Các bến phà ở TPHCM tạm ngưng hoạt động do bão số 9
(Dân trí) - Trước diễn biến phức tạp của bão số 9 ảnh hưởng trực tiếp đến TPHCM, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã ra công điện khẩn, tạm ngưng hoạt động các bến phà ở TPHCM do bão số 9.
Chiều nay 24/11, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TPHCM vừa ra công điện khẩn cấp cấm đò ngang, đò dọc, bến phà, tàu thuyền đánh bắt thủy sản, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng, tàu vận chuyển hành khách, tàu hàng... xuất bến hoạt động trước diễn biến Bão số 9 đang đổ bộ trực tiếp Nam Bộ, TPHCM.
Theo đó, kể từ 19h tối nay 24/11, bến phà Cát Lái (từ quận 2, TPHCM sang huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và ngược lại), bến phà Bình Khánh (huyện Cần Giờ) và các bến phà khác trên địa bàn TP sẽ ngưng hoạt động cho đến khi có lệnh mới.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP yêu cầu các đơn vị liên quan cử lực lượng thông báo cho người dân nên chủ động sắp xếp việc đi lại cho đến khi các bến phà nói trên trở lại hoạt động bình thường.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Cương quyết di dời dân tránh bão
Đến 12h trưa 24/11, cơ quan chức năng thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã hoàn tất đưa di dời người dân ở những vũng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở về những điểm tập trung an toàn tránh bão.
Bắt đầu từ sáng sớm, chính quyền địa phương đã đi đến từng nhà vận động người dân tránh bão nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Toàn bộ ban lãnh đạo UBND TP Vũng Tàu được huy động chia thành nhiều tổ đi gõ cửa từng hộ dân tại những địa điểm có nguy cơ nguy hiểm cao như gần núi, gần các cảng, vận động người dân đến tại các trụ sở khu phố để đảm bảo an toàn khi bão đang cận kề.
Tuy nhiên, đến gần 12h trưa nay vẫn còn một số hộ dân tại phường Thắng Nhì, TP Vũng Tàu chủ quan. không chịu di dời . Do đó, UBND phường buộc phải cưỡng chế, lực lượng dân quân lấy xe máy chở người dân đi.
Một số tàu cá vẫn còn người ở lại để canh giữ nên lãnh đạo các phường cũng đã cho người đến cưỡng chế, yêu cầu người dân phải di dời vào nơi tránh bão. Tàu thuyền tại các cảng đã được người dân chằng chéo kỹ càng.
Lãnh đạo TP Vũng Tàu yêu cầu các phường ven điển, địa bàn có vách núi khẩn trương vận động kiên quyết di dân đến nơi tránh bão an toàn, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống cho dân trong thời gian trú bão, trường hợp không chấp hành thì cũng phải cưỡng chế di dời.
Tại xã Long Sơn (TP Vũng Tàu), các lực lượng chức năng đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân sinh hoạt và nuôi thủy hải sản tại các lồng bè, gia cố, chằng chéo lại các bè nuôi thủy hải sản và phải rời bè trước 12h trưa nay.
Hiện tại TP Vũng Tàu đã cho di dời khoảng hơn 1.500 người dân tại các khu vực dễ xảy ra thiệt hại nếu bão đổ bộ vào đất liền. Riêng tại các lồng bè, từ 18h ngày 23/11 đã thực hiện lệnh cấm phục vụ du khách ăn uống, kêu gọi và hỗ trợ về phương tiện để người dân rời lồng bè vào nơi tránh trú bão an toàn.
Cần Thơ cấm Chủ tịch quận, huyện rời địa bàn
Trước tình diễn biến phức tạp của bão số 9, Cần Thơ yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện không được rời khỏi địa bàn vào 2 ngày cuối tuần.
Cụ thể, văn bản của UBND TP Cần Thơ nêu rõ: Bão số 9 được xác định là cơn bão có cường độ mạnh, do tác động của không khí lạnh diễn biến của bão còn rất phức tạp, hướng di chuyển, cường độ, phạm vi ảnh hưởng của bão có thể còn có những thay đổi.
Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão số 9 và mưa lũ, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ tăng cường cập nhật thông tin, diễn biến của bão số 9 (về hướng di chuyển, tốc độ di chuyển, cường độ của bão và vùng nguy hiểm) để tham mưu kịp thời cho Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố chỉ đạo ứng phó.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các Sở, Ban ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện; UBND phường, xã, thị trấn phân công tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ; thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến của bão. Tổ chức phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do bão gây ra trong địa bàn; thường xuyên báo cáo tình hình về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố.
Đồng thời, các nơi phải khẩn trương rà soát phương án sơ tán, di dời dân cư, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm (trên các cồn, các cù lao, các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, khu vực trũng thấp, các lồng bè nuôi thủy sản…). Kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản khi bão đổ bộ vào.
Bên cạnh đó, chỉ đạo kiểm tra, hướng dẫn chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, các công trình công cộng, đặc biệt đối với công trình cột, tháp cao, biển quảng cáo; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị, hạn chế thiệt hại do bão. Kiểm tra kỹ hệ thống lưới điện, đảm bảo an toàn, tránh sự cố về điện làm ảnh hưởng đến tính mạng con người…
Chủ tịch UBND quận, huyện không đi khỏi địa bàn vào ngày thứ Bảy (24/11) và ngày Chủ nhật (25/11), theo dõi sát biễn biến bão số 9 , chuẩn bị phương án bảo vệ dân và tài sản ở cấp độ bị ảnh hưởng theo phương châm “Bốn tại chỗ”, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn chuyên ngành, huy động lực lượng nhân dân tại cơ sở để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố.
Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Giám đốc Công an thành phố thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình, diễn biến của Cơn bão số 9, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, lực lượng để kịp thời cứu hộ, cứu nạn theo lệnh điều động của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố-Trưởng ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố....
Trưa cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết, nhằm chủ động ứng phó với bão số 9, cơ quan chức năng địa phương đã liên lạc, kêu gọi tất cả các tàu đánh bắt thủy sản của Bến Tre vào nơi tránh trú an toàn và cho học sinh, sinh viên nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền.
Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường cho học sinh các cấp, sinh viên được nghỉ học kể từ 13h ngày 24/ 11/ 2018 cho đến khi có thông báo mới.
Nhiều tỉnh ĐBSCL khẩn trương phòng chống bão số 9
Tại Đồng Tháp, mặc dù theo dự báo là tỉnh không bị ảnh hưởng trực tiếp, tuy nhiên, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh này yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ về diễn biến bão số 9.
Theo dõi tình hình khí tượng thủy văn trên các phương tiện thông tin, kịp thời cảnh báo, dự báo đến người dân biết chủ động phòng tránh; đồng thời hỗ trợ nhân dân chằng chống, gia cố nhà cửa và các công trình kết cấu hạ tầng, đề phòng lốc xoáy, gió mạnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Khẩn trương rà soát các hộ dân trong vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất, có phương án di dời dân đến nơi an toàn; đồng thời, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm cần thiết để ứng phó với bão.
Tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn giao thông thủy, các bến khách ngang sông; chỉ đạo lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến tại cấp xã, ấp và sẵn sàng hỗ trợ người dân ứng phó, đảm bảo an toàn về người, tài sản, hạn chế thiệt hại do bão gây ra. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu.
Các cơ quan, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang nhận định, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ nay đến 26/11/2018 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có mưa rất to (300-500 mm/đợt); Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, trong đó có An Giang sẽ có mưa to (100-200 mm/đợt), khả năng xảy ra dông và lốc xoáy.
Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thành chỉ đạo các ngành liên quan, thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẩn trương có kế hoạch bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân do ảnh hưởng của bão số 9.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của cơn bão số 9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Bạc Liêu cho biết, đã yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh này nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 13h ngày 24/11, cho đến khi có tin cuối cùng về cơn bão số 9 thì cho tàu thuyền trở lại hoạt động bình thường.
Thường xuyên kiểm đếm chính xác số lượng tàu thuyền và thuyền viên còn đang hoạt động trên biển; thông tin liên lạc về diễn biến của bão số 9 cho các tàu thuyền còn hoạt động ngoài khơi biết để tìm nơi trú tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng ảnh hưởng của bão.
Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương triển khai nhanh các biện pháp bảo vệ sản xuất nếu bão số 9 gây mưa lớn trên diện rộng.
Đề nghị UBND các địa phương tuyên truyền rộng rãi, kịp thời về diễn biến của bão để các cấp chính quyền và nhân dân chủ động phòng tránh, ứng phó cơn bão số 9 xuất hiện trùng với đợt triều cường từ ngày 24-27/11; chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân ở các nơi xung yếu nhất.
Trước diễn biến bất thường của bão số 9, Ban Chỉ huy đề nghị các cơ quan chức năng, địa phương phải tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để theo dõi và chỉ đạo đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Tại tỉnh Sóc Trăng, đầu giờ chiều ngày 24/11, ông Hà Tấn Việt- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão tỉnh Sóc Trăng- cho biết, cho đến nay, tất cả các phương án phòng, chống bão số 9 đã sẵn sàng. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị, thành trong tỉnh tập trung chuẩn bị ứng phó.
Hiện tại, tỉnh này còn 329 tàu đánh bắt thủy sản hoạt động ngoài khơi với 1.504 thuyền viên; trong đó, có 211 tàu xa bờ, 28 tàu gần bờ.
“Cơ quan chức năng đã thông báo cho các tàu nắm thông tin về diễn biến của bão số 9 để chủ động tìm nơi tránh, trú an toàn. Theo dõi hướng di chuyển của bão số 9 và thông tin dự báo thời tiết thì bão đang di chuyển vào khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, có thể sẽ ảnh hưởng một phần của tỉnh Trà Vinh. Sóc Trăng không bị ảnh hưởng nhưng tỉnh vẫn sẵn sàng các phương án ứng phó để không xảy ra bất ngờ”, ông Việt cho biết thêm.
Ghi nhận của chúng tôi tại cảng Trần Đề, nhiều tàu thuyền được đưa vào neo đậu tại khu tránh bão. Không ít người dân chưa thật sự quan tâm đến cơn bão này vì “hôm bão số 16 vừa qua, nghe nói sẽ vào đây với sức gió rất mạnh nhưng cuối cùng không có gì”, một người dân ở ấp Mỏ Ó cho biết.
Nhóm Phóng viên