1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Người Việt điều tra về thảm sát tê giác:

Cá thể thứ 397 bị giết nhẫn tâm như thế nào?

“Con tê giác khổng lồ vài tấn, da dày 5-7cm như bộ giáp sắt bất khả chiến bại, không có đối thủ để so găng xứng tầm trong tự nhiên. Nhưng tê giác đã đồng loạt chết vì một đối thủ duy nhất, ấy là con người”.

Một chuyên gia quốc tế đang khám nghiệm hiện trường con tê giác bị săn trộm.

Một chuyên gia quốc tế đang khám nghiệm hiện trường con tê giác bị săn trộm.
 
Nói đến đây, vị kiểm lâm lão làng cả đời sống ở Kruger, có tới 2 người con làm nhà báo ấy, chợt mếu máo. Mãi cuối buổi tiệc, ông chỉ thổn thức: “Buồn lắm!” rồi ngửa cổ nhìn trăng sáng hoang liêu. Tim tôi như nghẹt lại, chỉ sợ mình sẽ khóc.

 

Sáng hôm sau, tin vui ập đến. Lâm tặc hôm ấy đã chưa giết hại tê giác ở góc rừng nào trong số 2 triệu hécta mà 800 kiểm lâm, 2.000 cán bộ vườn đang quản lý. Mừng vì sự thong dong bình an (ngày hôm đó) của loài động vật thời tiền sử, mừng nữa là vì chúng tôi đã toàn quyền sử dụng hai cái máy bay trực thăng để đến chỗ tê giác gặp “những người bạn mới Việt Nam”.

 

Báo “Sunday Times” của Nam Phi, ngay sáng hôm sau đó đã kịp thời rút tít: Tê giác Nam Phi có những người bạn mới đến từ Việt Nam. Qua một “khóa” dặn dò, huấn luyện, vạch “chiến lược chiến thuật bay” và đề phòng rủi ro, từng người xếp hàng ra “phi trường” giữa rừng rậm.

 

Chưa bao giờ tôi bước lên một cái máy bay trực thăng khủng khiếp đến thế. Đúng là nó quần thảo với lâm tặc, tê giác tặc hung dữ lục lâm thảo khấu mãi nên đã quen với bụi bặm rồi thì phải. Đi xe xuyên rừng mấy tiếng đồng hồ đã phờ râu trê. Thấy hai cái tàu bay lượn phành phạch trên đầu. Rồi nó hạ thấp, bụi, lá cây, đất vàng của rừng Châu Phi tuyệt đối hoang dã bay lên mù mịt. Bụi đến mức không nhìn thấy máy bay đâu.

 

Một chuyên gia quốc tế đang khám nghiệm hiện trường con tê giác bị săn trộm.
PV Báo Lao Động và chiếc trực thăng vượt rừng Kruger của Nam Phi (rộng 2 triệu héc-ta) để điều tra về nạn tàn sát tê giác.

 

Chàng phi công da trắng to lừng lững bắt tất cả chúng tôi phải ký vào một bản cam kết, như thể bác sĩ Việt Nam bắt bệnh nhân ký vào giấy cam kết “chết thì bỏ” trước các cuộc đại phẫu bất kể bác sĩ mổ gan cắt nhầm tim đi nữa... Ký thì ký. Bụi vẫn mù mịt. Phải lao vào màn bụi cúi đầu trước những cái cánh quạt quay vèo vèo của trực thăng.

 

A lô xô! Douglas cao một mét chín hai, lạy trời cái cánh quạt nó vèo một cái thì… thành ông phỗng cụt đầu. Tôi gào lên, cúi xuống Big Man (người đàn ông to lớn, tôi vẫn gọi Douglas thân mật như vậy). Thấp chui rào, cao lội nước, tôi lụt cụt ngửa cổ dưới tầm quay của những cái “máy chém cánh quạt” ù ù ấy… vô tư.

 

Xé màn bụi đất chui vào trực thăng, trực thăng lại xé màn bụi đất vù lên giời. Từng đàn hoang thú bỏ chạy trước tiếng động cơ trên cao. Những dòng sông khô cạn ánh lên trong nắng chiều, những con đường mòn trắng lốp trước rừng mênh mông vàng úa. Không có cây to. Đứng trên trực thăng có thể thấy từng con nai bên dưới. Tê giác khổng lồ vài tấn thì… khỏi nói. Thỉnh thoảng chú phi công lại hô lên “Rhinose!” (tê giác). Có đàn 8 con, cả tê giác mẹ lẫn tê giác con thung thăng ăn cỏ, trông dịu dàng đến mê mải.

 

Cái bọn ngựa vằn và hươu cao cổ thơ ngộ thì cứ loang lổ vằn vện bên dưới, nhiều đến nỗi chúng tôi không háo hức chụp ảnh, quay phim nữa, chú phi công cũng kệ, tạm coi bọn chúng như là cây rừng thôi. Vì rừng thưa, thú lớn cứ lồ lộ ra thế, nên khi người ta đếm, Nam Phi có khoảng gần 20.000 con tê giác trắng và khoảng 5.000 con tê giác đen, tôi rất tin. Trước hết tin vì cái sự thưa thớt, chả giấu giếm được cái gì của rừng Nam Phi đó (!)

 

Một chuyên gia quốc tế đang khám nghiệm hiện trường con tê giác bị săn trộm.
Thượng tá Nguyễn Việt Tiến - Phó trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an Hà Nội - cùng cán bộ vườn Kruger khám nghiệm tử thi một con tê giác bị săn trộm.

 

Và, có lẽ mỗi ngày Nam Phi mất tới 2,4 con tê giác quý hiếm, cũng là bởi tại rừng thưa quá, rộng quá, tê giác to xác dễ phát hiện quá, lại thêm sừng tê giác giá chợ đen đắt đỏ hơn cả vàng, đắt sánh tầm với… kim cương. Nam Phi là xứ sở, kinh đô của vàng và kim cương từ mấy thế kỷ nay, ở thủ đô Johannesburg người ta dựng tượng người đào vàng và kim cương khổng lồ; nhưng bây giờ có một thứ bị săn lùng và đắt đỏ hơn cả vàng với kim cương - thứ này đậu trước mũi loài động vật linh thiêng đến từ thời tiền sử: Tê giác.

 

Thế là bi kịch xảy đến. Nỗi đau và sự hổ thẹn không chỉ thuộc về lũ người săn trộm, không chỉ nằm ở đất nước cực Nam châu Phi đó, mà nó dâng trào cả trong mỗi chúng tôi. Đây rồi, thiết bị định vị, ống nhòm, rồi các nguồn tin an ninh tinh tường nhất cho biết: Trực thăng đang lượn vòng quanh khu vực con tê giác mới nhất (có thể phát hiện được) vừa bị giết. Nạn nhân bị thảm sát thứ 397 của vườn Kruger!

 

Mùi xác thối xộc lên, cả cánh rừng xác xơ tua tủa gai nhọn trở nên thê lương, 4 kiểm lâm xách súng lớn trong tư thế ngồi bảo vệ ở bốn góc rừng, cuộc “khám nghiệm tử thi” bắt đầu.

 

(Còn nữa)  

 

Theo Đỗ Doãn Hoàng
 Lao động