi tập kết vật liệu xây dựng, xây dựng công trình, đổ phế thải ra lòng sông, gây ô nhiễm môi trường.

Việc ký hợp đồng thuê đất của các hộ gia đình chưa đầy đủ theo quy định của pháp luật đất đai; còn thiếu hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý về chất thải nguy hại, thực hiện việc xử lý chất thải nguy hại chưa thường xuyên.

Giữa năm 2013, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch sử dụng cát, đá, sỏi trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, theo đó chỉ có 1 bến bãi (tại cảng Bến Ngọc) có trong quy hoạch, 19 đơn vị còn lại không có trong quy hoạch.

"Như vậy, việc vẫn còn 19/20 bến bãi tập kết nằm ngoài quy hoạch trong thời gian dài nhưng chưa bị xử lý là chưa thực hiện hết trách nhiệm của cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình"- Thanh tra Chính phủ đánh giá.

Kiểm tra nguồn cung cấp cát tại một số bến bãi, Thanh tra Chính phủ phát hiện khối lượng cát nhập vào các bến bãi chủ yếu từ nguồn các tàu trôi nổi trên sông Đà, mua vào không rõ nguồn gốc.

Tuy vậy việc kiểm tra, phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình về vấn đề này chưa thực sự hiệu quả; chưa có biện pháp hữu hiệu để giám sát, kiểm soát nguồn gốc cát cung cấp cho các bến bãi tập kết trên địa bàn tỉnh. Điều này tiềm ẩn xảy ra thất thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với khối lượng cát tại các bến bãi tập kết.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND tỉnh Hòa Bình xử lý theo quy định đối với vi phạm của các dự án khai thác, các bến bãi tập kết, kinh doanh cát đã được nêu trên; không để xảy ra việc bến bãi chưa đảm bảo điều kiện nhưng vẫn hoạt động tập kết, kinh doanh cát sỏi. Đặc biệt không để bến bãi gây ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ và công tác bảo vệ đê điều.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm