1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người Việt điều tra về thảm sát tê giác ở xứ người

Cả thảy nhóm chúng tôi có 6 người Việt: Một Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; một thượng tá công an; một danh hài và hai cán bộ của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV). Và tôi nữa - một nhà báo.

Họ đã tuyển chọn, tài trợ để chúng tôi có thể chứng kiến một cách chân thực, khách quan nhất về thảm trạng sát hại tê giác phục vụ nhu cầu ngớ ngẩn của những kẻ trọc phú và không thể mù quáng hơn.

 

Sau gần 2 tiếng bay sang Hồng Kông, chúng tôi đã bay thêm 14 tiếng trên trời, đã dùng hai cái trực thăng của Vườn quốc gia rộng 2 triệu hécta Kruger của Nam Phi, đã đi trên xe đặc chủng rồi đi bộ luồn rừng đến mức đổ cả máu trong đại ngàn hoang dã phi Châu.

 

Thế rồi vẻ đẹp cổ tích, tuyệt sắc của thiên nhiên nguyên sơ của Lục địa đen hiện ra. Thế rồi máu của hoang thú vô tội đổ ra, trong tiếng súng chát chúa của những kẻ săn trộm được huấn luyện như chiến binh tinh nhuệ nhất.

 
PV vượt rừng Kruger của Nam Phi (rộng 2 triệu hécta) để điều tra về nạn tàn sát tê giác.
PV vượt rừng Kruger của Nam Phi (rộng 2 triệu hécta) để điều tra về nạn tàn sát tê giác.
 

Ngài đại tá phụ trách 700 cán bộ kiểm lâm an ninh của Kruger thở dài: sau tiếng súng giết chết con vật thời tiền sử của chúng tôi, chỉ 48 tiếng sau, sừng của nó có thể sang đến Trung Quốc, Thái Lan hoặc Việt Nam, giá của nó ở chỗ chúng tôi đã là khoảng 65.000USD một “sừng”.

 

“Sao có những kẻ độc ác và mù quáng như vậy nhỉ? Mài sừng tê giác uống thì có khác gì gặm móng tay móng chân chính mình”. “Uống để hạ sốt thì dùng Efferagant 2.000 đồng/gói cho xong. Uống để giải độc thì thượng thặng là nấu nước râu ngô cho xong” - diễn viên, nghệ sĩ hài tài danh Xuân Bắc - thành viên chính thức của đoàn chúng tôi - thở dài. Ông nghị Võ Tuấn Nhân thì buồn bã: “Sử dụng sừng tê giác để khẳng định “đẳng cấp” của mình - có cái ngớ ngẩn nào hơn thế không?”.

 

Nhìn xác con tê giác thứ 397 bị giết trong năm 2013, nhìn những cái sừng bị cưa ròng ròng màu đổ, bỗng dưng, nỗi hổ thẹn nghẹn lên trong lòng tôi. Bỗng dưng, rừng núi châu Phi cổ tích với đủ sư tử, hươu cao cổ, linh dương, trâu rừng, báo gấm, voi, đại bàng, ngựa vằn, linh cẩu và cá sấu… tất cả chúng nó như đang ngơ ngác, oán thán nhìn tôi. Chúng ta đã tàn độc với thiên nhiên quá, khi mà Việt Nam trở thành một trong vài quốc gia tiêu thụ sừng tê giác hàng đầu thế giới!

 

Douglas Hendrie - một chuyên gia bảo tồn người Mỹ có hơn 10 năm gắn bó với Việt Nam - là thành viên người ngoại quốc duy nhất của đoàn 7 “đại sứ tê giác” chúng tôi. Anh ta lấy vợ người Việt, lái xe máy ào ào trên phố Hà Nội như ai.

 

Cao 1,92m, cái dáng lênh khênh ấy ngồi trên máy bay Việt Nam quá cảnh sang Hồng Kông đã khó chịu, chứ bay liền tù tì gần 14 tiếng từ Hồng Kông sang thủ đô Johannesburg của Nam Phi thì thật muôn vàn khổ sở. Ghế ngồi bé, hẹp, chân anh ta dài miên man, hễ đứng dậy là đầu cộc vào khoang để hành lý trên nóc tàu bay.

 

Vậy mà, khi nghe tin chỉ còn 500km lái xe tay lái nghịch vượt sa mạc, vượt các hẻm vực cô liêu nữa là đến được Kruger, Douglas khoa chân múa tay quên hết cả mọi mệt mỏi: “Thế giới mơ ước của ta đã hiện ra!”.

 

Chúng tôi đều nhảy cẫng lên trước thiên nhiên bát ngát, khoáng đạt, có lúc cằn cháy mênh mang, có lúc sặc sỡ sắc màu hoa cỏ của Nam Phi. Đi vào rừng với mãnh thú, với các vệ sĩ súng lớn nghiêm cẩn thế mà hét lên sung sướng thì ăn mắng là dĩ nhiên. Danh hài Xuân Bắc bị mắng, mặt ỉu xìu: “Im lặng suốt 3 tiếng đồng hồ đi bộ trong rừng, có lẽ là khoảng thời gian im lặng dài nhất và khổ nhất của đời cái thằng mồm mép tép nhảy như tôi”.

 
PV vượt rừng Kruger của Nam Phi (rộng 2 triệu hécta) để điều tra về nạn tàn sát tê giác.
 

Với giá hơn 850 USD cho một ngày đêm trú ngụ trong các khu nghỉ dưỡng, ngắm hoang thú sa hoa, phải nói là nhắm mắt cũng thấy nghệ thuật kinh doanh thiên nhiên trù phú của nước bạn đang hái ra tiền. Các khu Safari, đại ý như những khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn do tư nhân quản lý kinh doanh được bài trí tuyệt đẹp, sự đón tiếp du khách trọng thị đến mức không thấy bất cứ dấu hiệu nào của lối khai thác du lịch “ăn xổi ở thì” mà tôi vẫn hằng gặp ở nhiều quốc gia châu Á.

 

Đêm, đi chụp và ngắm báo gấm, voi rừng hoang dã trở về, xe vừa dừng lại, đã có mấy người da đen, da trắng cầm đèn lồng đi giật lùi soi cho từng bước chân lấm lem bùn đất của chúng tôi tiến vào khu bày bữa tiệc núi. Nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình và đầy… uy lực của tổ chức bảo vệ tê giác Rhinose Foundation, chúng tôi đã hầu như tiếp xúc được với tất cả những đối tượng cần phỏng vấn, được sử dụng tất cả những phương tiện, con người cần phải có để “tận mục sở thị” thiên nhiên không thể hoang dã hơn của Vườn quốc gia rộng lớn nhất Nam Phi, nơi sở hữu đàn tê giác lớn nhất thế giới đó.

 

Tiếp xúc với vị đại tá, phụ trách lực lượng an ninh, quân đội, công an bảo vệ rừng và hoang thú; đi xe ôtô đặc chủng mui trần, có rào sắt bảo vệ để vào rừng già; đi trực thăng tiếp cận hiện trường săn bắn tê giác trái phép kinh hoàng; đi bộ tuần tra nhiều tiếng đồng hồ với sự hỗ trợ của các kiểm lâm viên lão luyện khoác súng lớn, đeo những băng đạn vàng óng ở thắt lưng…

 

Nơi chúng tôi ngủ lại, hoa rừng phủ đầy các lối đi, hoa được “gái bản” da đen kịt ngắt về tết rực rỡ các bàn ăn, bàn ngồi nghỉ dọc các hành lang tre gỗ. Dưới sàn nhà, dưới các cây cầu gỗ bắc qua suối, vượt các tán rừng… ; ở đó, hươu nai, ngựa vằn và nhiều loại hoang thú tung tăng trong tiếng lá vàng rơi xào xạc. Cỏ rất xanh và lá cây thì cực vàng, rụng như liên tục, mãi mãi mà không dứt hết.

 

Trên hành lang, có biển báo bằng tiếng Anh rằng bạn hãy giữ im lặng, vì hoang thú đang ngủ. Bạn hãy thận trọng đóng cửa sổ và cửa chính phòng ngủ, bởi khỉ và một số loài khác rất tinh nghịch, có thể trèo vào khênh đồ đạc mang lên ngọn cây. Các vị đầu bếp, các cô lễ tân, các anh bảo vệ người da đen tận tụy gật đầu chào và sẵn sàng hỏi “tôi giúp được gì cho bạn” ở mọi ngóc ngách.

 

Tôi nhờ Xuân Bắc giữ hộ thức ăn và dao dĩa để đi xin thêm đùi cừu nướng, lần nào cũng bị… hầu bàn tịch thu mất. Bắc thở dài: Tôi giữ được 3 lần, 3 cô đi qua, tôi bảo “no no” rồi “not yet” (chưa xong), nhưng đến cô thứ 4, tôi lơ đãng một tí, họ dọn mất rồi. Chu đáo đến thế là cùng.

 

(còn tiếp)

 

Theo Đỗ Doãn Hoàng

Lao động