Đồng Nai:
Cả xã khiếp sợ vì voi liên tục “dỡ” nhà, phá vườn
(Dân trí) - “Mỗi khi voi xuất hiện, chúng tôi chỉ biết ôm con nhỏ chạy thật xa. Các “ông” dỡ vách, đạp tường, lục lọi, phá từ trong nhà ra ngoài vườn” - Một người dân ngụ xã Thanh Sơn, Định Quán, Đồng Nai, kinh hãi kể.
Voi “đổ bộ” vào làng
Xã Thanh Sơn được mệnh danh là vùng đất của voi, vì thế nhiều năm trở lại đây, voi xuất hiện ở làng không phải là chuyện hiếm. Tuy vậy, thời gian gần đây, voi vào làng ngày một nhiều và mức độ tàn phá ngày càng nghiêm trọng.
Chiếc tủ được đóng bằng tôn của bà Đoàn Thị Hồng bị voi phá
Theo phản ánh của người dân, voi vào làng thường đi theo đàn, mỗi đàn có từ 5 đến 10 con. Trong đàn chỉ có 2 voi con, còn lại là voi trưởng thành. Những lúc voi đi qua, mọi người chỉ biết chạy thật xa và cố gắng không để xảy ra va chạm với đàn voi.
Một số người dân lý giải rằng, do bị đói nên voi tìm vào khu dân cư để kiếm thức ăn. Đó cũng chính là lý do khiến hàng trăm héc ta ngô, sắn, mía của dân bị voi tàn phá. “Những cây xoài, mít 10-15 năm tuổi, mới có quả thì bị voi nhổ, quật gãy. Dừa có độ cao chừng 2m cũng bị các ông tước ngọn, móc đọt để ăn. Nếu không ăn thì bẻ gãy, vùi nát rồi bỏ đi. Mỗi khi các ông tìm được vườn mía hoặc chuối thì chủ vườn chỉ biết đứng nhìn các ông phá nát đến cây cuối cùng”, anh Trần Văn Tý ngụ ấp 4 cho hay.
Một trong những món thức ăn ưa thích của voi là muối và gạo. Để tìm được loại thức ăn này, voi thường đến các chòi canh rẫy của người dân để lùng sục. Một người dân chưa hết bàng hoàng kể lại: “Cách đây 1 tuần, vào khoảng 2 giờ sáng, khi tôi đang ngủ ngon thì bất ngờ bị thức tỉnh do voi quật vào trụ chòi gác. Chưa kịp định thần thì bất ngờ chiếc chòi đổ ụp. Cũng may chòi thấp và bị kéo về phia vườn mía nên khi ngã xuống không sao. Khi đó tôi chỉ biết cố gắng chui vào rẫy cho nhanh rồi tìm đường thoát thân. Sáng hôm sau quay lại thì thấy toàn bộ muối và gạo bị voi ăn hết, mía bị quần nát cả một vùng”.
Cuộc đổ bộ và săn lùng thức ăn của voi cũng khiến nhiều ngôi nhà bị voi dỡ nát. Cảnh tượng người dân gọi nhau sửa nhà là chuyện thường xảy ra. Có hộ dân bị voi kéo đổ ụp nguyên căn bếp, có nhà bị dỡ tường, dỡ vách gỗ, bị quật phá hết đồ đạc. “Những gì các ông ăn được là thi nhau ăn, còn những gì không ăn được thì thi nhau dẫm, quật tơi tả rồi mới chịu bỏ đi”, bà Đoàn Thị Hồng cho biết.
Học cách sống chung với voi
Những cuộc đổ bộ của voi thường là vào ban đêm hoặc rạng sáng, do vậy người dân nơi đây luôn phải đặt mình trong tư thế sẵn sàng để… chạy. Một số hộ gia đình đã “liên minh” với nhau kéo điện thắp đèn để tránh sự xâm nhập hoặc chọn giải pháp xây nhà kiên cố để voi không thể phá dỡ.
Ông Nguyễn Văn Côi, 53 tuổi, ngụ ấp 4, cho hay: “Giờ chỉ còn cách vừa sống vừa cảnh giác. Lúc nào thấy các ông xuất hiện là phải bồng bế mấy đứa nhỏ để tránh đi chỗ khác. Từ gạo đến mọi vật dụng quan trọng đều phải cất giữ vào nơi có tường kiên cố”. Tuy nhiên, theo ông Côi, cây trồng trên vườn, trên rẫy thì chịu không có cách nào bảo vệ. Nhiều hộ dân đã bị mất trắng hàng chục héc ta ngô, mía và đành phải cắn răng chịu đựng.
Trước tình trạng này, các ngành chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân. Với chủ trương bảo vệ động vật hoang dã, các cán bộ liên tục khuyến cáo người dân không được phép gài bẫy hoặc bắn giết voi.
Ông Toàn cho biết thêm, năm 2010, một người dân ngụ ấp 2 xã Thanh Sơn trong lúc đi rừng đã xảy ra xung đột với voi nên bị voi quật chết.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết, khu vực xã Thanh Sơn là đất cư ngụ của voi nên việc voi xuất hiện là chuyện thường. Những thiệt hại về tài sản do voi gây ra xã đều thống kê và báo cáo lên cấp trên để tìm hướng giải quyết. Trước mắt, người dân đang phải học sống chung với voi và cố gắng tránh xung đột xảy ra để bảo vệ tính mạng và tài sản.
Minh Hậu