1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Lâm Đồng:

Cả thôn rủ nhau bỏ rượu

Thôn 2 trước đây người người uống rượu, nhà nhà uống rượu; có nhà trúng mùa cà phê, mua tới 40l rượu dự trữ trong nhà, mỗi ngày đi làm lại xách theo 1 chai… Giờ thôn 2 đã sạch bóng “ma men”.

Thôn 2, xã Tân Thượng cách thị trấn Di Linh (Lâm Đồng) khoảng 6 km về phía Nam, là một thôn có tới 97% là đồng bào các dân tộc ít người, nơi đây không chỉ nổi tiếng với những tấm gương làm ăn điển hình như gia đình: K’Bồi, K’Vấy, K’Bới… mà còn được mọi người trong xã và huyện biết đến với một mô hình văn hóa mới: Phong trào không hút thuốc, không uống rượu…

 

Trước đây, có tới gần 100% thanh niên địa phương, thậm chí có cả chị em phụ nữ, bà già biết uống rượu, hút thuốc. “Ngày nào cũng vậy, trước khi ăn lại phải đem chai rượu ra nhâm nhi một chút cái đã, nó quen cái miệng mình rồi mà, không có nó là không chịu được!...”- ông K’Minh cho biết.

 

Có gia đình đến mùa cà phê, bán có tiền là mua cả 40 lít rượu dự trữ trong nhà, mỗi lúc đi làm rẫy lại phải đeo theo chai rượu, mang theo gói thuốc bên mình, trong lúc nghỉ giải lao lại phải tranh thủ hút điếu thuốc, uống ly rượu. Không ít người mải uống, say xỉn ngay trên rẫy mà quên cả việc làm. Có hôm uống xong còn gây gổ đánh nhau, nhiều chuyện bi hài cũng từ rượu mà ra.

 

Cả thôn rủ nhau bỏ rượu - 1

K’Bồi là một người đi đầu trong phong trào không hút thuốc, không uống rượu của địa phương.

 

Trước tình hình đó, từ năm 1990  đến nay, chính quyền địa phương mà trực tiếp là Ban nhân dân thôn 2 đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho bà con thấy được những tác hại to lớn và các bệnh tật từ hút thuốc, uống rượu gây ra, từ đó đẩy mạnh công tác vận động cho mọi người cùng tham gia đấu tranh loại bỏ thuốc lá và rượu ra khỏi cộng đồng.

 

K’Bồi tâm sự: “Ban đầu nghe cán bộ giải thích về những tác hại từ uống rượu nhiều mình cũng không tin lắm, trước đây mình nghĩ phải uống thật nhiều rượu mới có sức khỏe để cuốc rẫy làm cà phê, nhưng giờ thì mình tin rồi... Uống rượu, hút thuốc là có hại cho sức khỏe, không có sức để cuốc cái gốc cho cây cà phê, gây ra nhiều bệnh tật, lại tốn kém nữa...”.

 

Đến nay, gần như 100% người dân thôn 2, xã Tân Thượng đều không ai hút thuốc, uống rượu. Nếu trước đây mỗi dịp Tết đến xuân về trong nhà mỗi gia đình ít nhất cũng phải có đến 30 lít rượu, nhưng nay chuyện đó đã không còn xảy ra ở đây nữa, ngay cả những đám cưới, đám tang người dân đã thay rượu, bia bằng nước ngọt.

 

Ông Nguyễn Tuấn Thông - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thượng - cho biết: “Đây là một nét văn hóa độc đáo nhất của thôn 2, xã Tân Thượng, nhờ từ bỏ uống rượu và hút thuốc mà các hộ gia đình ở đây hằng năm đã dành dụm được một số tiền khá lớn để trang trải cho chi tiêu hàng ngày. Chúng tôi đang lấy thôn 2 làm thôn điển hình để mở rộng mô hình văn hóa này ra toàn xã...”.

 

Học tập thôn 2, thôn 1, xã Tân Thượng trong ít năm trở lại đây cũng đẩy mạng công tác vận động, tuyên truyền và thuyết phục bà con từ bỏ rượu, thuốc. Cho đến nay, toàn thôn đã có gần 80% số người không hút thuốc, uống rượu chỉ còn lại một số cụ già và những người lớn tuổi trong thôn là chưa bỏ được, những người này vẫn đang được chính quyền địa phương và con cháu tích cực vận động, tuyên truyền, giải thích về những tác hại từ rượu và thuốc gây ra.

 

Tin rằng, trong một thời gian không xa, với sự vận động của chính quyền địa phương và tích cực hưởng ứng tham gia của mọi người dân, mô hình “Không hút thuốc, không uống rượu” không chỉ dừng lại ở thôn 2 và thôn 1 của xã Tân Thượng mà nó sẽ được nhanh chóng nhân rộng ra toàn tỉnh và cả nước...

 

Theo Khắc Lịch

 Gia đình & Xã hội