Cà Mau “hỏa tốc” đóng cửa nhà máy xử lý rác thải

(Dân trí) - Máy móc, thiết bị hư hỏng, phát tán mùi hôi ra bên ngoài gây bức xúc trong dân, đó là lý do Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau bị UBND tỉnh Cà Mau lệnh đóng cửa trong 3 tháng.

UBND tỉnh Cà Mau vừa có công văn “hỏa tốc” do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi, ký gửi các Sở, ngành, địa phương và Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (Công ty Công Lý) về việc bảo trì Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau hoạt động từ tháng 5/2012, với công suất 200 tấn/ngày. Sản phẩm chính của nhà máy là phân compost, tỷ lệ chôn lấp 8,24%. Trong quá trình vận hành, nhà máy đã tạm ngưng hoạt động để bảo trì, bảo dưỡng vào năm 2015.

Theo báo cáo của chủ đầu tư (Công ty Công Lý), đến nay máy móc, thiết bị của nhà máy đã hư hỏng nhiều, không đảm bảo kỹ thuật, an toàn và hoạt động lâu dài của nhà máy.

“Qua kiểm tra thực tế, các thiết bị hư hỏng trong tình trạng không vận hành; lò đốt rác bị gãy ống khói; khu vực nhà máy phát tán mùi hôi nên đề nghị cho nhà máy tạm ngưng hoạt động trong 3 tháng để bảo trì, bảo dưỡng, kể từ ngày 27/7/2018”, nội dung công văn nêu rõ.


Cà Mau đóng cửa Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau 3 tháng. (Ảnh: CTV)

Cà Mau đóng cửa Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau 3 tháng. (Ảnh: CTV)

Trong thời gian nhà máy tạm ngừng hoạt động, UBND tỉnh Cà Mau giao Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Cà Mau tập kết, xử lý rác thải tạm phần rác của TP Cà Mau trên phần đất đã giao cho UBND TP Cà Mau quản lý. Tỉnh thống nhất đầu tư diện tích sân khoảng 200m2 để tập kết rác, đào 2 hố chôn lấp hợp vệ sinh, với diện tích 2.500m2/hố.

UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện rà soát, bố trí những vị trí phù hợp, đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường để tập kết và xử lý rác thải tạm thời.

Đồng thời, UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu chủ đầu đầu tư phối hợp với các Sở, ngành, địa phương có biện pháp đảm bảo vệ sinh, môi trường trong các khu vực tạm trữ rác; tích cực có giải pháp phù hợp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc bảo trì, sửa chữa thiết bị đảm bảo hoàn thành trước thời hạn 3 tháng.

“Sau khi thực hiện xong phần việc bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, chủ đầu tư phải có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xử lý rác tồn đọng trong thời gian sớm nhất”, văn bản của UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo rõ.

H.H