1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Các công trình thuỷ điện lớn chịu được động đất 7-8 độ richter

(Dân trí) - Nếu quá khả năng chịu đựng khi động đất xảy ra, các công trình thuỷ điện có thể bị vỡ đập nước, dẫn đến tai họa khôn lường. Nhà máy thuỷ điện Sơn La - Hoà Bình có thể chịu được động đất 7-8 độ richter.

Trận động đất mạnh 4,1 richter diễn ra trưa qua 26/11 ở Sơn La tuy không ảnh hưởng đến nhà máy thuỷ điện Sơn La nhưng cũng khiến nhiều người lo ngại về khả năng xảy ra những trận động đất lớn hơn trong thời gian tới và độ bền vững của các công trình thuỷ điện đang hoạt động trên toàn quốc.
 
Các công trình thuỷ điện lớn chịu được động đất 7-8 độ richter - 1
Các công trình thuỷ điện lớn có thể chịu đựng động đất mạnh 7-8 độ richter
 
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu, cho biết: xét trên bản đồ địa chất thì vùng núi phía Bắc là khu vực có thể xảy ra động đất mạnh trên 6 độ richter, bởi nơi đây là khu vực tập trung dày đặc các tâm chấn tạo ra các vết đứt gãy sâu.

Theo ông Phương việc cảnh báo sớm động đất vẫn chưa thể thực hiện được ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Nếu người dân đang ở trong nhà cảm được động đất thì mọi người lập tức phải thoát ra ngoài nhanh chóng. Ở tầng cao thì cần tự vệ tại chỗ bằng cách tìm những nơi chắc chắn có khung bao bọc như gầm bàn, khung cửa ra vào, khung tủ để ẩn nấp... tránh xa những nơi nguy hiểm: gần cửa sổ, cửa kính, gương và các vật treo trên tường kệ, tủ, các đồ đạc lớn, cao dễ đổ, khu vực nhà bếp…

Khi động đất mạnh xảy ra có thể phá huỷ các công trình xây dựng (bao gồm cả công trình thuỷ điện) nằm ở tâm chấn có thể bị phá huỷ hoàn toàn hoặc nứt, gãy, sụt… Tuy nhiên theo tính toán của chuyên gia trong nước và quốc tế thì động đất mạnh khó có thể diễn ra tại Việt Nam trong thời gian hàng trăm năm tới.

TS Nguyễn Doanh Oanh, Viện Năng lượng cho hay, theo quy định, các công trình thuỷ điện đều phải thiết kế với những tính toán về khả năng chịu đựng cao khi động đất xảy ra. Vả lại, các công trình thuỷ điện lớn trên toàn quốc, đặc biệt là ở phía Bắc đều được tính toán, thiết kế ở những khu vực khá yên tĩnh về địa chất. Tùy theo quy mô của các công trình thuỷ điện sẽ được thiết kế để có thể đạt đến khả năng chịu đựng động đất cao nhất. Thông thường các công trình lớn đều thể chịu đựng được động đất khoảng 7-8 độ richter.

Đặc biệt, đối với các công trình thuỷ điện mang tính quốc gia như Hoà Bình, Thác Bà, Đa Nhim, Trị An, Tuyên Quang, Thác Bà…việc tính toán về khu vực, phân vùng động đất cũng như sức chịu đựng các chấn động là tối cần thiết. Bởi ngoài chức năng sản xuất điện, đa số các công trình thuỷ điện ở Bắc Bộ đều tham gia điều tiết, cắt lũ trên các sông lớn khi mùa mưa bão đến. Sự an nguy của các công trình thuỷ điện liên quan chặt chẽ đến cả vùng rộng lớn nên mọi hoạt động của các công trình thủy điện ở Bắc Bộ đều nằm dưới sự điều hành của Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão TƯ. Vì vậy, người dân có thể hoàn toàn yên tâm về khả năng chịu đựng của các công trình thuỷ điện.

Tính đến cuối năm 2009, nước ta có 23 công trình trình thuỷ điện vừa và lớn đang hoạt động, với tổng công suất lắp đặt 6.200MW, điện năng sản xuất trung bình khoảng 26 tỷ Wh/năm, khai thác gần 30% tiềm năng kinh tế- kỹ thuật của thuỷ điện ở Việt Nam.
 
P. Thanh