1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cá trên sông Sài Gòn chết do độc tố Cyanure?

Hiện tượng <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/4/111907.vip">cá chết hàng loạt </a>vừa qua tại Bình Dương và Tây Ninh không phải do vi khuẩn, virus… mà có khả năng do chất độc Cyanure có trong nước thải của nhà máy mì MIWON.

Cá chết trải dài 30km đường sông

 

Theo người dân sống trong khu vực thị trấn Dầu Tiếng, Nhà máy Chế biến mủ cao su và Nhà máy mì MIWON thường hay xả nước thải vào nhánh sông Sài Gòn. Vào thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt, Nhà máy mì MIWON cũng đang xả nước thải. Cùng lúc đó, hồ Dầu Tiếng cũng xả mặn nên đẩy nước thải của Nhà máy mì MIWON chảy dọc theo sông Sài Gòn, làm cụm bè cá trong khu vực này chết đột ngột. 

 

Tại thời điểm cá chết, người dân cho biết có thấy dòng nước màu đỏ chạy dọc theo dòng sông. Dòng nước này chảy đến đâu thì cá chết đến đó, cường độ cá chết rất nhanh. Chỉ khoảng 20-25 phút là đã chết gần như hết bè cá. Chỉ trong vòng 2 giờ, cá chết nằm trắng xóa dọc cửa sông, kéo dài khoảng 30km. 

 

Theo thống kê, khoảng 46 lồng cá đã bị chết, chủ yếu là cá điêu hồng, cá lăng và cá chình. Mỗi lồng thả khoảng 30.000 con, có trọng lượng từ 400-500g/con.

 

Các chủ bè cho biết, lúc đầu, họ neo bè đậu trên sông thuộc thị trấn Dầu Tiếng, khi thấy một số bè trên đầu nguồn có cá bị chết, họ đã di chuyển đến ấp Bến Tranh - xã Thanh An nhưng cũng không cứu được cá.

 

Chất độc Cyanure là “thủ phạm”?

 

Trung tâm Quốc gia quan trắc, Cảnh báo môi trường và PNDB Thủy sản khu vực Nam bộ - Viện nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II vừa cho biết kết quả khảo sát về hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Sài Gòn.

 

Báo cáo nhận định nguyên nhân cá chết không phải do tác nhân gây bệnh hữu sinh (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm) mà khả năng cá chết hàng loạt là do nước thải từ các nhà máy có những chất độc gây hại cho cá. 

 

Đáng chú ý nhất là trường hợp của nhà máy mì MIWON. Nhiều khả năng cá chết do chất độc Cyanure có trong nước thải của nhà máy này. Bởi trong củ mì tươi dùng để chế biến bột mì của nhà máy có hàm lượng  acid cyanhdyric rất cao. 

 

Biểu hiện cá chết được các chuyên gia của Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II ghi nhận: trước khi chết, cá nhảy dựng lên khỏi mặt nước, rơi xuống, lật ngửa bụng. Và cá chết có biểu hiện xuất huyết các gốc vây, miệng mở to, một số con bị nổ mắt. 

 

Theo báo cáo, đoạn sông chảy qua thị trấn Dầu Tiếng rất hẹp, lưu tốc nước thấp, hàm lượng oxy hòa tan (DO) thấp. Do đó, cần có giải pháp, biện pháp thích hợp cưỡng chế, giải tỏa các hộ nuôi cá bè trên lòng hồ Dầu Tiếng và ngăn chặn việc xả nước thải của các nhà máy gây ô nhiễm.

 

Theo Trần Duy

VietNamnet