1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cả làng đua nhau làm... hàng giả

(Dân trí) - Căn phòng rộng chừng 40m2 chất đầy các loại kính mắt với đủ loại kích cỡ, màu sắc, kiểu dáng, nhãn hiệu,... Từ Ray-ban, Gucci đến CK, Solec... được bán với giá 20-30 ngàn đồng/chiếc.

Ông chủ của hàng kính Hồng Quang ở làng Lịch Động, xã Đông Các, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, cho biết: “Nếu lấy buôn, em chỉ lấy các bác 20-30 ngàn đồng/cái. Có khoảng 30-40 mẫu, kiểu dáng đẹp, bắt mắt, cực ngon lành! Bán ra cũng được ít nhất 100-150 ngàn đồng/cái!”

Cửa hàng Hồng Quang chỉ là một trong số hàng chục cửa hàng kính ở làng Lịch Động. Đây là ngôi làng duy nhất ở Việt Nam chuyên làm kính... nhái và cung cấp đến 90% số kính bán thị trường nội địa hiện nay.

Hàng gia công chứ không phải hàng giả (?!)

Lịch Động vốn có nghề tổ là làm kính và làm khoá. Cùng với sự đi lên của thời trang kính mắt cộng với tình trạng ô nhiễm môi trường tăng mạnh, nghề tổ đã được biến tấu thành nghề làm kính giả đồ hiệu!

Giá kính thấp nhất là 3.000đ/chiếc, cao nhất có thể lên đến 20 triệu đồng, nhưng đó chỉ là những chiếc kính được sản xuất theo đơn đặt hàng! Mỗi ngày có hàng ngàn chiếc kính Lịch Động được xuất xưởng. Khắp Bắc-Trung-Nam, đâu đâu cũng có cửa hàng kính của người Lịch Động.

Hiện tại, Lịch Động có hơn 2.000 hộ, già nửa trong số đó đã mở cơ sở làm kính, mỗi cơ sở có khoảng 5-7 “tiểu đội”. Thu nhập của mỗi người trong “tiểu đội” cũng khoảng 1 triệu đồng/tháng. Số hộ nghèo trong làng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Tại Lịch Động có cả những “đại gia kính” chuyên thầu nhập nguyên liệu, vật tư ngành kính, máy đo thị lực về phân phối cho các cơ sở gia công. Nhiều “đại gia” sở hữu đến gần chục cửa hàng kính mắt lớn trong Nam, ngoài Bắc.

Trần tình về sự làm kính giả của làng mình, Bí thư Chi bộ xã Đông Các, ông Phạm Đình Viên, cho rằng những người làm kính ở Lịch Động chủ yếu là những “tay thợ” làm gia công, làm nhái rồi sau đó trở thành người kinh doanh kính.

Người Lịch Động chủ yếu nhập gọng kính, mắt kính của Trung Quốc về lắp ráp lại theo mẫu mã, thị hiếu thị trường, đa phần theo các nhãn hiệu nổi tiếng. Cũng có một số rất ít gọng và mắt kính thật được nhập từ Hàn Quốc, Đức, Tiệp... nhưng đó chủ yếu là theo những đơn đặt hàng cá nhân.

Dù làm hàng giả nhưng Lịch Động cũng rất biết... giữ nghề. Chị Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Đông Các, kể: Vài năm trước, thấy Lịch Động làm giàu vì nghề kính, dân các vùng khác tìm sang “học mót” nhưng dân Lịch Động giữ nghề nên đã xảy ra nhiều trận ẩu đả!

Đặc biệt, dân Lịch Động chỉ coi mình làm hàng gia công chứ không công nhận làm hàng nhái, hàng giả. Vì vậy, hễ bị người ngoài “dòm ngó” phản ánh chuyện làm kính rởm, kính nhái, họ rất bất bình vì sợ bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, mất “miếng cơm, manh áo”!

Nguy cơ bị khiếu kiện quốc tế!

“Kính chưa được kiểm tra chất lượng sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ người dùng.

 

Một cặp kính mắt tốt phụ thuộc vào phôi kính. Ở những nước có nền công nghiệp phôi kính phát triển như Đức, Tiệp, giá một cặp phôi kính tương đương 4 triệu VNĐ.

 

Ngoài ra, nếu việc mài lắp kính không chuẩn, kết hợp với mắt kính không đạt chất lượng… sẽ rất ảnh hưởng đến thị giác” - Bác sĩ Hoàng Cương, Phó phòng Tư vấn sức khoẻ, BV Mắt TƯ, nhận định.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng phòng Thực thi và khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ, nhận định: "Không có Hợp đồng gia công với các hãng lớn của nước ngoài mà tự mua nguyên liệu, lắp ráp theo mẫu mã hàng hiệu thì đương nhiên là làm hàng nhái, hàng giả rồi!".

Cũng theo ông Hồng, nếu người gia công hàng mà không được phép của nhà sản xuất là đã phạm vào tội làm hàng giả. Đối với những cửa hàng kinh doanh kính lớn, tiêu thụ những loại kính làm nhái, làm gia công này thì phạm tội buôn bán hàng giả.

Nhưng tại sao kính giả của làng Lịch Động vẫn ngang nhiên có mặt khắp nơi? Theo Vụ Trang thiết bị - công trình y tế (Bộ Y tế), việc quản lý các cửa hàng kinh doanh kính vẫn bị thả nổi do chưa có cơ chế bắt buộc các cửa hàng mở ra phải có ý kiến của ngành y tế; cũng chưa có một đơn vị được đầu tư thiết bị cần thiết để kiểm tra chất lượng kính nên việc thanh tra, kiểm tra rất khó.

Cả nước hiện có gần 10.000 cửa hàng kính, nhưng có đến 94% chủ cửa hàng không có chuyên môn về y tế. Tại phần lớn các cửa hàng, nhân viên bán hàng thường làm tất cả các việc như đo thị lực, khám mắt, kết luận và bán kính.

Giải pháp đầu tiên phải tính đến lúc này là yêu cầu người làng kính phải tự dán nhãn "made in Lịch Động" thay vì gắn mác Ray-Ban, Gucci, CK,... như hiện nay!

Làng kính Lịch Động sao không tự tin đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm kính thời trang, kính thuốc của riêng làng mình?

Ông Hồng phân tích: Nếu người Lịch Động không dãn nhãn hiệu của chính họ mà dùng nhãn hiệu của các hãng nước ngoài thì đặt ra 3 vấn đề: Một là đánh lừa người tiêu dùng, hai là không được pháp luật bảo hộ và tiếp đến là ảnh hưởng đến quá trình hội nhập của Việt Nam và có thể dẫn đến khiếu kiện quốc tế.

Hà Thông

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm