Cá độ bóng đá, đua ngựa – Chính phủ vẫn e dè
(Dân trí) - 19/27 thành viên Chính phủ đồng ý đưa vào luật quy định về đặt cược thể thao như đua ngựa, cá cược bóng đá quốc tế. 4 thành viên khác cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự…
Chiều 11/9, dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao được trình xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội. Đặt cược thể thao là một nội dung hiện vẫn hai luồng ý kiến khác nhau trong Chính phủ.
Tờ trình dự án luật nêu rõ, 19/27 thành viên Chính phủ đồng ý với phương án bổ sung nội dung quy định về đặt cược thể thao, vì đặt cược thể thao đã được Chính phủ cho phép, mặc dù chỉ giới hạn ở một số lĩnh vực hoạt động thể thao có đủ điều kiện, gồm: kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế.
Loại ý kiến này cho rằng, đặt cược thể thao cần thiết phải được quy định trong dự thảo luật, nhưng chỉ giới hạn ở một số hoạt động thể thao có đủ điều kiện và Chính phủ quyết định danh mục các hoạt động thể dục, thể thao được phép kinh doanh đặt cược thể thao và quy định chi tiết về kinh doanh đặt cược thể thao.
4/27 thành viên Chính phủ và Văn phòng Chính phủ còn lại đề nghị không nên bổ sung vấn đề đặt cược thể thao vào dự thảo luật.
Lý do được nêu là, đặt cược thể thao là vấn đề phức tạp và nhạy cảm có ảnh hưởng lớn đến an ninh, trật tự. Trong khi đó, Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày 24/1/2017 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế mới có hiệu lực từ 31/3/2017, cần để thực hiện một thời gian, sau đó tổng kết, đánh giá rồi sẽ quy định vào luật sẽ đảm bảo chặt chẽ và khả thi hơn.
Luật hoá quy định về đặt cược thể thao đã nhận được sự đồng tình của một số vị uỷ viên uỷ ban Thường vụ Quốc hội với lưu ý cần phải có phân tích thuyết phục và cụ thể hơn, bảo đảm tính nguyên tắc, an ninh trật tự trong đặt cược thể thao và nguồn thu từ đặt cược phải được sử dụng để đầu tư cho phát triển thể dục, thể thao.
Cũng trong lần sửa đổi luật này, Chính phủ nêu thực tế, hiện nay có một số ít vận động viên thể thao trong quá trình tập luyện và thi đấu thể thao, không may bị tai nạn mất khả năng lao động hoặc chết nhưng bản thân và gia đình chưa được hưởng các chế độ trợ cấp của Nhà nước như các đối tượng chính sách, cuộc sống hết sức khó khăn, thiếu thốn.
Do đó, trong dự thảo luật cần có quy định các vận động viên có thành tích xuất sắc không may bị tai nạn trong khi tập luyện, thi đấu thể thao làm mất khả năng lao động hoặc chết thì vận động viên hoặc thân nhân được hưởng chế độ trợ cấp tương tự như các đối tượng chính sách khác.
Chính phủ giải thích, quy định này vừa có ý nghĩa hỗ trợ khó khăn cho bản thân vận động viên và gia đình khi không may bị tai nạn, vừa có ý nghĩa khuyến khích, thu hút các tài năng thể thao, giúp họ yên tâm tập luyện, thi đấu và cống hiến cho thể thao nước nhà.
P.Thảo