1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vụ sập lò gạch ở Hà Tây:

Cả chủ lò gạch và chính quyền xã đều phải chịu trách nhiệm

(Dân trí) - Về vụ sập lò gạch thảm khốc ở Châu Can, Phú Xuyên, làm 6 người chết và 4 người bị thương, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tây kết luận: cả chủ lò gạch và chính quyền xã đều phải chịu trách nhiệm; những sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

Thanh tra Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Hà Tây và huyện Phú Xuyên đã kết luận: “Nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động là do lò gạch xây dựng rất sơ sài, phần mái được che phủ bằng một lớp phên nứa, vỏ lò được chủ tận dụng những viên gạch xấu, gạch mộc chưa qua nung để xây dựng, với chiều cao khoảng hơn 20 mét. Các mạch nối giữa các viên gạch với nhau cũng được chủ lò tận dụng đất cát pha hoặc chỉ là xếp tạm bợ, dẫn đến nặng mặt lò.

 

Lò gạch thì cũ nát, vỏ lò đã hỏng trong khi đó các cột chống, giữ lò gạch làm rất sơ sài, với mấy chiếc cột gỗ đường kính khoảng 20cm và ống thoát nước bằng sắt. Trong khi đó vỏ lò lại xây dựng theo kiểu hình thang, các cột chống trên không thể chịu được sức nặng hàng chục tấn. Mặt khác, kết cấu lò và mái lại tách rời nhau nên chỉ cần có gió to những chiếc cột chuyển động mạnh cũng dẫn đến làm sập, đổ tường lò”.

 

Anh Nguyễn Văn Đủ, chủ lò gạch thừa nhận là lò gạch đã cũ nát; khi thuê lao động làm việc tại lò gạch chỉ là hợp đồng miệng, không có trang bị bảo hộ lao động cho công nhân cũng như tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động; chỉ trả tiền công cho người lao động theo sản phẩm là 35.000 đồng/1.000 viên để gánh gạch ra và vào lò.

 

Về quản lý nhà nước, chính quyền địa phương đã cho phép chủ lò gạch khai thác đất và nung gạch nhưng suốt thời gian 3 năm lò gạch hoạt động, xã này không kiểm tra đôn đốc về an toàn, thậm chí nội dung hợp đồng cũng rất vô trách nhiệm, không có những điều qui định về vệ sinh, an toàn lao động.

 

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã còn nói, từ khi lò gạch đi vào hoạt động từ năm 2005 đến nay không có chuyện gì xảy ra, anh Đủ luôn thực hiện nghiêm túc việc đóng tiền thuê đất với 62 triệu đồng/năm. Như vậy, trong quá trình xây dựng, hoạt động của lò gạch, chính quyền xã đã không quan tâm đến việc thuê lao động và công tác bảo hộ lao động, mà chỉ quan tâm đến việc chủ lò gạch có trả tiền thuê đất đúng thời hạn không.

 

Theo tin từ TTXVN, trong năm 2007, xã Châu Can đã nhận được quyết định của huyện Phú Xuyên yêu cầu giải tỏa các lò gạch hoạt động trên địa bàn, nhưng chính quyền xã vẫn không chấp hành.

 

Ông Phan Văn Tuấn, Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Hà Tây cho biết: Năm 2007, tỉnh xảy ra 33 vụ tai nạn lao động, làm chết 12 người, 25 người bị thương, làm thiệt hại về tài sản trên 1 tỷ đồng. Trong đó, tình hình mất an toàn lao động trong các ngành nghề xây dựng đang ở mức báo động đỏ.

 

Qua công tác điều tra cho thấy, nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn lao động là do việc chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa được nghiêm túc. Trong đó, công tác tổ chức lao động rất tùy tiện, không khoa học. Các chủ sử dụng lao động không tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động; người lao động không được trang bị thiết bị an toàn lao động khi làm việc.

 

Nguyễn Văn Thường