1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ca ngợi Hà Nội thanh lịch sao vẫn... bắt chẹt khách

(Dân trí) - Việc “chặt chém” khách gửi xe với giá cao ngất là một trong những điểm “chưa được” của Đại lễ mà cử tri nêu lên. “Chúng ta cứ ca ngợi là văn minh, thanh lịch mà vẫn còn bắt chẹt như thế thì không ổn”, cử tri Nguyễn Giang Đông nói.

Nhiều vấn đề của Đại lễ 1.000 năm đã được cử tri Hà Nội nêu lên trong buổi tiếp xúc cử tri của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, sáng 15/10.

Cần thống kê lễ hội tốn bao nhiêu tiền của

Cử tri Nguyễn Duy Hưng (phường Mai Dịch, Cầu Giấy) cho rằng, tổ chức được Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long như vừa qua là rất… “đáng biểu dương”. Trong đó, lực lượng công an đã có rất nhiều đóng góp, bởi lượng người tham dự Đại lễ rất lớn, nhưng không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc…

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Lê Kiên (phường Trung Hòa, Cầu Giấy) lại chưa hài lòng ở khía cạnh môi trường, với việc rác thải tràn ngập ở Mỹ Đình và cả khu vực Hồ Gươm. “Đó là vấn đề của ý thức, văn hóa mà chúng ta chưa khắc phục được”, ông Kiên nói.

Nhưng theo cử tri Võ Giang Đông, vấn đề vệ sinh môi trường vẫn không bức xúc bằng dịch vụ trông giữ xe. Giá trông giữ xe máy lên tới 30 - 40 ngàn/lượt, trong khi giá trông giữ xe ô tô lên tới cả trăm ngàn, thậm chí hơn thế theo ông Giang là không chấp nhận được.

“Các vị phải giải quyết triệt để việc này, chứ chúng ta cứ ca ngợi là văn minh, thanh lịch mà vẫn còn bắt chẹt như thế thì không ổn”, ông Đông nhấn mạnh.
Ca ngợi Hà Nội thanh lịch sao vẫn... bắt chẹt khách - 1
Nhiều vấn đề của Đại lễ được cử tri thẳng thắng nêu lên

Chưa hài lòng với hành vi tháo cờ trên hè phố của một bộ phận giới trẻ là nội dung phản ảnh của cử tri Phan Thị Hảo (phường Kim Mã, quận Ba Đình). Theo bà Hảo, tại đường Kim Mã, phường đã làm các ống nhựa để cắm cờ trên hè phố, tuy nhiên, đêm mùng 9/10 và sáng 10/10, nhiều thanh niên đã lấy các lá cờ này quấn vào người. Có tới 90% số cờ trên tuyến đường bị lấy mất khiến đường phố đang trang hoàng, khí thế bỗng chỉ còn lác đác vài lá cờ.

Ông Trương Xuân Thành (phường Phúc Xá, Ba Đình) lại lo ngại với việc năm 2010 có quá nhiều lễ hội, festival, các hoạt động kỷ niệm… Gần đây nhất là Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long với chi phí được ông dẫn lại của một tờ báo Hà Nội là 94.000 tỷ đồng.

Theo ông Thành, vấn đề quan trọng là tổ chức thế nào để đảm bảo tiết kiệm cho dân, đồng thời quảng bá được hình ảnh của đất nước. Ông Thành đề nghị, Quốc hội có ý kiến để Tổng cục thống kê thực hiện thống kê các lễ hội tốn bao nhiêu tiền của, kết quả mang lại như thế nào?

Theo ông Thành, nếu chúng ta tiết kiệm được từ các hoạt động này để xây thêm trường học cho các em nhỏ, xây thêm các bệnh viện để không còn cảnh 2-3 người/giường, thậm chí 4 -5 người/giường, sẽ có ý nghĩa thiết thực hơn.

Cử tri chất vấn trực tiếp Bộ trưởng?

Về các vấn đề chung, cử tri Nguyễn Lê Kiên cho rằng, chúng ta không những không dẹp được tham nhũng mà thực tế tham nhũng vẫn có xu hướng gia tăng. Theo ông Kiên, ở đây có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân quan trọng là vấn đề giám sát của Quốc hội. Ông Kiên đề nghị phải có cơ chế giám sát hiệu quả hơn, không để hiệu quả giám sát thấp như vừa qua.

Chuyển sang vấn đề chất vấn tại Quốc hội, ông Trương Xuân Thành đề nghị Quốc hội trong kỳ họp này phải chất vấn “kỹ lưỡng” về Vinashin (Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam). “Phải làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, hình thức chịu trách nhiệm như thế nào để giữ nghiêm phép nước”, ông Thành nói.
 
Ca ngợi Hà Nội thanh lịch sao vẫn... bắt chẹt khách - 2
Cử tri trao đổi với Chủ tịch Quốc hội trong giờ nghỉ

Về chất lượng chất vấn tại Quốc hội, ông Nguyễn Lê Kiên cho rằng, trả lời của các Bộ trưởng vẫn còn nhiều… lời hứa. Theo ông Kiên, cần phải kiểm soát vấn đề này, bởi hứa nhiều, không thực hiện được sẽ làm mất lòng tin.

Ông Kiên cũng đề xuất, nên chăng xem xét cho người dân được chất vấn các Bộ trưởng tại phiên chất vấn của Quốc hội thông qua hình thức… gọi điện. “Người dân rất sáng suốt nên chất vấn chắc chắn sẽ phong phú”, ông Kiên lập luận.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng, chất vấn phải theo luật và hiện chưa có quy định về việc người dân chất vấn như vậy. Cũng theo ông Trọng, những vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn đã bao hàm ý của cử tri, chẳng hạn các vấn đề chất vấn nhiều vừa qua như điện, giá cả, lúa gạo…
 

Cử tri Nguyễn Lê Kiên cho rằng, quy hoạch các khu đô thị do thành phố duyệt, nhưng sau đó phần hạ tầng xã hội hầu như bị… cắt xén. Trường học, nhà trẻ, chợ, nơi vui chơi công cộng đều không có.

“Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính lớn như thế, nổi tiếng như thế mà chỉ có một trường tiểu học tư thục, còn trung tâm y tế, chợ không có… Công tác giám sát như thế nào mà để như vậy”, ông Kiên nói.

Tình trạng trên không chỉ ở Hà Nội mà còn diễn ra trên cả nước. Việc cắt xén để xây kín hơn, chật hơn như vậy theo ông Kiên sẽ tạo ra cơ hội cho tham nhũng…

 

Cấn Cường