Cả làng chung tay giã gạo, thổi lửa thi nấu cơm giữa sân đình ở Hà Nội
(Dân trí) - Sau 2 năm tạm dừng vì dịch Covid-19, Lễ hội thổi cơm thi làng Thị Cấm (Hà Nội) tổ chức trở lại vào sáng mùng 8 Tết âm lịch đã thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tới theo dõi, cổ vũ.
Hội thổi cơm thi của làng Thị Cấm (xã Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tổ chức hàng năm vào ngày mùng 8 Tết âm lịch. Sau 2 năm tạm dừng vì dịch Covid-19, sáng nay hội tổ chức trở lại thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tới theo dõi.
Đây là lễ hội văn hóa truyền thống được dân làng Thị Cấm tổ chức để tưởng nhớ công ơn của tướng Phan Tây Nhạc - một vị tướng văn võ song toàn dưới thời vua Hùng thứ 18.
Cụ Vũ Bích Hợi (90 tuổi), người dân làng Thị Cấm chia sẻ, cụ về làm dâu tại làng từ năm 20 tuổi, tới nay đã hưởng 70 mùa xuân cùng với làng, mỗi dịp lễ hội tới cụ cảm thấy rất phấn khởi, đặc biệt trong năm qua Lễ hội truyền thống - Hội thổi cơm thi Thị Cấm được vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Những người được lựa chọn dự thi sẽ chia thành 4 đội với 4 trang phục màu sắc khác nhau để tham gia thi 4 phần: Kéo lửa, chạy thi, giã gạo, thổi cơm. Những nông cụ phục vụ cuộc thi như chày gỗ, cối đá,... được đánh dấu theo số thứ tự theo 4 đội thi.
Người chơi cùng dân làng bện rơm để lót cối khi giã gạo.
Các đội thi đã cử ra một người cầm bình bằng đồng tham gia thi chạy đến bờ sông Nhuệ lấy nước về nấu cơm. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, nước phải được lấy ở sông và đun sôi từ trước.
Đúng 11h, nghi thức kéo lửa diễn ra với những chiếc bùi nhùi đã chuẩn bị sẵn cùng rơm, đoạn tre đực già dùi sẵn những khe nhỏ và một que giang có tay cầm 2 đầu. 4 người trong đội sẽ chia nhau ra giữ và kéo tạo ra ma sát giữa que giang và thân tre, điểm ma sát đủ nóng sẽ tạo ra than hồng và bén lửa vào bùi nhùi, đốt cháy rơm khô.
Đội nào phát khói và tạo ra lửa sớm sẽ giành chiến thắng ở phần thi này.
Thóc sau khi được các đội thi nhau giã bằng chày gỗ và cối đá sẽ đưa tới tay những người phụ nữ sàng sảy, nhặt sạn, vo sạch để loại bỏ trấu trước khi đem đi thổi cơm từ lửa mới tạo ra từ đồng đội.
Chung tay thổi cơm là những phụ nữ khéo tay tại địa phương.
Sau khi cơm sôi, các đội thường ủ bằng tro rơm khoảng 20 phút cho cơm chín đều.
Sau khoảng 30 phút, Ban giám khảo đi vòng quanh sân, dùng gậy tre chọc từng đống rơm để tìm 4 nồi cơm.
Đặc biệt, mỗi đội còn đốt thêm vài đống rơm để nghi binh nên lúc này cả sân đình nghi ngút khói. Việc đốt rơm nhằm kéo dài thời gian, để các cụ trong ban giám khảo phải mất công tìm, kéo dài thời gian giúp cho nồi cơm được chín lâu và dẻo thơm hơn.
Khói mù mịt sân đình Thị Cấm trong ngày hội thổi cơm thi đầu xuân Quý Mão. Lễ hội cũng thu hút cả nghìn người dân và du khách tới theo dõi, đứng chật kín bên trong và cả ngoài sân đình.
4 nồi cơm sau khi tìm thấy được các bô lão kiểm tra chất lượng trước khi dâng cúng Thành hoàng.
Các bô lão trong làng căn cứ vào mùi thơm, độ trắng dẻo của hạt cơm để chọn ra niêu cơm ngon nhất. Kết thúc hội thi, các đội sẽ chia cơm cho dân làng ăn với ước mong về một năm no đủ, an lành.