“Các bản đồ cổ đều thể hiện Trung Quốc không liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa”
(Dân trí) - Đó là khẳng định của TS. Trần Đức Anh Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng - tại triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) ngày 7/7.
Theo TS. Trần Đức Anh Sơn, triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu là hoạt động thông tin tuyên truyền quan trọng, nhằm góp phần nâng cao nhận thức về chủ quyền của Việt Nam đối với về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và góp phần củng cố tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước của đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài. Đây cũng là dịp giới thiệu với công chúng những hiện vật lịch sử thấm đẫm mồ hôi và máu đào của những người lính Việt Nam đã hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam trong mấy chục năm qua.
Nội dung tư liệu được trưng bày trong triển lãm này do nhiều cơ quan, tổ chức ở trong nước thu thập trong nhiều năm qua như Ủy ban biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao), Trung tâm lưu trữ quốc gia (Bộ Nội vụ), Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng và UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng), Bộ tư lệnh Hải quân, Cảnh sát biển Việt Nam... cung cấp; là những tư liệu, bản đồ do chúng tôi sưu tầm từ các văn khố và thư viện quốc gia ở Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Italia, Bỉ, Australia…; là tư liệu người Việt Nam ở trong và ngoài nước sưu tầm và hiến tặng.
Đây là những bằng chứng lịch sử và pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông trong hơn 5 thế kỷ qua. Những tư liệu, bản đồ, hình ảnh, hiện vật… trưng bày tại triển lãm này đã chứng minh rằng các nhà nước Việt Nam từ thời kỳ phong kiến đến thời hiện đại, đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và nhiều vùng biển đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam. Đó là quá trình chiếm hữu thực sự, thực thi chủ quyền liên tục và hòa bình trong nhiều thế kỷ và được ghi nhận trong nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam và thế giới, kể cả sử liệu của Trung Quốc, quốc gia láng giềng phương Bắc đã và đang tranh chấp chủ quyền biển đảo của Việt Nam với mức độ ngày càng nghiêm trọng, hung hăng và vô cùng nguy hiểm.
Nội dung triển lãm bao gồm 4 loại hình sau: tư liệu văn bản, tư liệu bản đồ, tư liệu hình ảnh, công trình nghiên cứu và xuất bản phẩm và hiện vật trực quan. Ngoài ra, trong không gian triển lãm còn có hệ thống nghe nhìn thường xuyên trình chiếu các bộ phim tài liệu về chủ quyền biển đảo Việt Nam, các phim phóng sự về quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, các video ca nhạc chủ đề “biển đảo Việt Nam”, “Hoàng Sa - Trường Sa” do các đài truyền hình, các tổ chức ở trong và ngoài nước thực hiện trong những năm qua.
Triển lãm trưng bày phiên bản các sử liệu Hán Nôm thời Lê - Trịnh, thời chúa Nguyễn, thời Tây Sơn và thời Nguyễn (từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX) liên quan đến quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt là các châu bản liên quan đến vấn đề khai thác, quản lý, xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới triều Nguyễn. Đây là những văn bản hành chính nhà nước có tính pháp lý cao nhất và duy nhất Việt Nam có được. Đặc biệt những văn bản có giá trị sử liệu và giá trị pháp lý cao này vừa được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO vào ngày 15/6/2014 tại Quảng Châu (Trung Quốc). Điều này đã góp phần nâng tầm giá trị của khối tư liệu quý giá này, đồng thời mở rộng phạm vi ảnh hưởng của các giá trị này từ quốc gia lên tầm quốc tế.
Phiên bản các văn bản hành chính chữ quốc ngữ và chữ Pháp do triều đình nhà Nguyễn, chính quyền Pháp ở Đông Dương, chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam ban hành từ đầu thế kỷ XX đến năm 1975, tiếp tục khẳng định quá trình quản lý hành chính, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa;
Phiên bản các văn bản hành chính của nhà nước Cộng hòa XHCH Việt Nam ban hành từ năm 1975 đến nay tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và những vùng biển đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Đối với bản đồ, triển lãm trưng bày phiên bản hơn 50 bản đồ được tuyển chọn từ 150 bản đồ do các nước phương Tây công bố từ thế kỷ XVII đến nay chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó có tấm bản đồ Map of the coastline of Quinam, Tonquin, Cochin-China and Aynam do một nhà địa lý người Hà Lan vẽ năm 1695, từng lưu trữ tại Cơ quan lưu trữ quốc gia Hà Lan tại TP Den Haag (Hà Lan). Tấm bản đồ này đã được Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tặng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Hà Lan từ 27/9 - 1/10/2011.
Phiên bản bộ Atlas Universel gồm 6 tập do nhà địa lý học Philippe Vandermaelan biên soạn, được xuất bản ở Bỉ năm 1827. Trong đó có bản đồ Partie de la Cochinchine ở tập 2 (Châu Á) khẳng định Paracels (quần đảo Hoàng Sa) là thuộc Việt Nam. Đây là tài liệu lịch sử và là chứng cứ pháp lý rất quan trọng.
Phiên bản 20 bản đồ được tuyển chọn từ gần 100 bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XX do phương Tây xuất bản và phiên bản 10 bản đồ Trung Quốc và 4 cuốn atlas do Trung Quốc xuất bản thời nhà Thanh và thời Trung Hoa Dân quốc thể hiện Trung Quốc không hề liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ gọi là Xisha và Nansha và đòi hỏi chủ quyền đối với hai quần đảo này.
Trong đó, đáng chú ý là 4 cuốn atlas do kỹ sư Trần Thắng (một Việt kiều sống ở TP New Hartfort, bang Connecticut) sưu tầm và trao tặng cho Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng. Đó là những atlas do nhà nước Trung Quốc phát hành chính thức gồm: Trung Quốc địa đồ (xuất bản năm 1908), Trung Quốc toàn đồ (xuất bản năm 1917), Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1919) và Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1933). Các atlas này là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra vào năm 1906 và được chính phủ Trung Hoa dân quốc kế tục vào các năm sau đó.
Các bản đồ được lập chi tiết ở từng tỉnh, thể hiện rõ các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành của Trung Quốc. Nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì không được thể hiện trên các bản đồ trong atlas. Cương giới cực nam của Trung Quốc trong các atlas này luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, mà không hề đề cập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Điều này chứng tỏ cho đến khi nhà Thanh phát hành atlas vào năm 1908 và được chính quyền Trung Hoa Dân quốc kế tục xuất bản các atlas này vào các năm 1917, 1919 và 1933, thì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, hoàn toàn nằm ngoài cái gọi là “chủ quyền lịch sử của Trung Quốc” như họ vẫn tuyên bố hiện nay;
Triển lãm cũng giới thiệu hai bản đồ về tình hình khai thác dầu khí của Trung Quốc do Trung Quốc công bố vào năm 1975 và 1979 được Hoa Kỳ in lại để công chúng thấy được thực trạng khai thác dầu khí trước đây và tham vọng dầu khí hiện nay của Trung Quốc đã dẫn đến những hành động xâm lược biển đảo Việt Nam, âm mưu thôn tính Biển Đông và những vùng đất có dầu khí khác ở trên thế giới, gây căng thẳng ở trên Biển Đông và trong khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ quyền biển và môi trường sinh thái biển của Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
Công Bính