Động đất cấp 4: Sơn La rung chuyển, Hà Nội “lắc lư”
(Dân trí) - 11h50 phút trưa 26/11, trận động đất mạnh cấp 4 đã xảy ra tại tỉnh Sơn La khiến nhiều người dân hoang mang. Thủ đô Hà Nội cũng bị rung chuyển nhẹ.
Ngay sau khi biết động đất, nhiều người đã ôm con cái chạy ra đường để tránh nhà sập. Phải hơn nửa giờ sau, khi không thấy có thêm dư chấn nào nữa người dân mới lục đục về nhà.
Ghi nhận của PV Dân trí tại nhiều khu vực công cộng ở Sơn La, chiều cùng ngày, câu chuyện “đất rung do động đất” được nhiều ngươi dân trao đổi sôi nổi. Bà Tâm, một chủ cửa hàng tạp phẩm ở chợ Sơn La chưa hết hốt hoảng kể: "Tôi đang bán hàng bỗng thấy đất rung chuyển. Lúc đầu không hiểu chuyện gì xảy ra nhưng khi thấy mọi người xung quanh nháo nhác thì tôi cũng chạy ra khỏi quầy. Phải chờ đến khi thật yên tĩnh chúng tôi mới dám quay trở lại".
Đây không phải trận động đất đầu tiên xảy ra ở Sơn La, những năm trước, trận động đất rất mạnh từng xảy ra khiến quốc lộ 6 sụt lún nghiêm trọng mà hậu quả đến nay vẫn còn hiển hiện.
Anh Hùng, một người dân tại khu vực bản Hẹo, TP Sơn La khi kể với phóng viên giọng vẫn hốt hoảng: “Tôi đang ở trong nhà thì thấy nhà cửa rung lên bần bật, tôi vội chạy ra ngoài đồng thời hét to để mọi người cùng thoát ra khỏi nhà”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Lỏn, Phó trưởng Ban Phòng chống lut bão - Giảm nhẹ thiên tại huyện Bắc Yên cho biết: “Ngay chúng tôi cũng bị bất ngờ. Hiện vẫn chưa thấy có báo cáo về người bị thương trên địa bàn”.
“Dù trận động đất không để lại hậu quả gì nghiêm trọng nhưng có lẽ các ngành chức năng cần có thông tin định hướng để bà con đỡ hoang mang”, anh Phương đề xuất.
Theo phòng quan sát động đất, Viện Vật lý địa cầu (Viện Khoa học và công nghệ), trận động đất ở độ sâu từ 10- 15 km. Cùng thời điểm, tại Thủ đô Hà Nội, một số nhân viên văn phòng trên một số tòa nhà cao tầng cũng cảm nhận được dư chấn khi thấy rung động từ 2- 3 phút. Tiến sĩ Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đánh giá, theo thang chấn động MSK, trận động đất này được Trung tâm xếp ở cấp 4, chỉ là trận động đất nhỏ, không ảnh hưởng gì tới Sơn La cũng như Hà Nội. Hiện Trung tâm vẫn chưa ghi nhận được thiệt hại cụ thể cũng như chưa có đánh giá tác động đối với các công trình xây dựng như thủy điện Sơn La. Về việc thời gian gần đây Hà Nội xảy ra một số dư chấn động đất nhỏ, ông Minh cho rằng, việc này không có gì bất thường. Ông Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện vật lý địa cầu cũng cho biết, chuỗi thiết bị theo dõi của Viện đặt trên toàn quốc đã ghi nhận hàng chục đến hàng trăm vụ động đất nhỏ (1-2 độ richter) mỗi năm. Tuy nhiên, với độ chấn động nhỏ như vậy thì mọi người không thể cảm nhận được.
Ở nước ta có ba vùng hoạt động địa chất bị đứt gẫy nên có thể xảy ra động đất (Đó là khu vực Tây Bắc, khu vực dọc Nghệ An và vùng biển đông Phan Thiết, Vũng Tàu). Theo các tài liệu khoa học, gần đây nhất Việt Nam đã ghi nhận có 2 trận động đất mạnh, đó là trận xảy ra tại Tây Nam Điện Biên Phủ mạnh 6,8 độ richter năm 1935 và trận động đất 6,7 độ richter ở Tuần Giáo năm 1983. Theo tính toán của các chuyên gia thì còn rất lâu nữa (hàng trăm năm) Việt Nam mới xảy ra động đất mạnh tương tự như hai trận đó. |
La Sơn - Thanh Trầm