1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Cà phê “hấp dẫn” ở TPHCM

(Dân trí) - Chiều cuối tuần, đường phố đông như hội. Chúng tôi tấp vào một “túp lều lý tưởng” - cà phê H.T - trên đường Lê Văn Việt, quận 9. Đó là một trong những quán cà phê “hấp dẫn”, nhan nhản ở TPHCM.

Từ cà phê “chuồng”…

 

Ẩn sau những chậu dừa kiểng, thiết mộc lan cao lêu nghêu là những mái nhà tranh thấp lè tè. Bên tay trái cổng vào, 12 chái nhà san sát nhau, úp lưng vào bờ tường xi măng, phủ đầy hoa giấy. Bên kia là 15 nhà chòi 4 mái, kiến trúc kiểu nhà rông Tây Nguyên.

 

Trong mỗi căn chòi mà dân chơi thường gọi là “chuồng” rộng chưa đầy 2m2 có một chiếc bàn tre và hai cái võng. Mái tranh rủ sát mặt đất, chòi tối om, chỉ có một cây đèn cầy leo tét chiếu sáng.

 

Từ những căn chòi tối phát ra tiếng thỏ thẻ, thổn thức, tiếng cười khúc khích, tiếng xuýt xoa…

 

Những quán cà phê kiểu này đếm không xuể ở quận 9. Quận 9 được xem là một phần ngoại ô thành phố. Không kẹt xe, không ồn ào khói bụi. Những quán cà phê rộng, đẹp hoà hợp với một quan cảnh tự nhiên, là “miền đất hứa” cho nhiều hoạt động mại dâm trá hình.

 

Vừa là điểm mại dâm trá hình, những quán cà phê “chuồng” còn là địa chỉ hấp dẫn của các cặp tình nhân. Thay vì thuê nhà nghỉ đắt tiền, họ thường vào đây để thỏa mãn nhu cầu tình cảm, với giá một ly cà phê chỉ 10.000 đồng.

 

… đến cà phê “sờ soạng”

 

Quán cà phê G.N ở khu phố 6, phường Linh Đông, quận Thủ Đức nằm khiêm tốn trên đường Kha Vạn Cân. Bên trong tối om, chỉ có ánh sáng từ màn hình ti vi hắt ra, đủ soi tỏ mặt người. Trong quán, 8 cặp nam nữ đang ôm sát vào nhau, không để ý đến xung quanh.

 

Thấy chúng tôi vào, một em mặt đậm phấn son ào ra đón. Khách vào đây uống cà phê được “khuyến mại” khoản sờ soạng tiếp viên. Luật ở đây quy định: chỉ được sờ soạng, không được đi quá đà.

 

Một cô gái bê ly cà phê cho tôi, chủ động ngồi cùng. Em bảo em tên Hiền, 18 tuổi, vừa chia tay người yêu, đang muốn tìm “đối tác” mới. Em cho tôi số điện thoại, hẹn ngày Rằm tháng 7 gặp nhau ở Phan Thiết.

 

Khách đến đây hầu hết là lao động ngoại tỉnh ít tiền nhưng hám của lạ. Cá biệt có mấy sinh viên trọ học trong làng ĐH Thủ Đức cũng thi thoảng tìm đến mua vui.

 

Giá trung bình cho một ly cà phê “sờ soạng” là 15.000 đồng. Cá biệt có những quán cực rẻ, chỉ “đãi” khách ít tiền, giá 7.000 đồng/ly. Các em tiếp viên chịu chơi như nhau.

 

Bà chủ túc trực bên ngoài, thoáng thấy lực lượng kiểm tra là báo động ngay để đàn em thu xếp bên trong. Nhìn bên ngoài, quán cũng hiền lành như bao quán khác.

 

Gần đó có một quán cà phê với không gian thác loạn hơn. Năm cậu choai choai quấn lấy một cô tiếp viên. Tiếp viên “công bằng” với tất cả, kể cả khách trẻ em.

 

Thói quen của mấy cô tiếp viên ở đây là móc điện thoại của khách. Qua điện thoại đoán xem khách thuộc tầng lớp nào, từ đó có cách đối đãi phù hợp.

 

Một “chiêu” nữa là lấy bút ghi nguyệch ngoạc vài dòng chữ, đại khái: “Anh bo em tiền”, “Anh có tiền không?”…

 

Trò chuyện với chúng tôi, những người dân sống gần những quán cà phê đèn mờ lắc đầu ngao ngán: “Mong sao chính quyền địa phương sớm dẹp hết tệ nạn này, chứ không sớm muộn gì lũ trẻ cũng hư hỏng hết thôi”.

 

Ngô Công Quang