Gia Lai:
Cả làng rủ nhau ra phố đổi quần áo cũ về mặc Tết
(Dân trí)- Để có đồ “mới” đi chơi Tết, nhiều người Bahnar ở các vùng thôn quê đã rủ nhau mang “cây nhà, lá vườn”… ra thành phố để đổi lấy quần áo cũ về diện Tết cách nghĩ “cũ người, nhưng mới ta”.
Những ngày này, cũng như cả nước, khắp đường phố và các khu chợ ở TP.Pleiku (Gia Lai) luôn tràn ngập sắc màu của những hàng hóa mới tinh để phục vụ người tiêu dùng đi sắm Tết. Còn các ông bố, bà mẹ cũng đã bắt đầu ra chợ để mua Tết về nhà mình, với biết bao thứ đồ mới, đẹp và đầy ý nghĩa để mong có một năm an lành, hạnh phúc… khiến không khí đường phố nhộn nhịp hơn bao giờ hết.
Hòa cùng không khí này, đó là góc bán đồ "xổ" trên đường Hai Bà Trưng (TP.Pleiku) cũng tấp nập không kém, khi có hàng chục người Bahnar ở thôn quê đang chăm chú lựa quần áo cũ. Tuy không có điều kiện để mua cho cả gia đình mình những bộ quần áo mới, nhưng với cách tính toán của mình, những ông bố, bà mẹ người Bahnar này cũng đã lo cho các thành viên trong nhà có những bộ đồ “cũ người, nhưng mới ta” để mặc đi chơi Tết, bằng cách mang gạo, ngô, mía… đi ra các tiệm đồ xổ để đổi.
Đang chăm chú lựa cho chồng, 2 đứa con và bản thân mình những bộ đồ đẹp nhất có thể, chị Hne (30 tuổi, làng Hờ Noi, xã Glar, Đăk Đoa) cho biết, để mua một bộ đồ mới ít nhất cũng hết tiền trăm, trong khi kinh tế gia đình khá khó khăn. Tết còn nhiều thứ phải lo, không có nhiều thì cũng cần vài cái bánh chưng, ít bánh kẹo… nên việc mua sắm đối với vợ chồng chị là gánh nặng. Vì vậy, cũng như nhiều gia đình khác trong xã, để có đồ “mới” diện đi chơi Tết, chị Hne lại mang gạo nếp, sắn, mía… đi tới các tiệm bán đồ xổ ở TP.Pleiku để đổi quần áo.
“Người Kinh ăn Tết như thế nào thì nhà mình cũng ăn Tết như vậy. Mình cũng có bánh chưng, có kẹo cho con ăn, và có quần áo mới mặc để gia đình mình đi đến nhà bà con chơi Tết”, chị Hne kể.
Nhiều năm nay, do hoàn cảnh khó khăn nên chưa có năm nào vợ chồng và các con chị Blưng được mặc bộ quần áo mới theo đúng nghĩa của nó. Và để có quần áo cho gia đình mình mặc, thỉnh thoảng chị Blưng phải gùi gạo nếp, sắn, gà đi đến các gia đình để đổi quần áo về mặc. Còn ngày Tết, để có quần áo đẹp hơn, chị Blưng mang nông sản đến các tiệm đồ xổ để đổi:
“Đổi của người dân thì người ta cho gì mình lấy nấy, còn đổi ở chỗ bán đồ xổ này tuy được ít hơn nhưng người ta lại cho mình tự lựa đồ, mình thích cái nào thì lấy cái đó. Mình đổi 1 con gà thì được khoảng 5 bộ đồ về cho cả gia đình mình mặc. Mình không có tiền mua đồ mới bán ở chợ, nên đi đổi đồ cũ, nhưng mang về cho chồng con mình mặc thì chúng thích lắm, vì đó là đồ mới được mặc mà”, chị Blưng tâm sự.
Và cũng như chị Blưng, chị Hne những người Bahnar ở xã Glar, xã Trang… cũng đã gùi lương thực đi ra các tiệm đồ xổ để đổi quần áo về cho gia đình mình mặc đi chơi Tết. Với họ, dù đó không phải là những bộ đồ mới theo đúng nghĩa của nó, nhưng cũng ghóp phần làm cho không khí ngày Tết của những người trong gia đình vui vẻ, đầm ấm, bởi đơn giản “cũ người nhưng mới ta”.
Thiên Thư