Cà Mau hỏa tốc kiến nghị Thủ tướng sửa đổi quy định xét nghiệm, cách ly
(Dân trí) - Cà Mau cho rằng nếu triển khai thực hiện các quy định xét nghiệm, cách ly y tế theo Quyết định 4800/QĐ-BYT thì khả năng sẽ có nhiều người dương tính với SARS-CoV-2 không được kiểm soát.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế về những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, tính đến hết ngày 30/9, tỉnh này chỉ ghi nhận 369 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (trong đó có 40 ca cộng đồng, chiếm tỷ lệ 10,8% tổng số ca mắc). Tỉnh cũng đã hoàn thành chiến dịch xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, kết quả không phát hiện ca mắc mới ngoài cộng đồng.
Tuy nhiên, sau nới lỏng giãn cách xã hội tại TPHCM và một số tỉnh lân cận, từ ngày 1/10, người lao động tự phát về Cà Mau tăng đột biến, gây áp lực rất lớn cho tỉnh trong việc bố trí cách ly, điều trị và ngăn chặn lây nhiễm cho người dân trong tỉnh.
Tính đến nay đã có hơn 30.000 người tự phát về Cà Mau (trong đó có khoảng 10% tiêm đủ 2 liều vaccine, gần 40% tiêm một liều vaccine và gần 5% là người mới khỏi bệnh).
Theo UBND tỉnh Cà Mau, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế, tỉnh này cho rằng trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế có chỗ chưa phù hợp thực tế.
Cụ thể, chỉ xét nghiệm đối với người dân đi lại từ vùng có dịch ở cấp độ 4, không thực hiện xét nghiệm đối với người dân đi lại từ các vùng dịch ở các cấp độ còn lại.
Cà Mau nêu rõ, thực tế người dân đi từ địa phương này đến địa phương khác, có khi phải đi qua rất nhiều vùng có cấp độ dịch khác nhau (có thể đi qua vùng cấp độ 4); người dân di chuyển tự do (không có quy định kiểm soát trên đường đi) hoàn toàn có thể bị lây nhiễm trong quá trình di chuyển khi đi qua vùng có dịch (đã ghi nhận nhiều tài xế xe luồng xanh bị lây nhiễm khi di chuyển qua nhiều vùng).
Với đối tượng cách ly y tế, thời gian cách ly y tế đối với từng đối tượng chưa phù hợp với thực tế (chỉ cách ly y tế đối với người đến từ vùng có dịch cấp độ 4 hoặc từ vùng cách ly y tế; không thực hiện cách ly y tế đối với người đến từ các vùng có cấp độ dịch còn lại; thời gian cách ly y tế 7 ngày đối với người tiêm một mũi vaccine, 14 ngày đối với người chưa tiêm vaccine; theo dõi sức khỏe 7 ngày đối với người tiêm vaccine 2 mũi hoặc F0 đã khỏi bệnh còn trong 6 tháng).
Cà Mau cho rằng, thực tế cho thấy có nhiều trường hợp F0 khỏi bệnh còn trong thời gian 6 tháng tái dương tính (tỉnh có 75 ca, chiếm tỷ lệ hơn 10% số F0 từ tỉnh ngoài về); có nhiều trường hợp thời gian ủ bệnh rất dài (bình quân 23,5 ngày); đã phát hiện nhiều trường hợp dương tính, lây nhiễm cho người khác sau khi đã tiêm vaccine 2 mũi (đến nay có 90 người từ tỉnh ngoài về đã tiêm 2 mũi vaccine vẫn dương tính).
Ngoài 2 vấn đề xét nghiệm và cách ly y tế nói trên, theo UBND tỉnh Cà Mau, đến nay tỉnh này chỉ hơn 33% tiêm vaccine mũi một và 5,8% được tiêm mũi 2. Mặt khác, năng lực thu dung, điều trị của tỉnh còn hạn chế nhiều mặt, cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực. Tỉnh đã mở thêm 7 bệnh viện dã chiến nhưng tổng số giường điều trị tất cả các bệnh viện chỉ đạt 1.740 giường.
Với những khó khăn, hạn chế nêu trên, Cà Mau cho rằng, nếu triển khai thực hiện các quy định xét nghiệm, cách ly y tế theo Quyết định 4800/QĐ-BYT thì khả năng sẽ có nhiều người dương tính với SARS-CoV-2 không được kiểm soát, phát hiện kịp thời, làm lây lan dịch bệnh. Khi đó, có thể sẽ bùng phát nhiều ổ dịch ngoài cộng đồng, với số lượng F0 vượt khỏi khả năng thu dung, điều trị của tỉnh.
Do đó, tỉnh này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét sửa đổi các quy định xét nghiệm, cách ly theo hướng từng bước nới lỏng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân nhưng phải đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch, phù hợp với tiến độ tiêm vaccine và khả năng thu dung, điều trị của các tỉnh trong khu vực ĐBSCL.
Ưu tiên đẩy nhanh hơn độ phân bổ vaccine cho các tỉnh ĐBSCL để nhanh chóng tiêm đảm bảo tỷ lệ miễn dịch cộng đồng cho nhân dân, nhất là người già, người có bệnh nền và trẻ em.
Xem xét phương án điều chuyển, bổ sung đội ngũ y, bác sĩ, một số máy móc, thiết bị phục vụ điều trị Covid-19 từ những tỉnh, thành đã kiểm soát được dịch và nới lỏng giãn cách đến các địa phương có số lượng người dân về nhiều như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời hỗ trợ cho địa phương vật tư y tế, thuốc... để điều trị cho số lượng bệnh nhân Covid-19 có khả năng tăng cao trong những ngày tới.
Tính đến ngày 18/10, tỉnh Cà Mau có 1.239 ca mắc Covid-19. Trong đó, năm 2021 là 1.231 ca. Từ ngày 5/10 đến nay có 779 ca mắc, chủ yếu là người về từ vùng dịch.
Tỉnh đang điều trị 890 ca, điều trị khỏi 441 ca, tử vong 11 ca.